Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Phương:
Tăng lương vào thời điểm này sẽ khó cân đối ngân sách
Thứ tư: 00:05 ngày 27/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Việc Chính phủ đề nghị tạm hoãn tăng lương cơ sở đã và đang thu hút sự chú ý của hàng triệu người làm công ăn lương. Để làm rõ thêm một số thông tin, Báo Tây Ninh có cuộc trao đổi với ông Trịnh Ngọc Phương-Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư, ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh.

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Quốc hội xem xét hoãn tăng lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang… nói chung là những người hưởng lương từ ngân sách. Hoãn tăng lương tối thiểu là một quyết định đã được Chính phủ cân nhắc, tính toán kỹ bởi vì thời gian qua, các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị tác động nặng nề do dịch bệnh Covid- 19 gây ra.

Việc Chính phủ đề nghị tạm hoãn tăng lương cơ sở đã và đang thu hút sự chú ý của hàng triệu người làm công ăn lương. Để làm rõ thêm một số thông tin, Báo Tây Ninh có cuộc trao đổi với ông Trịnh Ngọc Phương (ảnh)- Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh.

PV: Thưa ông, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV hôm 20.5. Thủ tướng Chính phủ đề nghị Quốc hội cân nhắc chưa tăng lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, lương hưu từ 1.7.2020 để cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng Covid-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách. Là đại biểu Quốc hội, ông đón nhận thông tin này như thế nào, bản thân ông có bất ngờ không? Nhân đây, nếu được, ông có thể cho biết quan điểm của Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh về đề nghị hoãn tăng lương tối thiểu?

ĐBQH Trịnh Ngọc Phương: Bản thân tôi cũng như Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh không bất ngờ với đề xuất của Chính phủ. Tôi cho rằng, dịch bệnh Covid- 19 có tác động rất lớn đến kinh tế - xã hội, thu ngân sách… Trong tình hình như thế, cộng đồng doanh nghiệp và người dân đã chung tay hỗ trợ cho những người có hoàn cảnh khó khăn do tác động của dịch. Cán bộ, công chức, viên chức không thể đứng ngoài cuộc, cũng nên chia sẻ khó khăn chung.

Cán bộ, công chức, viên chức nhà nước được hưởng lương từ ngân sách nên cuộc sống đã được bảo đảm. Theo tôi nghĩ, dành phần tăng lương này để ngân sách Nhà nước hỗ trợ, giải quyết những vấn đề an sinh xã hội. Việc chưa tăng lương, xét từ góc độ cụ thể nào đó, sẽ làm giảm thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức nhưng không đáng kể so với những người gặp khó khăn do tình hình đại dịch Covid- 19.

Trên hết, nếu tạm hoãn tăng lương vào lúc này tức là cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đã thể hiện tinh thần yêu nước cũng như truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Điều quan trọng trong lúc này là thực hiện đồng bộ các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và chăm lo an sinh xã hội.

PV: Sau khi Hội nghị Trung ương lần thứ 7, khoá XII kết thúc, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức. Theo tinh thần của Nghị quyết 27, tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương.

Trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội; thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững. Giả sử tại kỳ họp này, Quốc hội thông qua nghị quyết tạm hoãn tăng lương như đề nghị của Thủ tướng Chính phủ thì có ảnh hưởng gì đến việc triển khai Nghị quyết 27 của Trung ương không?

ĐBQH Trịnh Ngọc Phương: Mức lương cơ sở hiện nay là 1,49 triệu đồng/tháng, mới đạt 42,39% so với mức lương tối thiểu vùng bình quân năm 2019 (3,515 triệu đồng/tháng) và đạt 40,16% so với mức lương tối thiểu vùng bình quân năm 2020 (3,71 triệu đồng/tháng).

Nghị quyết số 86 năm 2019 của Quốc hội quy định: “Thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng theo quy định và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng bằng mức lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 1.7.2020”. Theo kế hoạch, nguồn chi tăng lương vào khoảng hơn 60.000 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách trong năm 2019.

Tuy nhiên như đã nói ở trên, trong tình hình khó khăn như thế, cộng đồng doanh nghiệp và người dân đã chung tay hỗ trợ cho những người có hoàn cảnh khó khăn do tác động của dịch như thế, lương cán bộ, công chức, viên chức đã được bảo đảm.

Như vậy, việc chưa tăng lương cơ sở là phù hợp, dĩ nhiên, lộ trình cải cách tiền lương từ năm 2021 cũng có thể chậm lại; và theo tôi, vẫn không ảnh hưởng gì đến Nghị quyết 27 của Trung ương. Được biết, Chính phủ cũng đã trình Trung ương, còn thời gian cụ thể như thế nào sẽ do Ban Chỉ đạo quyết định.

PV: Cũng liên quan chủ đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ thông tin với báo giới rằng, có thể phải xem xét lùi thời gian thực hiện cải cách tiền lương vào năm 2021, theo như kế hoạch ban đầu của Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương. Là đại biểu Quốc hội, đồng thời là Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, chắc hẳn ông có nhiều thông tin. Nếu được, ông có thể chia sẻ với độc giả cũng như góc nhìn của ông về câu chuyện tiền lương?

ĐBQH Trịnh Ngọc Phương: : Trước đây, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đề xuất Chính phủ điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng 5,1% - 5,7% từ ngày 1.1.2020, tương ứng mức điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ 150.000 - 240.000 đồng/tháng so với năm 2019 nhằm thực hiện Nghị quyết 27.

Cụ thể, mức tăng lương tối thiểu vùng 1 điều chỉnh từ 4.180.000 - 4.420.000 đồng, tăng 240.000 đồng/tháng; mức tăng lương tối thiểu vùng 2 được điều chỉnh từ 3.710.000 - 3.920.000 đồng, tăng 210.000 đồng/tháng; mức lương tối thiểu vùng 3 điều chỉnh từ 3.250.000 - 3.430.000 đồng, tăng 180.000 đồng/tháng; mức lương tối thiểu vùng 4 điều chỉnh từ 2.920.000 - 3.070.000 đồng, tăng 150.000 đồng/tháng. Như vậy, lương tối thiểu vùng 1, vùng 2 sẽ tăng khoảng 5,7%, vùng 3 tăng 5,5% và vùng 4 tăng 5,1% so với mức lương tối thiểu năm 2019.

Tuy nhiên, thực tế những năm qua cho thấy, tăng năng suất lao động khá chậm nhưng lương lại tăng cao, tốc độ tăng lương tối thiểu rất nhanh. Vì vậy, sau khi đã đạt được mức sống tối thiểu thì phải tính đến một chu kỳ tăng lương cho phù hợp.

Quan trọng nhất là tăng lương phải gắn với tăng năng suất lao động và duy trì năng lực cạnh tranh. Hội đồng Tiền lương quốc gia cũng nhận định mức tăng lương tối thiểu như thế nhằm bảo đảm mục tiêu Nghị quyết 27 của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo đảm lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Qua đó, đồng thời bù lạm phát, trượt giá cho năm 2019 khoảng 4%.

Tuy nhiên, chúng ta vừa trải qua đại dịch Covid-19 với những tác động, thiệt hại rất nặng nề tới kinh tế, xã hội. Chính phủ cũng vừa phải chi 62.000 tỷ đồng cho an sinh xã hội để hỗ trợ người nghèo, người lao động tự do và các đối tượng bị tác động bởi dịch. Cùng với đó, huy động nhiều gói hỗ trợ cho doanh nghiệp như gói tín dụng 300.000 tỷ đồng, gói tài khoá 180.000 tỷ đồng...

Do đó, việc tạm hoãn tăng lương cơ sở sẽ giúp Chính phủ giải quyết khó khăn trước mắt. Việc này chắc chắn sẽ có tác động, nhưng nếu thực hiện tốt, đồng bộ các giải pháp thì tác động này không lớn, hoàn toàn trong tầm kiểm soát. Với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nằm ở ngưỡng trên dưới 4% thì không đáng lo.

Nhưng nếu chỉ số này tăng cao sẽ tác động đến người lao động. Tôi muốn lưu ý rằng, tiếp tục tăng lương vào thời điểm này sẽ khó cân đối ngân sách. Đó là lý do Chính phủ muốn đề nghị Quốc hội xem xét lùi thời gian điều chỉnh tăng mức lương cơ sở, để đến 1.1.2021 mới thực hiện, đồng thời chính sách cải cách tiền lương 2021 theo tôi cũng có thể phải tính toán lại theo hướng lùi lộ trình thực hiện từ 2021 sang 2022 vì nguồn ngân sách đang khó khăn.

PV: Ngày 1.7 năm nay, Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 có hiệu lực, trong đó có quy định học sinh cấp THCS không phải nộp học phí, đồng thời chế độ phụ cấp thâm niên của giáo viên cũng không còn. Với tình hình như vừa nêu ở trên, theo ông, có nên xem xét tạm dừng áp dụng một số điều trong Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 hay không?

ĐBQH Trịnh Ngọc Phương: Đây là vấn đề mà hiện nay nhiều giáo viên bày tỏ sự lo lắng khi kể từ ngày 1.7.2020 - ngày Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực - họ sẽ mất đi một khoản thu nhập đáng kể do phụ cấp thâm niên không còn nữa. Tuy nhiên, thực tế từ thời điểm này, thu nhập của giáo viên vẫn có thể sẽ tăng cao.
Tại Nghị quyết 27 năm 2018, Bộ Chính trị xác định sẽ bỏ phụ cấp thâm niên nghề đối với toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức; chỉ còn quân đội, công an, cơ yếu được hưởng khoản phụ cấp này.

Thực hiện chủ trương nêu trên, tại Luật Giáo dục năm 2019 cũng không còn quy định về phụ cấp thâm niên của giáo viên như Luật Giáo dục trước đây. Như vậy, kể từ ngày Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực (1.7.2020) giáo viên sẽ bị mất một khoản thu nhập không nhỏ đến từ phụ cấp thâm niên.

Tuy nhiên theo quy định bỏ phụ cấp thâm niên, thu nhập của giáo viên vẫn tăng cao với một số lý do. Thứ nhất, lương cơ sở tăng từ 1.7.2020 (nếu không có đại dịch Covid-19). Cụ thể, lương cơ sở vẫn sẽ được duy trì trong năm 2020 và đặc biệt từ ngày 1.7.2020, mức lương này sẽ tăng cao “kỷ lục” lên 1,6 triệu đồng/tháng (cao nhất trong vòng 8 năm trở lại đây).

Do ở thời điểm này, tiền lương và một số khoản phụ cấp của giáo viên vẫn được duy trì theo cách tính: lương cơ sở x hệ số, nên khi lương cơ sở tăng, lương và một số khoản phụ cấp của giáo viên cũng sẽ tăng vọt (mức tăng lương cao nhất lên đến 700.000 đồng/tháng với giáo viên trung học). Tuy nhiên, tạm thời do đại dịch Covid- 19 nên lương cơ sở sẽ không tăng.

Thứ hai, giáo viên được hưởng phụ cấp đặc thù nghề. Tuy bãi bỏ phụ cấp thâm niên, nhưng theo Điều 76 của Luật Giáo dục 2019, giáo viên vẫn sẽ “được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ”. Đây là điều mà các Luật Giáo dục trước đây không quy định.

Hiện nay, theo Nghị định 113/2015/NĐ-CP, phụ cấp đặc thù nghề chỉ dành cho giáo viên vừa dạy lý thuyết, vừa dạy thực hành là nghệ nhân ưu tú trở lên hoặc người có trình độ kỹ năng nghề cao, dạy thực hành trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.

Với định hướng mới của Luật Giáo dục nêu trên, Nghị định 113, theo tôi có thể sẽ được sửa đổi trong thời gian tới theo hướng mở rộng hơn đối tượng giáo viên được hưởng phụ cấp đặc thù nghề.

Thứ ba, giáo viên được hưởng lương theo vị trí việc làm. Theo tinh thần của Nghị quyết 27, từ năm 2021, chính sách tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có giáo viên sẽ được thay đổi. Cách tính lương theo mức lương cơ sở và hệ số lương không còn được duy trì, thay vào đó là tính lương theo vị trí việc làm. Trong đó, mỗi chức danh nghề nghiệp viên chức có nhiều bậc lương theo nguyên tắc, cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau.

Tiền lương theo vị trí việc làm là tiền lương được trả theo đúng năng lực thực chất, khả năng đáp ứng yêu cầu công việc, thay vì phụ thuộc vào thâm niên công tác, bằng cấp như hiện nay. Giáo viên càng có chuyên môn tốt lương sẽ càng cao.

Do đó, nếu phải tính toán lại theo hướng lùi lộ trình thực hiện từ 2021 sang 2022 thì theo quy định lương giáo viên vẫn bảo đảm nhưng có thể bị chậm. Vì thế, theo tôi không nhất thiết phải tạm dừng áp dụng một số điều trong Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh