Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con:
Tạo niềm tin cho mẹ, trao cơ hội cho con
Thứ hai: 15:16 ngày 02/07/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong những năm qua, công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh được quan tâm thực hiện, góp phần quan trọng trong việc nâng cao kiến thức cho người dân nói chung, người nhiễm HIV/AIDS nói riêng.

Trước đây, chúng ta sợ hãi gọi AIDS là “căn bệnh thế kỷ” do chưa có thuốc điều trị. Nhưng giờ đây, với sự ra đời của thuốc ARV (thuốc kiềm hãm sự phát triển của virus HIV), người nhiễm HIV nếu phát hiện sớm và tham gia điều trị theo phác đồ của thuốc ARV vẫn có thể bảo đảm sức khoẻ và duy trì sự sống.

Bên cạnh đó, công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cũng được triển khai rộng khắp mang đến cho những người phụ nữ nhiễm HIV cơ hội sinh ra những đứa con khoẻ mạnh, hoàn toàn không lây nhiễm bệnh. Những mầm sống này chính là động lực, niềm tin để những người nhiễm HIV trở nên gắn kết với cộng đồng, là nguồn cảm hứng để họ tiếp tục sống, làm việc và nuôi dạy con tốt. Nhiều người mẹ nhiễm HIV sinh con không bị lây nhiễm đã trở thành cộng tác viên tích cực tuyên truyền cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Theo thông tin từ Cục Phòng, chống HIV/AIDS của Bộ Y tế, cứ 100 trẻ sinh ra từ các bà mẹ bị nhiễm HIV, nếu không có sự can thiệp, điều trị thích hợp thì có tới 30-40 trẻ sẽ bị nhiễm HIV. Nếu những bà mẹ này được phát hiện sớm, chăm sóc và điều trị thích hợp thì số trẻ bị nhiễm chỉ còn 3-5 trẻ, thậm chí còn thấp hơn nữa...

Thực tế, một bà mẹ bị nhiễm HIV mang thai có thể làm lây truyền HIV từ mẹ sang con, nhưng không phải tất cả các bà mẹ nhiễm HIV mang thai khi sinh con thì con của họ đều bị nhiễm HIV.

Do đó, để thực hiện tốt công tác dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, phụ nữ có nhu cầu mang thai nên kiểm tra xét nghiệm lâm sàng trước khi mang thai, trong đó có xét nghiệm HIV. Ðối với phụ nữ đã biết nhiễm HIV cần được tư vấn và xét nghiệm hạn mức virus HIV trong máu tại phòng khám ngoại trú trước khi thụ thai.

Theo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, từ năm 2013 đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 195 trẻ được sinh ra từ mẹ nhiễm HIV. Trong đó, chỉ có 3 trẻ dương tính với HIV do người mẹ không tuân thủ các hướng dẫn dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, chiếm tỷ lệ khoảng 1,5%. Số trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV tăng đều qua các năm. Năm 2013, toàn tỉnh chỉ có 23 trẻ được sinh ra thì đến năm 2017 có đến 54 trẻ được sinh ra từ người mẹ nhiễm HIV.

Y sĩ Phạm Thị Kim Dung, công tác tại Phòng khám ngoại trú của Bệnh viện Ða khoa (BVÐK) Tây Ninh cho biết, vài năm gần đây, nhiều phụ nữ nhiễm HIV có nhu cầu sinh con đều đến tư vấn tại phòng khám trước khi mang thai.

Ðiều này cho thấy, những người phụ nữ nhiễm HIV đã có sự quan tâm đến công tác dự phòng HIV từ mẹ sang con và trách nhiệm bản thân để sinh ra những đứa con không bị nhiễm bệnh. Phụ nữ nhiễm HIV sau khi mang thai sẽ được giới thiệu đến Khoa Sản của Bệnh viện Ða khoa tỉnh tiếp tục theo dõi và hướng dẫn những bước thực hiện tiếp theo.

Cũng theo y sĩ Dung, phụ nữ mang thai phát hiện nhiễm HIV, nếu tiếp cận thuốc điều trị ARV càng sớm, càng ít nguy cơ lây truyền cho con, đồng thời phối hợp với cơ sở y tế trong việc khám và theo dõi thai nhi. Nevirapine (NVP) là thuốc ưu tiên sử dụng dự phòng cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV. Thời gian sử dụng thuốc NVP cho con tuỳ thuộc vào thời điểm người mẹ được chẩn đoán nhiễm HIV và cách nuôi con. Trung bình trẻ sử dụng thuốc này từ 6 - 12 tuần kể từ sau khi sinh. Trường hợp mẹ cho con bú thì thời gian sử dụng thuốc lâu hơn (12 tuần).

Theo các chuyên gia y tế, virus HIV có thể lây truyền từ mẹ sang con trong 3 giai đoạn quan trọng gồm: mang thai, chuyển dạ và cho con bú. Thông thường sau khi sinh, các bà mẹ nhiễm HIV được khuyến cáo không cho con bú trực tiếp mà nên dùng sữa thay thế hoàn toàn để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh cho con.

Ðối với trường hợp mẹ không có điều kiện cho bé uống sữa thay thế, có thể cho bé bú hoàn toàn nhưng phải tuân thủ tốt phác đồ điều trị ARV và hướng dẫn dự phòng lây nhiễm cho trẻ từ cán bộ y tế.

Ngoài uống thuốc dự phòng NVP, những đứa trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV cần làm xét nghiệm chẩn đoán sớm nhiễm HIV vào giai đoạn 4 - 6 tuần tuổi để quyết định điều trị ARV hoặc dừng điều trị dự phòng. Lần xét nghiệm thứ 2 vào khoảng 12 tháng tuổi sẽ cho kết quả chính xác là trẻ có bị lây nhiễm HIV từ mẹ hay không. Nếu trẻ nhiễm HIV từ sau 12 tháng tuổi là bị lây nhiễm do tiếp xúc với người nuôi dưỡng.

Bằng cách tuân thủ các hướng dẫn, chỉ định về dự phòng lây nhiễm HIV cho con, nhiều bà mẹ nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh đã bảo vệ con khỏi lây nhiễm căn bệnh thế kỷ. Từ kinh nghiệm ở lần sinh đầu tiên, nhiều chị em còn quyết định sinh thêm bé thứ hai khi kinh tế đã ổn định.

Mới đây, chị Q. (30 tuổi), một người mẹ nhiễm HIV ở huyện Châu Thành đã đưa con trai được 6 tuần tuổi của mình đến xét nghiệm máu lần 1 tại Phòng khám ngoại trú BVÐK Tây Ninh. Ðây là con trai thứ hai của chị kể từ khi chị biết mình nhiễm căn bệnh HIV từ người chồng đầu tiên.

Chị Q kể, khi sinh con lần đầu tiên chị mới biết mình bị nhiễm HIV. Sau khi sinh, con của chị được điều trị dự phòng kịp thời nên bé không bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Bản thân chị cũng cố gắng điều trị thuốc ARV và đã lấy lại được sức khoẻ.

Sau khi người chồng đầu tiên qua đời vì AIDS, chị Q. tái hôn với người chồng thứ 2 và người này không bị lây nhiễm bệnh từ chị. Hiện tại, sau 5 năm về chung một nhà, vợ chồng chị mới quyết tâm sinh thêm đứa thứ hai để tạo mối gắn kết gia đình. Cũng như lần đầu đi sinh, chị Q. rất lo lắng và hy vọng đứa con trai thứ hai cũng không bị nhiễm HIV như đứa đầu tiên.

Nỗi niềm của vợ chồng chị Q. cũng là nỗi niềm của biết bao cặp vợ chồng nhiễm HIV. Họ khao khát được có con, được tiếp thêm niềm tin vào cuộc sống đã bị nhuốm đen vì căn bệnh HIV/AIDS. Bằng cách thực hiện tốt công tác dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, nhiều gia đình có HIV đã tạo ra được mầm sống mới hoàn toàn khoẻ mạnh.

Tuy nhiên, quá trình chăm sóc, nuôi nấng trẻ cũng quan trọng không kém. Làm sao để trẻ phát triển khoẻ mạnh, được yêu thương, chăm sóc, bảo vệ không bị lây nhiễm bởi căn bệnh của ba mẹ cũng là một thách thức lớn trong các gia đình có HIV.

Lê Thuỳ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh