Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tạo thế và lực cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội
Thứ bảy: 03:00 ngày 19/10/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Công tác giám sát, phản biện xã hội đã được Hiến pháp 2013 thể chế hoá thành nhiệm vụ, quyền hạn của MTTQVN và được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội hiện nay.

Hoạt động giám sát, phản biện xã hội đã được Hiến pháp năm 2013 thể chế hoá thành nhiệm vụ, quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) và được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội hiện nay.

Đoàn giám sát của UBMTTQVN tỉnh giám sát Ban Thường vụ Huyện uỷ Tân Biên về việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quy định của Đảng.

Nhận diện hạn chế

Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26.10.2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQVN và các tổ chức chính trị xã hội nhận định: công tác giám sát, phản biện xã hội ngày càng thực chất, tập trung vào những vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân và dư luận xã hội quan tâm, bức xúc; góp phần tăng cường quyền làm chủ, sự đồng thuận của nhân dân trong xây dựng, phát triển đất nước, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Tuy nhiên, chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa phát huy mạnh mẽ vai trò, sự tham gia của các thành viên MTTQVN và nhân dân... Việc xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội có lúc, có nơi chưa chủ động, kịp thời, thiếu trọng tâm, trọng điểm, còn hình thức; các ý kiến, kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội chưa sâu, tính thuyết phục chưa cao; việc theo dõi, đôn đốc giải quyết kiến nghị thiếu quyết liệt, chưa đi đến cùng...

Đây là những đánh giá tổng quát và chính xác từ thực tiễn, nhất là sau 10 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQVN và các tổ chức chính trị xã hội.

Từ tình hình thực tế của tỉnh, ông Võ Đức Trong- Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh cho rằng, có vai trò là chủ thể hoạt động giám sát, phản biện xã hội nhưng thời gian qua, MTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội có lúc, có nơi vẫn chưa thực sự chủ động lựa chọn chủ điểm giám sát trọng tâm; kiến nghị sau giám sát chưa sâu, tính thuyết phục chưa cao nên chưa tạo được thế và lực cho mình trong công tác giám sát, phản biện. Việc theo dõi, đôn đốc giải quyết kiến nghị sau giám sát chưa được quan tâm đúng mức.

Là thành viên đoàn giám sát đồng thời là thủ trưởng của một đơn vị nhiều lần được giám sát, ông Võ Xuân Biên- Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh thẳng thắn nêu: Khác với công tác thanh tra, công tác giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội do không có chế tài xử lý trực tiếp dẫn đến việc thực hiện giám sát hiệu quả chưa cao, có nơi chưa thực hiện nghiêm túc việc trả lời, giải quyết các kiến nghị sau giám sát.

Thời gian tổ chức các cuộc giám sát ngắn, đoàn chủ yếu giám sát dựa vào báo cáo của các đơn vị, điều này dễ dẫn tới tình trạng bị cuốn theo đánh giá, nhận định chủ quan của đơn vị được giám sát. Do đó, trong thời gian tới, nội dung giám sát cần dựa trên nhiều dữ liệu, có thể đi từ ý kiến cử tri, báo chí, dư luận xã hội để thành viên đoàn giám sát có nhiều tư liệu thực tế, giúp nội dung giám sát sâu, phù hợp với thực tiễn hơn.

Chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cũng phụ thuộc nhiều vào chất lượng thành viên đoàn giám sát và việc bảo đảm kinh phí cho hoạt động này. Theo ông Võ Xuân Biên, thành viên đoàn giám sát thường đến từ nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau.

Bên cạnh những người chịu khó nghiên cứu, có phát biểu tại buổi giám sát, cũng có những thành viên hầu như không có ý kiến gì. “Khi lựa chọn thành viên đoàn giám sát cần quan tâm lựa chọn những thành viên có đủ năng lực, hiểu sâu về vấn đề giám sát thì mới có nhiều ý kiến giá trị góp phần nâng cao chất lượng giám sát”- Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Võ Xuân Biên kiến nghị.

Đối với khó khăn về kinh phí cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội, bà Kim Thị Minh- Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, để nâng cao chất lượng giám sát, đơn vị rất muốn mời các chuyên gia tham gia, tuy nhiên hiện nay đang vướng cơ chế tài chính.

Khi tham gia đoàn giám sát, chuyên gia cũng chỉ nhận mức chế độ như các thành viên khác, điều này là không tương xứng với sự đầu tư nghiên cứu và những đóng góp của họ. Nếu kinh phí của hoạt động giám sát, phản biện ở cấp tỉnh đang là vấn đề khó khăn thì đối với cấp cơ sở lại càng khó khăn hơn do MTTQ và các đoàn thể đang thực hiện cơ chế khoán kinh phí hoạt động.  

Giám sát việc thi công tuyến đường giao thông trên địa bàn thị xã Hoà Thành.

Cần nhận thức đúng vị trí, vai trò của chủ thể giám sát, phản biện xã hội

Theo Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, những hạn chế, bất cập trong công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội chủ yếu là do nhận thức về công tác này của một số cấp uỷ, chính quyền, MTTQVN, các tổ chức chính trị - xã hội chưa đầy đủ; chưa quan tâm kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quy chế giám sát, phản biện xã hội; thiếu quy định cụ thể về quy trình, trách nhiệm trả lời, giải quyết kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội.

UBMTTQVN, các tổ chức chính trị xã hội các cấp còn hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, chậm đổi mới nội dung, phương thức giám sát, phản biện xã hội, chưa thể hiện rõ bản lĩnh, trách nhiệm đối với những ý kiến, kiến nghị của mình.

Do đó, Chỉ thị nêu rõ 3 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về phát huy dân chủ ở cơ sở, công tác giám sát, phản biện xã hội.

Công tác giám sát, phản biện xã hội đã được Hiến pháp 2013 thể chế hoá thành nhiệm vụ, quyền hạn của MTTQVN và được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội hiện nay. Từ nhận thức mới này, MTTQVN và các tổ chức thành viên có đủ cơ sở chính trị, pháp lý để thực hiện tốt hơn vai trò, trách nhiệm đại diện quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, Luật MTTQVN và các quy định của Bộ Chính trị.

Ông Võ Đức Trong- Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh cho biết, vừa qua, UBMTTQVN tỉnh đã chủ trì tổ chức 3 cuộc giám sát đối với 2 chủ tịch UBND cấp huyện (Trảng Bàng và Châu Thành) và 1 Ban Thường vụ Huyện uỷ (Tân Biên).

Điều này cho thấy MTTQVN tỉnh đã chủ động khắc phục hạn chế “chưa mạnh dạn giám sát cá nhân, nhất là người đứng đầu”. “Qua theo dõi kết luận giám sát, nếu các tổ chức, cá nhân được giám sát không thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, chúng tôi sẽ đưa vào báo cáo xây dựng chính quyền định kỳ 6 tháng, 1 năm hoặc trực tiếp báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ” - Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Võ Đức Trong nhấn mạnh.

Về định hướng tới, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh cho biết, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục thực hiện đổi mới nội dung, phương thức giám sát, phản biện xã hội theo hướng chủ động, từ sớm, từ cơ sở, dân chủ, khách quan, mang tính xây dựng; chú trọng giám sát chuyên đề, tập trung vào những chủ trương, chính sách lớn, vấn đề người dân, dư luận quan tâm.

MTTQ các cấp quan tâm xây dựng tốt dự toán công tác giám sát, phản biện xã hội hằng năm. Trong công tác phối hợp, lựa chọn thành viên đoàn giám sát, MTTQ sẽ có sự phân công rõ nhiệm vụ của từng thành viên để mỗi thành viên đều phải nghiên cứu kỹ nội dung giám sát, phát huy tốt hơn vai trò, trách nhiệm của mình.

Qua 10 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị về ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQVN và các tổ chức chính trị xã hội, MTTQVN tỉnh chủ trì giám sát trên 8.600 cuộc; tham gia trên 5.200 cuộc giám sát của các cơ quan, đơn vị cùng cấp.

Qua giám sát đã kiến nghị, đề xuất trên 5.800 vấn đề đến cấp uỷ, chính quyền, ban, ngành liên quan; hầu hết kiến nghị, đề xuất được cơ quan liên quan tiếp thu, trả lời, giải quyết đúng quy định, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên và nhân dân.

MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội đã thực hiện phản biện xã hội 595 nội dung, bảo đảm quy trình, có sự phối hợp với cơ quan, đơn vị soạn thảo văn bản và phát huy vai trò của nhiều thành phần tham gia. Các ý kiến phản biện dựa trên quy định pháp luật và tình hình thực tế địa phương, góp phần xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách của tỉnh được khả thi.

Phương Thuý

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh