Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tạo đột phá, nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2025
Thứ sáu: 04:30 ngày 17/01/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chiều 15.1, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình- Phó trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ chủ trì phiên họp thứ 9 của Ban chỉ đạo.

Dự tại điểm cầu tỉnh có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng cùng các thành viên Ban chỉ đạo CCHC tỉnh, các sở, ban, ngành. Hội nghị được trực tuyến đến điểm cầu 9 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh.

Toàn cảnh phiên họp thứ 9 của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ (Ảnh: Cổng thông tin Chính phủ)

Báo cáo kết quả công tác CCHC năm 2024, lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết, CCHC được xác định là một trong những trọng tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2024, trong đó xác định tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình tổng thể CCHC nhà nước, trọng tâm là cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy, công chức, công vụ và thủ tục hành chính (TTHC); tập trung xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia.

Cả 6 lĩnh vực CCHC đều được quan tâm, đẩy mạnh thực hiện, đạt nhiều kết quả tích cực. Nhiều rào cản, vướng mắc về thể chế, cơ chế đã được quan tâm tháo gỡ; nhiều quy định kinh doanh, TTHC được rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Tính từ năm 2021 đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hoá gần 3.200 quy định kinh doanh, đạt 20,2%, vượt qua mục tiêu tối thiểu đề ra cho cả giai đoạn 2020-2025. Trong năm 2024, có 13 bộ, ngành đã thực thi phương án đơn giản hoá 313 TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư tại 35 văn bản quy phạm pháp luật.

Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện cải cách tổ chức bộ máy hành chính, sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Luỹ kế đến nay, cả nước đã giảm 13 sở và tương đương, trên 2.600 tổ chức cấp phòng và tương đương ở địa phương; tinh giản trên 16.100 công chức, viên chức của của bộ, ngành, địa phương. Bộ Nội vụ đã tham mưu triển khai thực hiện 4/6 nội dung cải cách chính sách tiền lương khu vực công năm 2024.

Về xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, trong năm, số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trên trục liên thông văn bản quốc gia là trên 12,2 triệu văn bản, tăng hơn 4 triệu văn bản so với năm 2023; hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ tiếp tục phát huy hiệu quả.

Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của bộ, ngành đạt 59,57% (tăng gần 2 lần so với năm 2023); địa phương đạt 56% (tăng 1,92 lần so với năm 2023); tỷ lệ số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại các bộ ngành đạt 61,4%, các địa phương đạt 67,46%.

Lãnh đạo các sở, ban ngành dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh.

Đối với tỉnh Tây Ninh, trong năm 2024, nhiều mô hình, sáng kiến, giải pháp mới về CCHC, nhất là cải cách TTHC, chuyển đổi số được thí điểm, nhân rộng và thực hiện hiệu quả như: ứng dụng phần mềm quản lý công việc trong các cơ quan chuyên môn và UBND phường, xã thành phố Tây Ninh; tuyến đường không dùng tiền mặt; “Bìa hồ sơ tiện ích”, tổ hỗ trợ vẽ bản vẽ nhà cấp 4…

Năm 2024, tỷ lệ số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC của Tây Ninh đạt trên 84%; tỷ lệ khai thác thông tin, dữ liệu đã số hoá đạt gần 18%; tỷ lệ hồ sơ TTHC giải quyết trước hạn, đúng hạn đạt gần 96%. Tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định về sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình chỉ đạo những nhiệm vụ trọng tâm về CCHC năm 2025 (Ảnh: Cổng thông tin Chính phủ)

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình đánh giá cao sự nỗ lực, quyết liệt, chủ động, triển khai nghiêm túc, hiệu quả chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ CCHC của các bộ ngành, địa phương. Tuy nhiên, CCHC là quá trình liên tục, càng làm càng lộ ra những bất cập, rào cản, cần kịp thời khắc phục để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đáp ứng mong đợi của người dân, doanh nghiệp.

Mặc dù có chuyển biến nhưng việc cắt giảm, đơn giản hoá TTHC vẫn chưa đạt như kỳ vọng người dân và doanh nghiệp; tỷ lệ người dân tự thực hiện dịch vụ công trực tuyến không cần sự hỗ trợ trực tiếp của công chức vẫn còn cao; việc số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC chưa đạt tỷ lệ đề ra; tỷ lệ tái sử dụng kết quả số hoá thấp; vẫn còn tình trạng chậm, trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ TTHC… Trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức ở một số nơi còn thấp. Ban Chỉ đạo xác định những tồn tại, hạn chế này cần sớm được khắc phục và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để thúc đẩy CCHC trong năm 2025, góp phần phát triển đất nước trong bối cảnh, tình hình mới.

Người dân làm TTHC tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình đề nghị từng thành viên Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương bám sát chủ trương, chính sách của Đảng để triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao về CCHC, nhất là triển khai Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Năm 2025, cần tiếp tục quan tâm xây dựng, hoàn thiện thể chế; cắt giảm, đơn giản hoá TTHC; tập trung tổng kết Nghị quyết số 18, quyết liệt rà soát, sắp xếp, tinh gọn bộ máy cơ quan Nhà nước bảo đảm tinh thần “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” gắn liền với chăm lo công tác tuyển dụng, bồi dưỡng, đào tạo, bố trí con người, đánh giá, sử dụng cán bộ.

Đối với phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho rằng cần hướng đến hai mục tiêu lớn, thứ nhất là nâng cao năng lực quản trị đất nước của Chính phủ, thứ hai là phục vụ cho người dân tốt hơn. Do đó, nhiệm vụ này cần tiếp tục đẩy mạnh trong năm 2025; đồng thời, tập trung phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu đồng bộ, thông suốt.

Phương Thuý

Tin cùng chuyên mục