Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tạo dựng cơ ngơi từ nghề làm chổi bông cỏ
Chủ nhật: 08:17 ngày 04/03/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cách đây khoảng 8 năm, vợ chồng chị Đà mạnh dạn đầu tư làm chổi bông cỏ tại nhà với thương hiệu chổi Phước Thọ. Đây là nghề truyền thống của gia đình do cha mẹ chị Đà truyền lại cho cả 7 người con, và cả 7 người đều theo nghề này.

Cách đây 17 năm, chị Cao Thị Thanh Đà (39 tuổi, ảnh) cùng chồng là anh Nguyễn Kiều Sơn (42 tuổi) từ tỉnh Phú Yên lặn lội vào Tây Ninh lập nghiệp. Khi ấy, hành trang mà hai vợ chồng mang theo chỉ là... đứa con trai đầu lòng mới vài tháng tuổi cộng với niềm hy vọng về một vùng đất mới. Những năm đầu tiên sống ở xã Ninh Sơn (phường Ninh Sơn, thuộc thành phố Tây Ninh bây giờ), hai vợ chồng chị Đà phải ở nhà thuê và làm đủ mọi việc nặng nhọc để có tiền trang trải cuộc sống.

Nhờ chăm chỉ làm lụng và biết dành dụm tích luỹ, dần dần, hai anh chị cũng mua được đất, cất nhà. Căn nhà khi ấy chỉ đơn sơ, giản dị thôi nhưng là mái ấm quý giá của cả gia đình chị Đà. Năm 2008, chị Đà sinh thêm đứa con gái, cuộc sống dẫu còn nhiều khó khăn nhưng niềm hạnh phúc của hai vợ chồng chính là căn nhà luôn tràn ngập tiếng cười con trẻ.

Cách đây khoảng 8 năm, vợ chồng chị Đà mạnh dạn đầu tư làm chổi bông cỏ tại nhà với thương hiệu chổi Phước Thọ. Đây là nghề truyền thống của gia đình do cha mẹ chị Đà truyền lại cho cả 7 người con, và cả 7 người đều theo nghề này.

Với số vốn ban đầu ít ỏi, vợ chồng chị làm chổi chủ yếu lấy công làm lời, chỉ thuê mướn thêm nhân công khi nào phải làm hàng nhiều. Dần dà, chổi bông cỏ Phước Thọ được nhiều người biết đến. Không chỉ phân phối trong tỉnh, chổi Phước Thọ giờ đây còn ra các tỉnh bạn và sang cả Campuchia thông qua thương lái.

Chổi bông cỏ phải làm bằng thủ công và muốn có được cây chổi đẹp, đều, chắc, đòi hỏi người thợ phải có tay nghề khéo léo. Nhờ sự cần mẫn, tận tâm với nghề và tay nghề được rèn luyện qua năm tháng của vợ chồng chị Đà, sản phẩm do cơ sở của chị làm ra ngày càng hài lòng người tiêu dùng hơn. Cơ sở làm ăn thuận lợi đã góp phần tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều phụ nữ trung niên trong xóm.

Vào mùa cao điểm khách đặt hàng nhiều, cơ sở của chị Đà có gần chục người thợ cùng làm, thu nhập mỗi người hơn 3 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, cơ sở sản xuất trung bình hơn 1.000 cây chổi bông cỏ truyền thống và chổi cán nhựa. Dịp cận tết là thời điểm vào mùa của chổi bông cỏ. Những ngày này, vợ chồng chị Đà phải thức khuya có khi đến 1, 2 giờ sáng để “tăng ca”, ngày hôm sau lại tất bật làm tiếp công việc.

Tại cơ sở bông cỏ của mình, chị Đà tự tay bện một cây chổi bông cỏ truyền thống cho chúng tôi xem. Đôi bàn tay chị thao tác thoăn thoắt trong khoảng mươi phút là đã tạo thành một cây chổi bông cỏ đẹp đúng chất thương hiệu sẵn có.

Vừa làm thợ, vừa quán xuyến công việc sản xuất và chăm lo cho gia đình nhưng chị Đà vẫn bảo đảm chu tất mọi chuyện. Sự giỏi giang, đảm đang của chị được nhiều người biết đến. Để tiết kiệm phí chuyên chở, vợ chồng chị đã sắm thêm chiếc xe tải nhỏ để giao hàng cho khách.

Thông thường, khoảng sau tết nguyên đán, gia đình chị lại đưa nhau về thăm quê, sẵn mua bông cỏ trữ vào kho để làm trong suốt một năm. Trung bình mỗi năm, hai vợ chồng mua khoảng chục tấn bông cỏ dự trữ, khi nào hết thì mua thêm. Do đó, cứ đến đầu năm là hai vợ chồng gom góp tiền để mua một lần rồi sử dụng dần cho việc sản xuất.

Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, trải qua bao tháng ngày làm lụng vất vả, giờ đây, hai vợ chồng chị Đà đã tạo dựng được một cơ ngơi ổn định. Cách đây 4 năm, anh chị đã xây được căn nhà khang trang. Hiện tại, trong cảnh gia đình êm ấm, con cái ngày một lớn khôn, anh chị càng có động lực và niềm vui để duy trì và phát triển cái nghề làm chổi bông cỏ truyền thống của gia đình trên vùng đất quê hương thứ hai của mình.

Lê Thuỳ - Hoà Khang

Tin cùng chuyên mục