Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tăng kích cầu tiêu dùng, tăng sức mua
Thứ năm: 21:32 ngày 02/07/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trong thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid -19, việc mua sắm của người dân giảm mạnh. Vào thời điểm này, hầu hết người tiêu dùng chỉ ưu tiên mua sắm những mặt hàng thiết yếu, tiêu dùng hàng ngày, còn những mặt hàng như quần áo, giày dép, trang thiết bị gia đình... thì gần như bị “đóng băng”.

Sức mua giảm mạnh đã kéo lĩnh vực bán lẻ trên địa bàn tỉnh sụt giảm doanh thu nghiêm trọng. Đến nay, dịch Covid-19 được khống chế trong nước phần nào đã giúp họat động thương mại từng bước trở lại.

Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị Co.opmart TP.Tây Ninh.

Theo đại diện siêu thị Co.opmart TP.Tây Ninh cho biết, tình hình mua sắm đến thời điểm hiện tại đã sôi động trở lại nhờ vào các chương trình khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng của đơn vị. Cụ thể, Co.opmart TP.Tây Ninh phối hợp với hàng loạt nhãn hàng cùng giảm giá để chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng, đẩy mạnh sức mua hàng hóa.

Hiện tại, siêu thị kết hợp khuyến mãi giảm giá các mặt hàng thiết yếu vừa hướng người tiêu dùng chọn mua sản phẩm của những doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, kích cầu những sản phẩm tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, còn có chương trình “Ủng hộ nông sản Việt” với hàng loạt ưu đãi dành cho khách hàng khi mua các loại trái cây, gạo, rau... Khách hàng sau khi mua sắm còn được giao hàng miễn phí đến tận nhà.

Ngoài các mặt hàng thiết yếu, hàng điện lạnh, máy giặt, ti vi, điện thoại, các loại bếp nấu ăn... cũng được người tiêu dùng bắt đầu để mắt đến. Tại siêu thị Điện máy xanh trên đường Cách Mạng Tháng Tám, TP.Tây Ninh, lượng hàng hóa được bán ra trong tháng này tăng gấp 2 - 3 lần so với tháng trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19.

Theo Sở Công thương, trong 6 tháng đầu năm 2020, công tác bình ổn thị trường cung ứng hàng hóa, giảm bớt khó khăn cho đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp luôn được bảo đảm thực hiện, với mục tiêu kiểm soát lạm phát, kích cầu tiêu dùng của người dân. Sức mua tiêu dùng của người dân tăng trở lại do tình hình dịch Covid-19 đã được kiểm soát trên cả nước.

Trong 6 tháng đầu năm doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tính đạt 30.031,9 tỷ đồng, chiếm 80% tổng mức và tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, mặt hàng gỗ và vật liệu xây dựng tăng 0,71%; đá quý, kim loại quý tăng 1,24%. Các mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng 1,89% và xăng đầu các loại tăng 3,26%; hàng may mặc giảm 0,04%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm 0,6%; vật phẩm văn hoá, giáo dục giảm 2,41%; ô tô các loại giảm 12,07%; phương tiện đi lại giảm 5,13%.

Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị Điện máy xanh trên đường CMT8, TP.Tây Ninh.

Bên cạnh đó, doanh thu dịch vụ, lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành trong 6 tháng đầu năm ước tính đạt 7.505,23 tỷ đồng, chiếm 20% tổng mức và giảm 11,34% so với cùng kỳ năm trước. Thời gian qua, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên thế giới, Việt Nam tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài và du lịch nội địa chưa trở lại mạnh mẽ như cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 75,6 tỷ đồng, chiếm 0,2% tổng mức và giảm 20,43%.

Nhìn chung, đến thời điểm hiện tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống đã mở cửa trở lại sau dịch, tâm lý người dân đã bớt lo ngại. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước tình hình hoạt động trong lĩnh vực này vẫn giảm mạnh do học sinh còn đi học, nhu cầu du lịch hè của các gia đình vào thời điểm này chưa cao. Doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 4.113,69 tỷ đồng, giảm 14,34% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Sở Công thương, nhằm bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, ngăn chặn hàng giả, hàng lậu lợi dụng chương trình để tiêu thụ, Sở đề nghị các doanh nghiệp niêm yết giá cả, thông tin sản phẩm hàng hóa, dịch vụ rõ ràng và thực hiện đúng các nội dung khuyến mại đã được đăng ký hoặc thông báo.

Bên cạnh đó, các chương trình khuyến mại của doanh nghiệp dành cho người tiêu dùng phải thực sự hấp dẫn, đối với khuyến mại giảm giá phải là giảm giá thật, không phải theo kiểu “nâng giá lên rồi lại hạ xuống”. Sản phẩm, hàng hóa tham gia khuyến mại bảo đảm chất lượng, dồi dào về số lượng, phong phú về chủng loại.

Đặc biệt, khuyến khích các mặt hàng tiêu dùng sản xuất trong nước. Các doanh nghiệp tham gia bằng cách thực hiện đồng loạt các hình thức khuyến mại được quy định tại Luật Thương mại năm 2005, Nghị định 81/2018/NĐ-CP ngày 22-5-2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại.

Nhi Trần

Tin cùng chuyên mục