Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Cơ sở gia công đan hàng xuất khẩu:
Tạo việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi
Thứ hai: 06:06 ngày 14/08/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đan hàng xuất khẩu từ lục bình, cỏ tranh đang tạo nhiều việc làm bán thời gian dành cho những người muốn có thêm công việc tại nhà và tăng thêm thu nhập.

Chị Huỳnh Thị Bạch Tuyết tranh thủ thời gian rảnh để đan giỏ bằng nguyên liệu cỏ tranh.

Tại cơ sở gia công đan hàng xuất khẩu ở số 576, ấp Ninh Bình, phường Ninh Sơn, TP. Tây Ninh có hơn 100 người nhận đan giỏ tại nhà. Dù chỉ mới hoạt động hơn nửa năm, nhưng cơ sở này được nhiều người dân tại địa phương và các khu vực lân cận tìm đến để học nghề, nhận nguyên liệu về gia công.   

Theo chị Huỳnh Thị Bạch Tuyết - chủ cơ sở, thông qua mạng xã hội, chị biết đến công việc gia công hàng xuất khẩu tại nhà. Vì vậy, chị đã xuống tận thành phố Hồ Chí Minh để được nhân viên Công ty Thuận Phát hướng dẫn cách đan các sản phẩm có nguyên liệu là lục bình và cỏ tranh, sau đó nhận nguyên liệu đem về Tây Ninh làm gia công.

Được một thời gian, nhận thấy có rất nhiều người có nhu cầu muốn làm công việc trên tại nhà, chị quyết định mở cơ sở gia công đan hàng xuất khẩu.  

Chị Tuyết cho biết, hàng xuất khẩu đa phần là giỏ, đồ cắm hoa, gối mây, những vật dụng trang trí nội thất... Tuỳ theo yêu cầu của công ty, cơ sở sẽ sử dụng nguồn nguyên liệu phù hợp để làm sản phẩm. Nguyên liệu được sử dụng chủ yếu có nguồn gốc từ thiên nhiên. 

Lục bình là một trong những nguồn nguyên liệu thường xuyên được công ty yêu cầu sử dụng để đan nhiều loại sản phẩm khác nhau. Để biến những mảng lục bình trôi nổi trên sông thành các sản phẩm gia dụng có thể xuất khẩu, có giá trị kinh tế cao cần phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau, từ công đoạn vớt lục bình cho đến phơi khô, ép dẻo và đan.

Các sản phẩm được đan từ lục bình khá bền, đẹp và thân thiện với môi trường. Đặc biệt, việc sử dụng lục bình để làm sản phẩm xuất khẩu là một trong những biện pháp tích cực, góp phần xử lý tình trạng lục bình tràn lan trên sông.

Ngoài ra, trong thời gian gần đây, khách hàng còn yêu cầu các sản phẩm được làm từ cỏ tranh. Trước đây, cỏ tranh thường được sử dụng làm vật liệu để lợp mái nhà, nhưng hiện nay, loại cỏ này đã không còn được nhiều người sử dụng. Lục bình và cỏ tranh đều được đan theo cùng kiểu đan nong mốt giống nhau. Do đó, việc thay đổi các nguyên liệu cũng không làm ảnh hưởng nhiều đến quá trình đan sản phẩm của người thực hiện.

Tại ấp Ninh Bình, phường Ninh Sơn, TP. Tây Ninh có nhiều người dân làm nông nghiệp, chủ yếu là trồng mãng cầu, buổi chiều và tối thường nhàn rỗi., nên nhiều người nhận đan giỏ tại nhà để kiếm thêm thu nhập.

Tất cả nguyên liệu, khung đan cho đến kỹ thuật đan đều được chị Tuyết cung cấp và hướng dẫn kỹ càng trước khi mọi người đem về nhà. Tiền công cho một sản phẩm giỏ đựng hoa sau khi đan xong là 4.000 đồng/cái nhỏ và 8.000 đồng/cái lớn.

Đối với những người đã đan thành thạo, trung bình một ngày có thể hoàn thành từ 20 - 30 cái nhỏ, thu nhập từ 80.000 - 120.000/ngày. Cơ sở còn thực hiện chính sách thưởng lương thứ 13 trong dịp tết cho những người nhận việc làm gia công tại nhà.     

Chị Lê Thị Thanh Hương - người đang làm công việc đan giỏ, ngụ tại ấp 3, xã Bến Củi, huyện Dương Minh Châu cho biết, do có con nhỏ nên hiện tại chị không thể đi làm được, hằng ngày đều phải ở nhà trông con, thời gian rảnh rất nhiều.

Thông qua mạng xã hội chị biết đến công việc gia công đan hàng xuất khẩu. Nhờ có công việc này, chị có thể tranh thủ khoảng thời gian con ngủ để kiếm thêm tiền chi tiêu cho cuộc sống thường ngày.

Việc đan giỏ rất đơn giản, chỉ cần chịu khó quan sát là có thể làm được. Nhiều người già, không thể nặng nhọc lao động vẫn có thể làm công việc này. Đặc biệt có cả những trường hợp mù lòa vẫn làm được việc đan giỏ, họ còn khéo tay hơn cả những người bình thường.

Hiện nay, cơ sở gia công đan hàng xuất khẩu của chị Tuyết đã có hơn 5 chi nhánh, trải rộng từ Châu Thành, Tân Biên đến Tân Châu… Trung bình một chi nhánh có từ 20 - 30 người tham gia.       

Chị Tuyết hy vọng, trong thời gian tới có thể mở rộng được công việc gia công đan hàng xuất khẩu, nhằm giúp đỡ những trường hợp khó khăn có thêm nguồn thu nhập. Nếu được cơ sở của chị có thể liên kết với các trung tâm bảo trợ xã hội, đem công việc này vào hướng dẫn, tạo điều kiện cho những người có hoàn cảnh khó khăn có được việc làm.

PHƯƠNG THẢO

Tin cùng chuyên mục