Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Do nhiều kênh tiêu trước đây được thiết kế chỉ phục vụ cho việc sản xuất lúa, vào mùa mưa không thể tiêu thoát được dẫn đến ngập úng.
Một đoạn kênh tiêu tại xã Truông Mít bị bồi lấp, đầy cỏ dại.
Thời gian qua, cơ cấu nông nghiệp của tỉnh đã có nhiều thay đổi để phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, hệ thống thuỷ lợi phát huy được hiệu quả cung cấp nước sản xuất nông nghiệp cho người dân. Tuy nhiên, do nhiều kênh tiêu trước đây được thiết kế chỉ phục vụ cho việc sản xuất lúa, vào mùa mưa không thể tiêu thoát được dẫn đến ngập úng. Vì thế mà người dân e ngại không dám mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Hệ thống kênh tiêu đã “lạc hậu”
Theo ông Trần Văn Lâu, một nông dân ở xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu, mùa mưa, hệ thống kênh tiêu nội đồng không thể tiêu thoát được, gây ngập úng, điển hình là cánh đồng Hai Quýnh, Cây Quéo ở xã Truông Mít.
Ông Lâu cho rằng, ngoài việc hệ thống kênh tiêu bị bồi lắng, thì việc người dân cất nhà, tự ý đặt cống cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hệ thống kênh tiêu nội đồng không phát huy hiệu quả. Như cánh đồng Hai Quýnh phía sau cây xăng Hùng Diệp, người dân cất nhà, đổ đất làm nền nhiều nên khó tiêu thoát nước vào mùa mưa, gây ngập úng. Do đó, việc cải tạo lại hệ thống kênh tiêu sẽ thúc đẩy việc phát triển sản xuất của người dân, có thể chuyển đổi sang trồng những cây có múi, cây ăn quả. Chứ như hiện nay, người dân chỉ trồng được một vụ lúa không mang lại hiệu quả cao.
Một người dân tại ấp Phước An, xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu cho rằng, do hệ thống kênh tiêu chỉ cho người dân mỗi năm làm một vụ lúa và một vụ mì không hiệu quả. Ngoài ra, đường giao thông nội đồng cặp hai bên bờ kênh, do nhiều năm không được nâng cấp sửa chữa, ảnh hưởng nhiều đến việc đi lại, vận chuyển nông sản. Người dân mong muốn chính quyền ngoài việc nạo vét, nâng cấp hệ thống kênh tiêu cần quan tâm đến việc đầu tư hệ thống đường giao thông nội đồng để phục vụ cho phát triển sản xuất của người dân trong thời gian tới.
Đó cũng là mong muốn của nông dân xã Mỏ Công, huyện Tân Biên khi nghe chính quyền có chủ trương cải tạo lại hệ thống kênh tiêu để phục vụ người dân triển khai việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Theo người dân, do hệ thống tiêu thoát nước không tốt nên người dân quanh năm chỉ biết trồng lúa, rồi đến trồng mì, rất khó làm giàu. Nếu hệ thống kênh tiêu phát huy hiệu quả, người dân sẽ có nhiều lựa chọn trồng cây trên đất để phát triển sản xuất, chứ không còn phải phụ thuộc cây lúa, cây mì như thời gian qua.
Người dân sẽ chủ động hơn trong sản xuất
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng nông nghiệp tỉnh, sắp tới, ngành nông nghiệp sẽ triển khai 5 dự án phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi cây trồng gồm các hạng mục nạo vét kết hợp với làm đường giao thông nội đồng tại các xã Truông Mít, Lộc Ninh, Phước Ninh- huyện Dương Minh Châu và xã Bàu Đồn- huyện Gò Dầu, xã Tân Phong- huyện Tân Biên.
BQL tỉnh cho biết, hệ thống kênh tiêu được xây dựng và hình thành cùng với hệ thống tưới tiêu của hồ thuỷ lợi Dầu Tiếng với nhiệm vụ ban đầu phục vụ tưới tiêu cho cây lúa. Năm 2010, Nhà nước đầu tư dự án thuỷ lợi Dầu Tiếng nhưng chỉ kiên cố hoá hệ thống kênh tưới, không đầu tư sửa chữa hệ thống kênh tiêu.
Những năm gần đây, cây lúa không còn phù hợp với điều kiện sản xuất và kinh tế của người dân, phần lớn đã chuyển đổi sang trồng mì, mía và cao su. Thế nhưng thực tế cho thấy, do thời tiết thay đổi, kinh tế thị trường biến động, mía, mì, cao su bị dịch bệnh, giá cả không ổn định, đầu ra sản phẩm bấp bênh nên nhà nước có chủ trương chuyển hướng ngành nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, UBND tỉnh cùng với ngành nông nghiệp tỉnh thành lập các dự án phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi cây trồng tại các địa phương trên.
Cũng theo BQL dự án, hệ thống kênh tiêu trong vùng dự án đã từ lâu chưa được đầu tư nạo vét, nâng cấp hoặc chỉ nạo vét hằng năm cho thông thoáng dòng chảy; đa số bị bồi lấp, cỏ dại mọc đầy lòng kênh; bờ kênh đất, nhiều đoạn hẹp, hai bên cây cối nhiều, lầy lội, nhiều ổ gà, ổ voi, có nhiều rãnh thoát nước cắt ngang bờ. Tại một số vị trí, người dân đặt cống tạm, còn lại không có cống, giao thông đi lại khó khăn. Một số công trình trên kênh chưa có hoặc hiện trạng chỉ phù hợp tiêu thoát cho trồng lúa, không phù hợp tiêu thoát để chuyển đổi sang cây ăn quả, rau quả như nhiệm vụ của dự án đề ra.
Con đường bờ kênh tiêu tại xã Phước Ninh bị hư hỏng nặng, nhiều ổ voi, ổ gà.
Đơn cử như dự án tại xã Truông Mít, khi triển khai sẽ nạo vét 2 kênh tiêu T12-13, T12-16, tưới tiêu cho 215 ha đất nông nghiệp xã Truông Mít, giúp người dân chủ động chuyển đổi từ cây trồng lúa, mì, mía và các loại hoa màu khác sang trồng cây ăn quả, rau quả, hiệu quả kinh tế cao, nâng cao năng suất cây trồng, giảm chi phí sản xuất, nâng thu nhập cho người dân.
Đồng thời, tiến hành đắp đường bờ kênh làm đường giao thông nông thôn phục vụ việc đi lại sản xuất, vận chuyển nông sản của người dân địa phương. Còn dự án tại Tân Phong, khi triển khai thực hiện sẽ làm nhiệm vụ tưới tiêu đến 1.500 ha đất nông nghiệp của hai xã Tân Phong, Mỏ Công- huyện Tân Biên.
Các dự án này khi được triển khai sẽ góp phần thay đổi bộ mặt ngành nông nghiệp tỉnh, tạo điều kiện cho người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Theo lãnh đạo các địa phương trên, UBND các xã đã họp dân thông báo về chủ trương thực hiện dự án, và nhận được sự đồng thuận và vui mừng, dọn dẹp phần lưu không kênh để chuẩn bị sẵn mặt bằng cho đơn vị thi công.
Thế Nhân