PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tập trung cải cách tiền lương từ 1-7-2024
Thứ ba: 08:52 ngày 24/10/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Chính phủ yêu cầu từ năm 2025, tiếp tục điều chỉnh tiền lương tăng bình quân 7%/năm cho đến khi mức lương thấp nhất bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất vùng I của khu vực doanh nghiệp.

Ngày 23-10, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ sáu, Quốc hội (QH) khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch năm 2024, trong đó có việc tập trung nhiệm vụ để thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1-7-2024.

Khái quát những kết quả đạt được trong năm, Thủ tướng cho biết kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực; tiếp tục là điểm sáng của kinh tế toàn cầu.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự phiên khai mạc kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV. Ảnh: QH

Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 12 bậc

Trên cơ sở kết quả của chín tháng, Thủ tướng cho hay ước tính cả năm 2023 phấn đấu có ít nhất 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra. “Nổi bật là có thể hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta” - Thủ tướng nói và nhìn nhận kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý III đạt 5,33%, tính chung chín tháng đạt 4,24%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân chín tháng tăng 3,16%...

“Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả, triển vọng của nền kinh tế nước ta và dự báo Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới” - Thủ tướng nói và thông tin giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỉ USD, tăng một bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm đầu tư phát triển, đạt kết quả rõ nét hơn, đời sống của nhân dân được cải thiện tốt hơn. Cụ thể, thu nhập bình quân của người lao động tăng 6,8%, trên 94% số hộ gia đình đánh giá có thu nhập ổn định hoặc cao hơn cùng kỳ năm 2022. Theo báo cáo hạnh phúc thế giới vào tháng 3-2023 của Liên hợp quốc, chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 12 bậc, từ vị trí 77 lên 65 trong bảng xếp hạng toàn cầu…

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng chỉ rõ vẫn còn những hạn chế, bất cập cần tập trung nỗ lực khắc phục. “Tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra. Ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc do phải chịu nhiều áp lực từ bên ngoài” - ông nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo tại phiên họp. Ảnh: QH

Phấn đấu GDP năm 2023 đạt trên 5%

Thủ tướng lưu ý thời gian tới cần tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); tận dụng tốt cơ hội thị trường trong nước, quốc tế dịp cuối năm, lễ, Tết.

“Tất cả bộ, ngành, địa phương cũng nỗ lực vượt qua khó khăn, thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh” - Thủ tướng nói và yêu cầu cả nước cùng nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, trong đó tăng trưởng GDP đạt trên 5%, lạm phát khoảng 3,5%-4%.

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Thủ tướng nhấn mạnh đến sáu quan điểm trong chỉ đạo, điều hành. Đáng chú ý là phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chấn chỉnh tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Nêu các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2024 và thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; tập trung tín dụng cho các động lực tăng trưởng, các lĩnh vực ưu tiên. Cùng đó, triển khai hiệu quả các gói tín dụng ưu đãi hiện có và nghiên cứu bổ sung các gói mới, phấn đấu tăng trưởng tín dụng năm 2024 trên 15%...

Người đứng đầu Chính phủ cũng đề cập việc trình QH xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí; ban hành kịp thời các chính sách phù hợp, hiệu quả liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu.

Trong đầu tư công, Chính phủ tập trung cho các công trình trọng điểm mang tính “xoay chuyển” tình thế, “chuyển đổi” trạng thái, chấm dứt tình trạng dàn trải, chia cắt, lãng phí, kém hiệu quả...

Đánh giá tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng GDP cả nhiệm kỳ

Thẩm tra báo cáo nói trên, Ủy ban Kinh tế của QH đề nghị Chính phủ quan tâm, tập trung đánh giá kỹ hơn một số vấn đề. Đáng chú ý là theo cơ quan thẩm tra, ước tính cả năm 2023 có 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra (năm 2022 có 2/15 chỉ tiêu không đạt - PV), trong đó chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt năm thứ ba liên tiếp.

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tập trung tháo gỡ khó khăn, khơi thông các nguồn lực và hoạt động của các thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, phấn đấu đạt cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023.

Cơ quan thẩm tra của QH đề nghị Chính phủ xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước tích cực hơn để tăng chi đầu tư phát triển và giảm bớt bội chi…

Đủ nguồn để cải cách tiền lương trong ba năm

Thủ tướng cũng đề cập đến nhiệm vụ thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với khu vực công theo Nghị quyết 27 của Trung ương từ ngày 1-7-2024. Từ năm 2025 trở đi, tiếp tục điều chỉnh tiền lương tăng bình quân 7%/năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang cho đến khi mức lương thấp nhất bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất vùng I của khu vực doanh nghiệp. Cùng đó là tiếp tục điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, chính sách tiền lương đối với khu vực doanh nghiệp theo quy định…

Theo người đứng đầu Chính phủ, nhờ thúc đẩy tăng thu, tiết kiệm chi, trích lập quỹ tiền lương đến nay được khoảng 560.000 tỉ đồng, bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong ba năm từ 2024 đến 2026.

Một nhiệm vụ quan trọng khác cũng được Thủ tướng đặt ra là đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính. Thực hiện quyết liệt, hiệu quả việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025; sắp xếp, đổi mới tổ chức và hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, thúc đẩy tự chủ cao hơn.

Nhấn mạnh nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2023 và năm 2024 đặt ra là rất nặng nề và có ý nghĩa quan trọng, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, năng động, đổi mới, sáng tạo, không lùi bước trước khó khăn, thách thức, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm.

-----------

Triển khai đồng bộ các nội dung của chế độ tiền lương mới

Liên quan đến phương án cải cách chính sách tiền lương ở khu vực công, báo cáo Chính phủ đề xuất từ ngày 1-7-2024 triển khai đồng bộ các nội dung của chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết 27 của Trung ương.

Cụ thể, (1) Quy định mức lương thấp nhất của khu vực công bằng mức lương thấp nhất bình quân vùng của khu vực doanh nghiệp. (2) Mở rộng quan hệ tiền lương từ 1 - 2,34 - 10 hiện nay lên 1 - 2,68 - 12. (3) Sắp xếp lại các chế độ phụ cấp và cơ cấu lại tỉ lệ giữa lương cơ bản (70%) và phụ cấp (30%). (4) Bổ sung quỹ tiền thưởng bằng 10% quỹ lương cơ bản.

Giai đoạn sau năm 2024, Chính phủ đề nghị tiếp tục điều chỉnh các mức lương trong các bảng lương tăng thêm bình quân khoảng 7%/năm (để bù trượt giá và có phần cải thiện theo mức tăng trưởng GDP). Việc điều chỉnh được thực hiện cho đến khi mức lương thấp nhất đạt bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng I (vùng cao nhất) của khu vực doanh nghiệp như mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết 27.

Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Nội vụ xây dựng cụ thể sáu nội dung của chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo đúng yêu cầu tại Nghị quyết 27.

Cụ thể, (1) quy định cụ thể năm bảng lương mới, gồm một bảng lương chức vụ, chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị (bao gồm cả các đơn vị sự nghiệp công lập) từ trung ương đến cấp xã; một bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo và ba bảng lương đối với lực lượng vũ trang.

(2) Các chế độ phụ cấp được xác định có chín loại. (3) Chế độ tiền thưởng bằng 10% quỹ lương cơ bản. (4) Chế độ nâng bậc lương gồm quy định chế độ nâng lương thường xuyên và kéo dài thời gian nâng lương, bỏ chế độ nâng bậc lương trước thời hạn. (5) Nguồn kinh phí để thực hiện chế độ tiền lương. (6) Quản lý tiền lương và thu nhập.

Chất vấn, lấy phiếu tín nhiệm để giám sát việc giữ lời hứa

Phát biểu khai mạc kỳ họp thứ sáu, QH khóa XV, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho hay đây là kỳ họp giữa nhiệm kỳ nên việc xem xét các báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và giám sát tối cao là hết sức quan trọng.

Với chín dự luật sẽ được trình thông qua tại kỳ họp, trong đó có Luật Đất đai (sửa đổi) và tám dự luật cho ý kiến, Chủ tịch QH khẳng định công tác lập pháp đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, phối hợp chặt chẽ, tiếp thu tối đa và giải trình thấu đáo các ý kiến của đại biểu cũng như của các cơ quan liên quan, các chuyên gia.

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp sáng 23-10. Ảnh: QH

Về dự luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch QH cho biết dự án luật đã được điều chỉnh, bổ sung và ngày càng hoàn thiện hơn, nhiều nội dung khó, mới, phức tạp từng bước được xác định cụ thể. Tuy vậy, vẫn còn một số nội dung, vấn đề quan trọng chưa được thống nhất thì đã có hai phương án để các đại biểu QH cho ý kiến.

Cuối cùng, Chủ tịch QH đề cập đến hoạt động giám sát tối cao. Có hai nội dung nổi bật trong hoạt động này là lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn và chất vấn các thành viên Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, tổng Kiểm toán Nhà nước.

Phiên chất vấn sẽ diễn ra trong 2,5 ngày. Đây được coi là việc giám sát lời hứa, cam kết của người được chất vấn về thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề và nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, theo phương châm coi trọng giám sát những vấn đề sau giám sát.

“QH sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn. Đây là phương thức giám sát quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của QH đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả công tác từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm” - Chủ tịch QH nêu.

Ông đề nghị các đại biểu QH nghiên cứu kỹ báo cáo của các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm, đồng thời căn cứ vào ý kiến cử tri, thực tiễn giám sát của mình để đánh giá công tâm, khách quan, chính xác các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm lần này.

-----------

Cử tri và Nhân dân bức xúc với quy hoạch “treo”

Ngày 23-10, trình bày báo cáo về ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân, Chủ tịch MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết cử tri và Nhân dân tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Liên quan đến vấn đề phục hồi và phát triển kinh tế, báo cáo của MTTQ cho biết cử tri và Nhân dân đánh giá cao trong bối cảnh khó khăn nhiều hơn thuận lợi, song kinh tế nước ta tiếp tục tăng trưởng, an sinh xã hội được bảo đảm. Hơn 650 km đường cao tốc đã hoàn thành; đã tích lũy được hơn 500.000 tỉ đồng để thực hiện cải cách tiền lương.

Các đại biểu tại ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV. Ảnh: QH

Dù vậy, cử tri và Nhân dân còn lo lắng về tình trạng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn bấp bênh, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp; thu ngân sách nhà nước gặp khó khăn… Do đó, cử tri và Nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động.

Về lĩnh vực giáo dục, đào tạo, cử tri và Nhân dân còn băn khoăn, lo lắng về tình trạng thiếu giáo viên, thiếu trường, lớp học; một số cơ sở giáo dục lạm thu gây bức xúc cho phụ huynh và học sinh…

Về lĩnh vực đối ngoại, cử tri và Nhân dân vui mừng phấn khởi với kết quả hoạt động đối ngoại. Đặc biệt, việc lần đầu tiên tổng thống Mỹ thăm Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, là sự khẳng định vị thế và uy tín quốc tế của Đảng và người đứng đầu Đảng ta.

Đối với lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, cử tri và Nhân đặc biệt quan tâm và kịch liệt lên án tội phạm có tính chất khủng bố xảy ra ở huyện Cư Kuin, Đắk Lắk. Đồng thời, mong muốn Nhà nước xử lý nghiêm minh những kẻ cầm đầu và có chính sách khoan hồng đối với những người thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin.

Cử tri và Nhân dân chia sẻ về những mất mát lớn lao của gia đình các nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội; bày tỏ sự lo ngại về việc bắt cóc, bạo hành trẻ em diễn biến phức tạp, còn xảy ra một số vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng. Cùng đó là đề nghị xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật An ninh mạng; ngăn chặn tình trạng kích điện bắt giun đất đang diễn ở nhiều địa phương gây tác hại khôn lường.

Trong lĩnh vực đất đai, bất động sản, ông Chiến cho biết tình trạng quy hoạch “treo” dự án đầu tư dở dang ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của người dân (như mỏ sắt Thạch Khê Hà Tĩnh, một số dự án khu đô thị hàng chục năm chưa hoàn thành đầu tư…); một số người đã đầu tư mua nhà ở, đất ở từ nhiều năm trước đến nay dự án bị dừng, quyền lợi chưa được giải quyết thỏa đáng.

Trước những ý kiến của cử tri và Nhân dân, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục có các giải pháp hiệu lực, hiệu quả hơn nữa hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi phát triển kinh tế, đẩy mạnh đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và góp phần tạo việc làm, ổn định đời sống…

Nguồn PLO

Tin cùng chuyên mục