Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Phiên thảo luận của Thường vụ Quốc hội về dự án Bộ Luật lao động (sửa đổi) sáng 14/8 nhận được nhiều góp ý về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, việc tăng tuổi nghỉ hưu (60 với nữ và 62 với nam) là vấn đề rất lớn, thực hiện đúng tinh thần nghị quyết của Trung ương với tầm nhìn dài hạn chứ không phải giải quyết vấn đề trước mắt.
"Theo lộ trình, tới năm 2035 cán bộ nữ mới được nghỉ hưu ở tuổi 60, nghĩa là hơn 15 năm nữa. Như vậy không phải chúng tôi đặt ra vấn đề này để ở lại. Chính sách này không phải cho người đương chức kéo dài thời gian làm việc", bà Ngân nêu rõ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho ý kiến dự án Bộ luật lao động (sửa đổi) sáng 14/8. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Để hoàn thiện đề xuất trên, Chủ tịch Quốc hội góp ý, việc tăng tuổi nghỉ hưu phải tính đến các yếu tố như sức khỏe, khả năng làm việc của người lao động Việt Nam và các yếu tố an sinh xã hội, tâm lý, văn hóa...
Cùng với đó, Ban soạn thảo và Uỷ ban các vấn đề xã hội (cơ quan thẩm tra) phải tính toán thận trọng, lấy ý kiến nhân dân và nhất là các trường hợp chịu tác động của chính sách tăng tuổi nghỉ hưu.
"Không phải Trung ương có nghị quyết rồi thì không cần đánh giá tác động, không cần giải trình", bà Ngân nói và đề nghị kết quả lấy ý kiến nhân dân phải được tổng hợp, phân tích để có thêm thông tin đưa ra quy định độ tuổi nghỉ hưu sao cho phù hợp, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng tuổi nghỉ hưu của người lao động phải được quy định với tầm nhìn dài hạn, tính đến yếu tố già hóa dân số ở Việt Nam trong tương lai gần.
"Phương án Chính phủ đưa ra là tăng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60, nam lên 62 nhưng tăng theo lộ trình chứ không phải tăng ngay. Tôi ủng hộ cách tiếp cận này", ông Lưu nói.
Từ góc độ tâm lý xã hội, Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề về xã hội Nguyễn Thuý Anh nói, "lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chậm sẽ có tác động tốt hơn, tránh phản ứng quá mạnh từ phía người lao động".
Bên cạnh đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay, Ban soạn thảo cùng Uỷ ban các vấn đề về xã hội đang rà soát để quy định người lao động trong các lĩnh vực nặng nhọc, độc hại được nghỉ hưu sớm hơn.
Với giáo viên mầm non, Bộ Giáo dục Đào tạo đã có văn bản đề nghị không xếp vào nhóm cần nghỉ hưu sớm. Vì vậy, Bộ Lao động Thương binh Xã hội cho rằng có thể áp dụng quy định với giáo viên mầm non như người làm nghề xiếc, thể thao. "Nghĩa là có thể chuyển giáo viên mầm non sang làm công việc phù hợp, khi không chuyển được thì mới phải nghỉ hưu sớm", ông Dung nói.
Dự án Bộ luật lao động (sửa đổi) đã được các đại biểu cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7 hồi tháng 6; dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp cuối năm.
Dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) quy định, từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động là đủ 60 tuổi 3 tháng với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ. Đến năm 2028, lao động nam nghỉ hưu ở tuổi 62 tuổi và đến năm 2035 thì lao động nữ nghỉ hưu ở tuổi 60.
Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; nơi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có quyền nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định, trừ trường hợp luật chuyên ngành có quy định khác. Ngược lại, người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt có quyền nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại thời điểm nghỉ hưu.
Nguồn VNE