Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Con tôi được 1,5 tháng tuổi. Thời gian gần đi, bé khó đi tiêu, cần phải dùng bơm hậu môn. Tôi rất lo vì sợ ảnh hưởng đến sức khoẻ của bé, mong bác sĩ tư vấn giùm!
Huyền Nh. (khu phố 2, phường 2, TP. Tây Ninh)
Ðáp: Táo bón trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (1-12 tháng) là tình trạng phân của bé trở nên khô và rắn hơn bình thường. Bé đi vệ sinh ít hơn bình thường. Ðặc biệt nếu quá 3 ngày chưa đi ngoài thì khả năng bé bị táo bón rất cao. Phân có mùi. Bé không ăn nhiều. Mỗi lần đi ngoài bé sẽ rặn khó khăn, đau đớn, và khóc.
Em không nói rõ cho con bú mẹ hay bú sữa công thức. Vì bé bú mẹ thường đi ngoài 1-10 lần/ngày, phân nát hoặc hoa cà hoa cải, mùi hơi chua. Nếu bé bú sữa công thức thường đi 1-5 lần/ngày, phân nhiều và rắn hơn, mùi thối.
Nếu bé được bú sữa mẹ đầy đủ ít khi bị táo bón bởi sữa mẹ rất dễ tiêu hoá. Tuy nhiên, táo bón vẫn có thể xuất hiện ở trẻ được bú mẹ hoàn toàn, đó là do trẻ không được bú đủ lượng sữa mà cơ thể cần và mẹ không ăn nhiều chất xơ hay mẹ cũng bị táo bón.
Thiếu nước là nguyên nhân chính gây táo bón ở trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn. Và chính sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng nuôi bé cũng chính là nguồn nước rất quan trọng với trẻ. Vì thế, bạn cần tăng cường cho bé bú mẹ nhiều hơn để chống táo bón.
Bên cạnh đó, khẩu phần ăn của mẹ cần tăng cường rau xanh và hoa quả tươi, mẹ không nên ăn những chất chiên xào nhiều dầu mỡ hay ăn những chất kích thích như ớt, tiêu, nước có gas…
Trường hợp bé phải dùng sữa công thức mà thường xuyên bị táo bón là vì sữa công thức khó tiêu hoá hơn sữa mẹ. Ðể khắc phục tình trạng táo bón, hằng ngày, bạn nên xoa bụng cho bé theo chiều kim đồng hồ khi bé đói một đến hai lần, mỗi lần khoảng 5-10 phút. Tập cho bé đi vệ sinh vào giờ nhất định, tạo cho bé phản xạ đi ngoài hằng ngày. Nếu cho bé ăn sữa công thức, em nên pha sữa theo đúng chỉ dẫn ghi trên nhãn hộp, nếu pha loãng quá sẽ thiếu năng lượng cho bé, pha đặc quá bé dễ bị táo bón. Ngoài ra, bạn có thể cho bé uống thêm một chút nước sôi để nguội nhưng không uống nước trước khi ăn.
Táo bón có thể là triệu chứng của một bệnh khác, hoặc là tác dụng phụ của một loại thuốc nào đó mà bé đang uống.
Nếu bạn áp dụng phương pháp trên mà bé vẫn không đi ngoài được thì nên đưa bé đến bệnh viện để bác sĩ chuyên khoa Nhi khám và điều trị cho bé.
BS LÊ TRUNG NGÂN