Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gạo hai tháng đầu năm 2017 của nước ta ước đạt 799 nghìn tấn, với kim ngạch 248 triệu USD, giảm 17,2% về khối lượng và giảm 40,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Sự sụt giảm mạnh này đang khiến mục tiêu xuất khẩu gạo năm 2017 đạt hơn năm triệu tấn, với trị giá khoảng 2,3 tỷ USD khó trở thành hiện thực, nhất là trong tình hình hiện nay, những biến động của thị trường xuất khẩu ảnh hưởng khá lớn đến ngành lúa gạo nước ta. Trước hết, về kế hoạch bán xả kho tám triệu tấn gạo dự trữ của Thái-lan, các chuyên gia đều nhận định: Việc Thái-lan quyết định bán hết toàn bộ số gạo tồn kho trong nửa đầu năm 2017 sẽ khiến giá gạo xuất khẩu tiếp tục giảm mạnh. Do đó, việc sản xuất và tiêu thụ lúa gạo vụ đông - xuân được coi là vụ sản xuất chính trong năm của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Chỉ khi nào gạo tồn kho của Thái-lan được giải quyết hoàn toàn, thì thị trường xuất khẩu gạo mới có khả năng phục hồi.
Bên cạnh đó, lượng gạo tồn kho của thế giới đang ở mức cao, trong khi không ít nước nhập khẩu gạo truyền thống đã và đang thực hiện hiệu quả chính sách tự túc an ninh lương thực, dẫn đến hạn chế và dừng hẳn nhập khẩu. Đáng chú ý, trong xu thế cạnh tranh gay gắt, hàng rào thương mại và kỹ thuật được các nước nhập khẩu dựng lên ngày càng nhiều, khiến gạo nước ta khó thâm nhập vào các thị trường đòi hỏi chất lượng cao.
Không chỉ những nguyên nhân khách quan, mà trong nước, những nguyên nhân chủ quan cũng khiến xuất khẩu gạo năm 2017 được đánh giá là khó trăm bề. Theo các doanh nghiệp, tất cả điều kiện, từ công suất kho, công suất cơ sở xay xát, địa điểm đặt kho, máy xay xát, vùng nguyên liệu… cho đến giấy phép, đăng ký hợp đồng xuất khẩu mới trong Nghị định 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo đều mang tính chất hình thức, không phù hợp tình hình hiện nay. Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) trong cuộc Tọa đàm về định hướng sửa đổi Nghị định 109, cho rằng: Việc sửa đổi Nghị định 109 phải theo hướng tạo điều kiện cao nhất cho các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, đồng thời phản ánh được tính đa dạng của thị trường, chứ không nên mang tính rập khuôn. Trên thực tế, một số doanh nghiệp có thị trường ngách riêng, sản phẩm chất lượng cao, giá cao nhưng không thỏa mãn những điều kiện nêu ra trong Nghị định. Do vậy, nếu không “cởi trói” những quy định trên, các doanh nghiệp sẽ mất cơ hội xuất khẩu, ngành gạo sẽ khó dịch chuyển trên bậc thang giá trị.
Năm 2016, xuất khẩu gạo của Việt Nam chỉ đạt hơn 4,8 triệu tấn với giá trị xuất khẩu gần 2,2 tỷ USD, giảm 25,8% về số lượng và 21,2% về giá trị so với năm 2015. Cũng trong năm 2016, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã hai lần phải hạ chỉ tiêu xuất khẩu gạo vì khó khăn. Với những tín hiệu không mấy khả quan trong hai tháng đầu năm nay, đòi hỏi các bên liên quan cần sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bổ sung, sửa đổi chính sách một cách phù hợp nhằm tiếp sức cho doanh nghiệp, đưa xuất khẩu gạo đạt sản lượng và giá trị như kỳ vọng.
Nguồn Báo Nhân dân