Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
UBND tỉnh chỉ đạo:
Tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm
Thứ tư: 07:44 ngày 12/02/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - UBND tỉnh đề nghị Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh tuyên truyền, vận động toàn dân hưởng ứng và tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh; phối hợp kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh, tránh chủ quan trong phòng chống; không hoang mang và nghiêm túc áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Khu vực các cửa khẩu được kiểm soát chặt chẽ để phòng ngừa các dịch bệnh nguy hiểm lây lan vào nội địa (ảnh minh hoạ).

Theo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa cho biết, từ đầu tháng 1.2020 đến nay, thế giới đã ghi nhận nhiều ổ dịch bệnh cúm gia cầm tại 11 quốc gia và vùng lãnh thổ: chủng virus cúm A/H5N1 tại Ấn Độ; A/H5N1 tại Trung Quốc (ngày 1.2.2020); A/H5N6 tại Nigeria; A/H5N8 tại Cộng hoà Séc, Đức, Hungary, Ba Lan, Rumania, Slovakia, Nam Phi; tại Đài Loan cũng ghi nhận các ổ dịch cúm gia cầm A/H5N2 và A/H5N5. Nguy cơ bệnh lây lan giữa các nước là rất cao.

Tại Việt Nam, năm 2019, bệnh cúm gia cầm xảy ra tại 70 hộ chăn nuôi, 44 xã, 41 huyện thuộc 24 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu huỷ trên 133.000 con gia cầm. Từ đầu tháng 1.2020 đến nay, cả nước có 1 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 chưa qua 30 ngày tại tỉnh Quảng Ninh. Kết quả chủ động lấy mẫu giám sát tại 26 tỉnh, thành phố cho thấy tỷ lệ dương tính với virus cúm A là 37,72%, trong đó tỷ lệ dương tính với virus cúm A/II5N1 là 1,19% và A/H5N6 là 1,82%.

Riêng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, năm 2017 đã xảy ra 1 ổ  dịch cúm gia cầm tại huyện Bến Cầu; năm 2018 xảy ra 1 ổ dịch tại huyện Châu Thành. Đây là 2 ổ dịch xuất phát tại 2 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm và đã được cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương phát hiện, xử lý kịp thời, không để lây lan ra diện rộng. Năm 2019, bệnh cúm gia cầm không xảy ra nhưng kết quả giám sát chủ động cho thấy có 44/84 mẫu dương tính type A chiếm 52,38%. Trong đó, 3 mẫu dương tính với cúm A/H5N1, chiếm 3,57% (cao hơn bình quân của cả nước).

Hiện nay, điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi; nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ phục vụ các lễ hội đầu năm tăng cao; việc tổ chức tiêm vắc-xin cúm cho đàn gia cầm đạt tỷ lệ chưa cao - nhất là đối với gia cầm chăn nuôi nhỏ lẻ. Do đó, nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm xuất hiện và lây lan rất cao, đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.

Để phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm kịp thời và có hiệu quả, hạn chế thấp nhất virus cúm lây nhiễm, ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng, giảm thiểu thiệt hại kinh tế cho ngành chăn nuôi, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện - thành phố, thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan tập trung thực hiện một số nội dung sau: 

Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 2028/QĐ-UBND ngày 20.9.2019 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020-2025; Quyết định số 2735/QĐ-UBND ngày 17.12.2019 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2020.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã (phường, thị trấn) phối hợp với lực lượng thú y và các đơn vị có liên quan triển khai giám sát dịch bệnh động vật để phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc; tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm - nhất là tại các cơ sở chế biến, tiêu thụ và vận chuyển gia cầm.

Hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp chủ động phòng dịch, tiêm phòng vắc-xin cúm cho đàn gia cầm và thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại.

Tổ chức tiêm vắc-xin cúm gia cầm phòng bệnh cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ tối thiểu trên 80% tổng đàn có nguy cơ và thuộc đối tượng tiêm phòng. Triển khai tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng theo Công văn số 303/SNN-CCCN&TY ngày 3.2.2020 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh động vật tại địa bàn quản lý theo hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh… 

Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (Ban Chỉ đạo 389 tỉnh) tăng cường chỉ đạo tổ chức ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh, đặc biệt đối với các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm từ nước ngoài vào địa bàn tỉnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm theo đúng quy định của Luật Thú y; triển khai giám sát, lấy mẫu xét nghiệm bệnh cúm gia cầm để kịp thời cảnh báo, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, sử dụng có hiệu quả các loại vắc-xin phòng bệnh cúm gia cầm.

Tổ chức tốt việc giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời dịch bệnh trên gia cầm và thông báo kịp thời cho ngành y tế khi phát hiện các ổ dịch trên đàn gia cầm để phối hợp triển khai các hoạt động phòng, chống dịch lây lan sang người. Thực hiện nghiêm túc kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ gia cầm; tăng cường kiểm tra việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn. Kịp thời xử lý nghiêm hành vi vi phạm đối với tổ chức, cá nhân vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định; thành lập đoàn kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm tại cơ sở.

Sở Y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm những trường hợp nghi nhiễm cúm A/H5N1 và các loại cúm gia cầm khác trên người; giám sát tại cộng đồng, phát hiện sớm trường hợp mắc trên người, cách ly, khoanh vùng xử lý triệt để, không để dịch lây lan; sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân; bảo đảm đủ cơ số trang bị y tế, thuốc và hoá chất thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch; khuyến cáo người dân về các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm lây từ gia cầm sang người.

Cục Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý thị trường, phối hợp với các đơn vị có liên quan ngăn ngừa nhập lậu gia cầm, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép, không để xảy ra hiện tượng buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường.

Công an tỉnh tổ chức điều tra ngăn chặn và thực hiện bắt giữ, xử lý nghiêm khắc các đối tượng buôn lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm không bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện bắt giữ, xử lý nghiêm các vụ nhập khẩu trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm; tổ chức tuyên truyền cho cư dân khu vực biên giới về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm và tác hại khi buôn bán, vận chuyển gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc.

Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình Tây Ninh, Báo Tây Ninh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế tổ chức tuyên truyền sâu rộng về tình hình dịch, bảo đảm vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ gia cầm; không sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch; sử dụng thịt gia cầm phải nấu chín, không ăn tiết canh và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm; các nội dung tuyên truyền phải cụ thể, rõ ràng, chính xác, kịp thời; đặc biệt tuyên truyền các biện pháp để người dân phòng, chống dịch không hoang mang, lo lắng.

Kiểm tra, kiểm soát các thông tin mạng xã hội, kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý theo đúng quy định pháp luật những thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh, gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến công tác phòng chống dịch bệnh.

UBND tỉnh đề nghị Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh tuyên truyền, vận động toàn dân hưởng ứng và tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh; phối hợp kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh, tránh chủ quan trong phòng chống; không hoang mang và nghiêm túc áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Đình Chung

Tin cùng chuyên mục