Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”:
Tạo dựng được lòng tin trong nhân dân về hàng Việt
Thứ ba: 17:39 ngày 07/05/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sau 10 năm (2009-2019), Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đi vào chiều sâu, tạo được sự quan tâm, hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp, địa phương và có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần xây dựng văn hóa tiêu dùng hàng Việt trong nhân dân.

Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong phân phối, tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường được cấp ủy, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm. Nhiều doanh nghiệp chủ động, tích cực đưa hàng về nông thôn, đặc biệt là các chương trình giảm giá cho các hộ nghèo nhằm kích cầu tiêu dùng trong tầng lớp nhân dân.

Phiên chợ hàng Việt về nông thôn ở huyện Dương Minh Châu.

Từ năm 2012 đến nay, hệ thống siêu thị Co.opmart và một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thực hiện được 225 chuyến bán hàng lưu động với tổng doanh thu trên 7,9 tỷ đồng; Công ty TNHH XNK TM CN DV Hùng Duy hàng ngày tổ chức 60 chuyến xe bán hàng lưu động với tổng doanh thu 3,5 tỷ đồng/ngày, trong đó có 30 chuyến xe bán hàng lưu động đến các vùng sâu, vùng xa đạt tổng doanh thu là 1,1 tỷ đồng/ngày.

Đây là mô hình hoạt động hiệu quả trong nhiều năm qua, góp phần phân phối hàng hoá của doanh nghiệp Việt đến tận tay người tiêu dùng vùng sâu, vùng xa, để người dân thuận tiện mua sắm với giá cả hợp lý, nâng cao ý thức sử dụng hàng Việt đối với người dân. Từ năm 2012 đến nay, tổng doanh thu bán hàng bình ổn của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt trên 700 tỷ đồng.

Nhìn chung, sau 10 năm thực hiện, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ. Mức tiêu thụ hàng Việt ngày càng tăng cao, người dân ý thức hơn trong việc lựa chọn sản phẩm tiêu dùng là hàng Việt nên vận động gia đình, bạn bè sử dụng. Bên cạnh đó, người dân còn tham gia tuyên truyền phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm nâng cao kiến thức khi sử dụng các sản phẩm hàng Việt. Từ đó giúp tỷ trọng hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt trên thị trường chiếm 85-90%.

Người tiêu dùng mua sắm tại Phiên chợ hàng Việt về nông thôn huyện Bến Cầu.

Tuy nhiên, theo Sở Công thương, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế như: Chưa có sự triển khai và tổ chức thực hiện đồng bộ giữa các cấp, các ngành. Vai trò của một số cấp uỷ Đảng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động chưa được quan tâm đúng mức, thiếu kiểm tra, đôn đốc thực hiện.

Việc kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm chưa nghiêm, nên tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng còn tồn tại nhiều trên thị trường, làm giảm lòng tin của người tiêu dùng vào hàng Việt. Các sản phẩm có xuất xứ của Tây Ninh chủ yếu là nông sản và hàng sản xuất thủ công, các mặt hàng phục vụ cho tiêu dùng khác hầu hết ở ngoài tỉnh, nên doanh nghiệp trong tỉnh chủ yếu là phân phối, phần nào khó khăn trong việc vận động họ tham gia quảng bá sản phẩm.

Người tiêu dùng mua sắm tại Co.opmart Tây Ninh.

Để Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tiếp tục phát huy hiệu quả, trong thời gian tới, Sở Công thương Tây Ninh cho biết sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền và triển khai thực hiện Cuộc vận động trong các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân; vận động các tầng lớp nhân dân ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt trong nước sản xuất.

Bên cạnh đó, Sở Công thương kiến nghị UBND tỉnh có những giải pháp kịp thời nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và chỉ đạo các ngành chức năng chống buôn lậu, kiểm tra, xử phạt và thông tin rộng rãi hàng gian, hàng giả, kém chất lượng đến người tiêu dùng; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt về nông thôn; chỉ đạo các sở, ngành sử dụng hàng Việt trong mua sắm công.

Đối với các doanh nghiệp, cần đẩy mạnh một số hoạt động như công tác điều tra khảo sát thị trường, nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng; tổ chức hội thảo, hội chợ, hỗ trợ đưa hàng về nông thôn, khu công nghiệp…

Thời gian qua, lực lượng chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kiểm tra, kiểm soát hàng hóa sản xuất, lưu thông trên thị trường, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi sản xuất, mua bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Từ tháng 7.2009 đến nay, lực lượng chức năng chuyên ngành đã kiểm tra 23.832 vụ, tổng số vụ vi phạm trong kỳ 14.620 vụ, tổng số vụ xử lý 14.142 vụ…; thu nộp ngân sách hơn 50 tỷ đồng.

Nhi Trần

Tin cùng chuyên mục