Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tập trung xử lý tình trạng ngập cục bộ trong đô thị
Thứ sáu: 00:07 ngày 18/06/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tình trạng ngập nước cục bộ tại đô thị là vấn đề nhức nhối của các địa phương, không những ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị mà còn gây khó khăn đến việc đi lại, kinh doanh, sinh hoạt… của người dân. Trước tình hình trên, tỉnh và một số địa phương đã thi công nhiều công trình thoát nước đô thị, đến nay, tình trạng ngập cục bộ cơ bản được giải quyết.

Cơn mưa chiều ngày 15.5.2021, gây ngập cục bộ trên đường Lạc Long Quân, TP. Tây Ninh. Ảnh: Ðại Dương

Tập trung xử lý những "điểm đen” ngập cục bộ

Theo UBND thị xã Hoà Thành, thực hiện công tác chỉnh trang đô thị, trong những năm qua, thị xã Hoà Thành đầu tư nâng cấp, mở rộng đường giao thông kết hợp với xây dựng hệ thống thoát nước trên địa bàn để khắc phục tình trạng ngập cục bộ trong mùa mưa.

Trong đó, tập trung đầu tư cải tạo, nạo vét cống, mương thoát nước trên một số tuyến đường như Lạc Long Quân, Phạm Văn Ðồng, Lý Thường Kiệt. Mặt khác, trên địa bàn Thị xã đang thi công hệ thống cống thoát nước đô thị thành phố Tây Ninh và thị xã Hoà Thành do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư, kinh phí thực hiện từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.

Ðến nay, tình trạng ngập cục bộ ở thị xã Hoà Thành cơ bản xử lý xong. Tuy nhiên, vào mùa mưa, tại một số tuyến đường trên địa bàn Thị xã vẫn còn xảy ra tình trạng nước ngập vào nhà dân. Nguyên nhân có một số miệng hố ga kích thước nhỏ, lòng cống thoát nước bị bồi lắng cát, rác thải chặn dòng chảy, nước thoát không kịp; có hố ga trước nhà dân bị che chắn bằng nylon, bao tải... nước không thoát kịp gây ngập cục bộ.

Tại thị xã Trảng Bàng, thời gian qua, UBND Thị xã tập trung đầu tư công trình giao thông cho các xã, phường để đạt tiêu chí về nông thôn mới, tiêu chí thành lập Thị xã vào năm 2020. Trong đó, Trảng Bàng tập trung đầu tư công trình thoát nước cho phường Trảng Bàng và một số tuyến đường như đường HL10, HL2 (đoạn ranh Gò Dầu - Trung Hưng, An Bình - Bố Heo, An Bình - Cây Khế), đường Trạm Y tế phường An Tịnh, đường An Hội 1 phường An Hoà, đường xã Phước Bình... Tuy nhiên, các tuyến hương lộ, liên xã chưa được đầu tư cống thoát nước, chủ yếu thoát nước bằng mương đất tự nhiên dọc hai bên đường.

Mùa mưa năm 2020, UBND thị xã Trảng Bàng đầu tư nâng cấp cải tạo hệ thống thoát nước trên các tuyến đường Nguyễn Văn Rốp, Lê Hồng Phong, đường 30/4. Dòng chảy được khơi thông nên khi mưa lớn, lượng nước tập trung về ngã tư Trảng Bàng rất nhiều, cống dẫn qua ngã tư (đoạn cuối) bị bồi lắng, mương thoát chính nằm trong nhà dân không thể nạo vét dẫn đến ngập úng. Ðể khắc phục vấn đề trên, UBND Thị xã đã đầu tư hệ thống thoát nước tại hạ lưu để chia lưu lượng nước theo các hướng thoát khác nhau, khắc phục ngập úng tại vị trí này.

Ðối với khu vực tuyến quốc lộ 22, đoạn cổng chào Tây Ninh đến ngã ba Bàu Tre, hai bên mương thoát nước có kích thước tương đối nhỏ, dễ bị bồi lắng làm giới hạn dòng chảy, đồng thời hệ thống mương chưa được liên thông, chỉ bố trí từng đoạn qua khu dân cư, nên thường xuyên ngập úng khi có mưa lớn.

Ðoạn đường QL22 đi qua thị xã Trảng Bàng thuộc thẩm quyền quản lý của Cục Quản lý đường bộ IV. UBND thị xã Trảng Bàng đã kiến nghị đến Cục về những vấn đề trên. Hiện nay, Cục Quản lý đường bộ IV cho nạo vét lại toàn bộ hệ thống mương thoát nước và lập hồ sơ sửa chữa hệ thống rãnh dọc hiện hữu bên phải tuyến đoạn Km31+800-Km32+450 thoát nước về cống ngang tại Km32+450. Hồ sơ đã được phê duyệt tại Quyết định số 4989/QÐ-TCÐBVN ngày 30.10.2020 của Tổng cục Ðường bộ Việt Nam và sẽ thực hiện trong năm 2021.

Khẩn trương thi công dự án chống ngập thành phố Tây Ninh và một phần thị xã Hoà Thành tại đường Lạc Long Quân (thị xã Hoà Thành).

Tuyên truyền, nhắc nhở người dân không vứt rác xuống mương, hố ga

UBND thị xã Hoà Thành cho biết, để khắc phục tình trạng còn ngập úng tại một số điểm, UBND Thị xã chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Thị xã và UBND các xã, phường tăng cường kiểm tra, phối hợp xử lý, thi công cải tạo miệng hố ga, nạo vét, khai thông dòng chảy để khắc phục tình trạng ngập cục bộ.

Mặt khác, UBND thị xã Hòa Thành chỉ đạo UBND các xã, phường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, thu gom rác thải, chắn miệng hố ga để nước thoát kịp thời, không gây ngập cục bộ; đồng thời, xử lý các trường hợp có những hành vi chắn miệng hố ga (đã nhắc nhở nhưng vẫn vi phạm).

Ðể khắc phục tình trạng ngập úng trong mùa mưa năm 2021, UBND thị xã Trảng Bàng chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị chủ trì, phối hợp UBND các xã, phường và đơn vị liên quan khảo sát, xây dựng kế hoạch nạo vét bùn, rác tại các hố ga, mương thoát nước, khơi thông dòng chảy tại hạ lưu, làm giảm thiểu tình trạng ngập úng trước khi mùa mưa đến; tuyên truyền, vận động người dân không xả rác ra cống thoát nước gây cản trở dòng chảy.

UBND Thị xã đã trình Sở Kế hoạch và Ðầu tư cho ý kiến, tham mưu UBND tỉnh cho chủ trương về dự án “Chống ngập và phát triển hạ tầng kỹ thuật thị xã Trảng Bàng - giai đoạn 1” nhằm chống ngập các vị trí ngập cục bộ, tiến tới phát triển đồng bộ hạ tầng cho thị xã Trảng Bàng.

Thi công cải tạo các miệng hố gas thu gom nước trên đường Phạm Văn Ðồng (thị xã Hoà Thành).

Ðầu tư xây dựng hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố Tây Ninh và thị xã Hoà Thành

Từ năm 2019, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh được UBND tỉnh giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư một số dự án thoát nước trên địa bàn thành phố Tây Ninh và thị xã Hoà Thành, thuộc Ðề án tổng thể chống ngập úng khu vực thành phố Tây Ninh và Hoà Thành.

Theo Ban Quản lý, việc triển khai các công trình thoát nước tại một số khu vực thành phố Tây Ninh và thị xã Hoà Thành sẽ giải quyết được những vị trí ngập cục bộ, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp, đô thị văn minh; việc đi lại làm ăn sinh sống của người dân được thuận lợi. Tuy nhiên, hầu hết các hạng mục công trình đều thi công trên lòng, lề đường, vỉa hè, trong quá thi công phải bảo đảm không làm ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, buôn bán, làm việc, giao thông của người dân nên tiến độ thi công không được như mong muốn.

Bên cạnh đó, các công trình trên không như dây cáp, trụ điện lực, viễn thông… chằng chịt, phức tạp; quá trình di dời, tháo dỡ các công trình trên chậm, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Ðặc biệt, khu vực mương Tân Hương đoạn từ đường Lạc Long Quân đến Châu Văn Liêm hiện tại là mương đất, dòng mương hẹp (1,3 - 2,5m), bị bồi lấp, dòng chảy tắc nghẽn… không có mặt bằng để bố trí vật tư, xe máy thi công.

Việc thi công hết sức khó khăn, vì đơn vị phải chặn dòng từng đoạn, bơm cạn nước mới thi công được; nếu gặp mưa lại phải tháo dòng cho nước thoát đi nên việc thi công bị dừng. Mương thoát nước này bị người dân lấn chiếm, dòng mương thu hẹp cục bộ, nhiều đoạn không thể triển khai thi công (tổng cộng khoảng 300md).

Ban Quản lý dự án đang phối hợp với UBND thị xã Hoà Thành và UBND phường Hiệp Tân xác định lại ranh giới mương, vận động người dân tháo dỡ các công trình, vật kiến trúc xây dựng lấn chiếm mương để lấy mặt bằng thi công.

Theo Ban Quản lý đầu tư xây dựng dự án tỉnh, hiện nay, hệ thống thoát nước đô thị trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư xây dựng đầy đủ, không theo kịp sự phát triển của các đô thị, nên vào mùa mưa - đặc biệt là những lúc mưa lớn còn xảy ra ngập cục bộ tại một số nơi.

Qua theo dõi tình hình thoát nước tại các đô thị trên địa bàn tỉnh, Ban Quản lý nhận định, muốn chống ngập úng cục bộ, quy hoạch đô thị và các đề án chống ngập cần bám sát vào điều kiện thực tiễn của các đô thị để việc triển khai thực hiện nhanh chóng và thuận lợi; địa phương cần dành nguồn lực triển khai thực hiện các quy hoạch và đề án chống ngập đã được phê duyệt; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để hạn chế việc người dân xả rác, lấn chiếm kênh, rạch; thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, nạo vét, khơi thông hệ thống cống thoát nước và kênh rạch trên địa bàn.

Tấn Hưng

Tin cùng chuyên mục