Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 6.6, tại Gò Dầu, Liên minh HTX Việt Nam, Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam và UBND huyện Gò Dầu tổ chức triển khai các chương trình hỗ trợ nông dân và HTX tham gia chuỗi giá trị cung cấp sản phẩm cho nhà máy Tanifood.
Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo và các bộ phận của Liên minh HTX Việt Nam, ông Lê Thành- Viện trưởng Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, đại diện Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), lãnh đạo huyện Gò Dầu, đại diện các hộ nông dân và HTX nông nghiệp tiêu biểu của huyện Gò Dầu.
Lãnh đạo Liên minh HTX, Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ và huyện Gò Dầu chủ trì hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Bảo- Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam rất vui mừng khi biết Công ty Cổ phần Lavifood đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến rau củ quả Tanifood tại xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu.
Đây là cơ hội để huyện Gò Dầu nói riêng và tỉnh Tây Ninh nói chung tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại tổ chức sản xuất ngành nông nghiệp theo Dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao mà tỉnh Tây Ninh đã đăng ký thực hiện đầu tiên trên phạm vi cả nước từ năm 2017.
Trên địa bàn Gò Dầu hiện có 8 HTX nông nghiệp và 9 Tổ hợp tác trong sản xuất và dịch vụ nông nghiệp. Do đó, để tạo cơ sở vững chắc trong cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, bền vững, ông Nguyễn Ngọc Bảo đề xuất huyện nhanh chóng triển khai một số nhiệm vụ, đó là: củng cố lại các HTX hiện có, tạo liên kết sản xuất tiêu thụ ổn định, mở rộng loại hình sản xuất kinh doanh, phát triển thành viên và tăng quy mô sản xuất; hình thành mới thêm các HTX kiểu mới trên các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, ngành nghề nông thôn gắn liền chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường quốc tế; mời gọi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng vùng nguyên liệu có ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, đẩy mạnh mối liên kết giữa các doanh nghiệp với hộ nông dân hoặc HTX để ký kết hợp đồng cung ứng vật tư- sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản.
Theo ông Lê Thành- Viện trưởng Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chuỗi giá trị, người nông dân và HTX nên thay đổi tư duy trước đây là “trồng cây gì, nuôi con gì” bằng “trồng cây gì, con gì và bán ở đâu”.
Thông qua sự đầu tư xây dựng nhà máy Tanifood tại xã Thạnh Đức, với dây chuyền sản xuất rau củ quả hiện đại để cho ra sản phẩm xuất khẩu đạt tiêu chuẩn thế giới, nhà nông có thể yên tâm về đầu ra nông sản.
Các hộ nông dân và HTX tại Gò Dầu đặt câu hỏi liên quan đến nhà máy Tanifood và Ngân hàng SCB.
Ông Lê Thành nhấn mạnh, Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ cùng với Liên minh HTX Việt Nam sẽ làm cầu nối, liên kết nông dân và các HTX cung cấp sản phẩm cho nhà máy Tanifood đúng và đủ số lượng.
Trong phần giới thiệu về đặc thù trong sản xuất của Tanifood cũng như trong trả lời câu hỏi của đại diện chính quyền địa phương, hộ nông dân và HTX về việc tiêu thụ nông sản, ông Đinh Hùng Dũng- Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Lavifood cho biết, dự kiến đến đầu tháng 10 năm nay, nhà máy Tanifood sẽ đi vào hoạt động, mỗi ngày nhà máy cần 500 tấn nguyên liệu nông sản để sản xuất.
Trước mắt, những hộ có diện tích đất nông nghiệp nhỏ lẻ nên tập trung trồng hai loại cây ngắn ngày là khóm và thanh long ruột đỏ, nhà máy sẽ ký hợp đồng thu mua hai loại nông sản này với giá sàn lâu dài; đối với những hộ và HTX có diện tích đất lớn thì nên đầu tư trồng các loại cây ăn trái lâu dài (như xoài) thì trong thời gian tới nhà máy sẽ ký hợp đồng tiêu thụ.
Sắp tới, nhà máy Tanifood đầu tư dây chuyền chế biến đồ hàng bông (đậu nành, bắp non, bắp ngọt, đậu bắp, bí ngô…) thì nông dân trên địa bàn tỉnh sẽ có cơ hội phát triển sản xuất và tiêu thụ những sản phẩm này cho nhà máy.
Riêng những lo lắng về nguồn vốn sản xuất, là đối tác chiến lược giữa Liên minh HTX và Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, đại diện Ngân hàng SCB cho biết sẽ có nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ cho các hộ nông dân và HTX trong việc vay vốn khi tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp.
Theo ông Đinh Hùng Dũng- Phó TGĐ Công ty CP Lavifood, trước mắt, những hộ có diện tích đất nhỏ lẻ nên trồng khóm và thanh long ruột đỏ cung cấp cho Tanifood.
Kết thúc hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Bảo- Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam đề xuất UBND Gò Dầu cho phép thành lập Trung tâm hỗ trợ nông dân, Liên minh HTX Việt Nam sẽ cùng với Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ tạo điều kiện thuận lợi về hỗ trợ đầu tư cho nông dân và các HTX của huyện nói riêng và cả tỉnh Tây Ninh nói chung, tạo nền tảng vững chắc để phát triển bền vững.
Với những kết quả tích cực từ hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Hùng- Bí thư Huyện uỷ Gò Dầu ủng hộ các ý kiến và cho biết sẽ có báo cáo lên cấp trên để triển khai thực hiện.
* Trước đó, đoàn lãnh đạo, cán bộ Liên minh HTX Việt Nam đến khảo sát về tình hình hoạt động của HTX Thương mại – dịch vụ ứng dụng công nghệ cao Gò Dầu (thị trấn Gò Dầu); thăm và làm việc với HTX Sản xuất- Thương mại – Dịch vụ Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu.
HTX Phước Ninh được thành lập từ cuối năm 2015, hoạt động kinh doanh dịch vụ về vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi thủy sản, gia cầm… Đến nay, HTX đã hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế cao, tổng lợi nhuận 2 năm (2016 – 2017) đạt hơn 620 triệu đồng.
Tại buổi làm việc, đại diện HTX Phước Ninh nêu một số khó khăn trong hoạt động như thiếu quỹ đất để sản xuất, cần đầu tư nhà xưởng chế biến và nguồn vốn đầu tư, đề nghị cần có sự hỗ trợ để HTX phát triển bền vững.
Kết thúc buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Bảo- Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam chia sẻ với những khó khăn của HTX, đồng thời đề nghị các cơ quan của Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh cũng như địa phương phối hợp tháo gỡ khó khăn cho HTX và có những định hướng giúp HTX hoạt động hiệu quả gắn với chuỗi giá trị.
Thanh Hạnh - Nhật Quang