Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh vào trường nghề
Thứ sáu: 00:54 ngày 27/11/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cơ sở giáo dục cũng cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các trường THCS, THPT trong tỉnh đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh vào học giáo dục nghề nghiệp, thực hiện có hiệu quả việc tư vấn học nghề, định hướng nghề nghiệp cho học sinh ngay từ đầu đối với các em học lớp 9 và lớp 12 để các em xác định được mục tiêu phấn đấu và lựa chọn tương lai nghề nghiệp của mình.

Học sinh Trường cao đẳng Nghề. Ảnh: Ðại Dương

Ông Nguyễn Ðức Hạnh- Trưởng Phòng Dạy nghề, lao động việc làm và an toàn lao động thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thông tin, toàn tỉnh có 21 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đăng ký hoạt động, gồm 1 Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh (được thành lập từ năm 2014 trên cơ sở nâng cấp trường trung cấp nghề), 2 trường trung cấp nghề công lập, 2 trường trung cấp tư thục, 9 trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện và 7 cơ sở GDNN khác do doanh nghiệp, tổ chức đăng ký hoạt động.

Quy mô tuyển sinh, đào tạo của tất cả các cơ sở khoảng 12.000 người/năm, trong đó, cao đẳng 700 người, trung cấp 2.000 người, sơ cấp và đào tạo thường xuyên khoảng 5.600 người, đào tạo nghề cho lao động nông thôn 3.750 người.

Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, trong đó có hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Tuy vậy, những tháng đầu năm, bằng sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cơ sở GDNN, toàn tỉnh đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo được 10.846 người, đạt tỷ lệ 91,29% so với chỉ tiêu (tính đến tháng 11.2020).

Theo thống kê từ các cơ sở GDNN, từ năm 2016-2020, số HSSV tốt nghiệp là 27.196 người, trong đó cao đẳng 647 người, trung cấp 4.437 người, sơ cấp 22.112 người. Số người có việc làm sau khi tốt nghiệp cao đẳng đạt 100%, trung cấp đạt 95%, sơ cấp đạt 90%.

Khó khăn, vướng mắc trong công tác đào tạo nghề cho HSSV ở các trường nghề hiện nay là gì? Trả lời câu hỏi này, ông Hạnh cho biết, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành của các cơ sở GDNN vừa thiếu vừa lạc hậu.

Ðội ngũ giáo viên ở một số cơ sở đào tạo còn thiếu so với yêu cầu thực tế, trong khi nhu cầu đăng ký học nghề ở một số ngành tăng cao như công nghệ ô tô, tự động hoá. Công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh trong các trường THCS, THPT chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả chưa cao.

Tâm lý chung của phụ huynh vẫn muốn con tiếp tục học ở trình độ cao hơn. Công tác tuyển sinh của các trường đại học theo hình thức xét tuyển, thời gian kéo dài, chỉ tiêu tăng, điểm chuẩn hạ thấp đã thu hút phần lớn học sinh tốt nghiệp THPT vào học đại học, tạo áp lực tuyển sinh cho các cơ sở GDNN.

Việc phối hợp, gắn kết giữa cơ sở GDNN với các doanh nghiệp sử dụng lao động để nắm bắt nhu cầu nghề đào tạo, để ký kết hợp đồng đào tạo theo đơn đặt hàng còn nhiều hạn chế.

Học sinh học khối ngành chăm sóc sức khoẻ, quản lý đất đai và học viên học nghề dưới 3 tháng khó xin được việc làm ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mức thu nhập không cao. Ðặc biệt trong tình hình dịch Covid-19 kéo dài, nhiều doanh nghiệp cắt giảm nhân sự, dẫn đến học viên tốt nghiệp ra trường rất khó xin được việc làm phù hợp.

Học sinh, học viên Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh trong giờ thực hành.

Ðể nâng cao hiệu quả việc đào tạo nghề cho HSSV, theo ông Hạnh, Nhà nước cùng với tư nhân nên đầu tư kinh phí nâng cấp, cải tạo các phòng học, mua sắm các trang thiết bị tiên tiến đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập của HSSV. Ðào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý các cơ sở GDNN có trình độ chuyên môn, năng lực lãnh đạo, quản lý đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; khuyến khích, tạo điều kiện để đội ngũ nhà giáo tham gia các khoá đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sư phạm.

Mặt khác, ngành chức năng tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN của tỉnh phù hợp với mạng lưới cơ sở GDNN Việt Nam. Ðối với các trường, cơ sở GDNN, chủ động, tích cực, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp hợp đồng đặt hàng đào tạo theo địa chỉ, khuyến khích các doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo HSSV thực hành trên dây chuyền sản xuất.

Cơ sở giáo dục cũng cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các trường THCS, THPT trong tỉnh đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh vào học giáo dục nghề nghiệp, thực hiện có hiệu quả việc tư vấn học nghề, định hướng nghề nghiệp cho học sinh ngay từ đầu đối với các em học lớp 9 và lớp 12 để các em xác định được mục tiêu phấn đấu và lựa chọn tương lai nghề nghiệp của mình.

Trang bị, hoàn thiện cơ sở vật chất, mua sắm các trang thiết bị máy móc phục vụ dạy thực hành phù hợp với sản xuất; tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và đội ngũ nhà giáo bảo đảm 100% đạt chuẩn về trình độ chuyên môn kỹ thuật, ngoại ngữ, tin học theo quy định, cũng được xem là một cách làm để cải thiện tình hình.

 Trao đổi về công tác dạy học văn hoá cho HSSV ở các trường nghề được thực hiện như thế nào, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS học nghề tham gia học văn hoá ra sao, ông Hạnh cho biết: “Việc kết hợp dạy học văn hoá với dạy nghề tại các trường nghề là một trong những giải pháp quan trọng được xác định để phân luồng hiệu quả học sinh sau THCS.

Sau 3 năm học, khi tốt nghiệp, học viên được cấp bằng trung cấp nghề và bằng tốt nghiệp THPT, có cơ hội liên thông ngay lên trình độ cao đẳng, tìm việc làm, thu nhập ổn định”. Hiện nay, học sinh tốt nghiệp THCS tham gia học trung cấp nghề đều được nhà trường bố trí thời gian học chương trình THPT một số môn để đủ điều kiện cấp bằng trung cấp nghề theo quy định.

Ðối với học viên tốt nghiệp THCS tham gia học trung cấp nghề đăng ký học đủ 7 môn chương trình bổ túc văn hoá để đủ điều kiện thi tốt nghiệp THPT. Nhà trường phối hợp với Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện sắp xếp thời gian để các em vừa học văn hoá, vừa học nghề.

Học sinh, học viên Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh.

Ðể công tác đào tạo nghề, dạy học văn hoá cho học sinh các trường nghề hiệu quả hơn trong thời gian tới, Sở LÐ-TB&XH đề nghị, các trường nghề cần tiếp tục phối hợp với các trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện tổ chức tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THCS, thực hiện chương trình đào tạo nghề, đồng thời dạy văn hoá theo chương trình GDTX cấp THPT với yêu cầu bảo đảm chất lượng giáo dục và chuẩn đầu ra.

Trung tâm GDNN, GDTX cần tổ chức rà soát lại nội dung chương trình giảng dạy, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tinh giản để tạo thuận lợi cho HSSV tiếp thu bài học và đạt kết quả cao trong học văn hoá.

Ðể tạo thuận lợi cho HSSV, nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với trung tâm GDNN, GDTX đầu tư cơ sở vật chất phục vụ việc học nghề, học văn hoá ngay tại các trường nghề để HSSV không phải đi lại nhiều nơi.

Chủ trương đẩy mạnh công tác dạy nghề, phân luồng học sinh sau THCS đã được tính đến từ lâu. Một cách công bằng, các cấp quản lý đã có nhiều việc làm cụ thể để tăng tỷ lệ, số lượng học sinh phổ thông đi học nghề. Tuy vậy, vì nhiều nguyên nhân (như đã đề cập ở phần trên của bài viết), học sinh phổ thông vẫn ít đăng ký học nghề.

Sau khi tốt nghiệp THCS, phần lớn học sinh hoặc tiếp tục học lên cấp THPT hoặc dừng con đường học vấn, tham gia thị trường lao động. Một điều nữa cũng cần được nhìn nhận, đó là chính sách đào tạo, tuyển sinh đang tồn tại những mâu thuẫn.

Năm 2011, Bộ Chính trị ban hành chỉ thị liên quan đến giáo dục nghề nghiệp, trong đó có nội dung, đến năm 2015, 30% học sinh sau THCS tham gia học ở  trường nghề. Trên thực tế, con số này không đạt được, vì nhiều nguyên nhân, trong đó có tỷ lệ tuyển sinh vào cấp THPT cao, “vét sạch” nguồn tuyển của trường nghề.

Ð.V.T

“Năm 2015, huy động 80% trẻ từ 3 đến 5 tuổi vào học mẫu giáo; phấn đấu cả nước hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Năm 2020, huy động được 99,7% trẻ 6 tuổi vào học lớp 1, tỷ lệ lưu ban và bỏ học ở tiểu học dưới 0,5%.

100% đơn vị cấp tỉnh, 100% đơn vị cấp huyện và 99,5% đơn vị cấp xã phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi theo quy định của Chính phủ. Tỷ lệ trẻ hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 đạt 99,8%; tỷ lệ lưu ban và bỏ học ở bậc trung học cơ sở dưới 1%; phấn đấu có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề, xoá mù chữ cho 1 triệu người từ 36 tuổi đến hết tuổi lao động”

(trích Chỉ thị 10 của Bộ Chính trị về phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở).

Tin cùng chuyên mục