Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Gần nửa tháng Chạp, các tiệm may quần áo bắt đầu “chạy nước rút” để kịp đơn hàng tết. Những người thợ cần mẫn đang ngày đêm tạo ra những bộ trang phục góp phần làm đẹp cho nhiều người dịp xuân về.
Tăng tốc mùa tết
Chị Võ Thị Lệ Hằng, xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu cho biết đang là cao điểm mùa may quần áo tết. Nếu ngày thường chị may tới 10 giờ đêm là nghỉ thì hiện nay phải thức khuya hơn, dậy sớm hơn: “Ngày thường mình dậy trễ cũng được nhưng may đồ tết thì phải tranh thủ để kịp giao cho khách”.
Đến nay, chị Hằng đã ngưng nhận đồ tết để tập trung may cho kịp, vì cả chị và khách đều không muốn để đồ năm này sang năm mới. Theo chị Hằng, có nhiều người đặt đồ quanh năm nhưng có người tết mới đặt may.
Tiệm của chị may đa dạng đồ từ công sở, áo dài, bà ba nhưng đồ tết sẽ đặc biệt hơn thường ngày. “Ngày tết, khách thường chọn những mẫu vải có màu sắc, hoa văn rực rỡ, bắt mắt, tươi tắn hơn như mong ước một năm mới tươi đẹp hơn. Có người chọn đặt may đồ có màu sắc phù hợp với phong thuỷ trong năm mới”- chị Hằng nói.
Hơn 30 năm làm nghề, chị Hằng có nhiều kỷ niệm trong mùa may đồ tết. Nếu trước đây, mỗi dịp tết, chị nhận may hơn 100 bộ đồ thì hiện nay giảm còn khoảng một nửa. Đồ nhiều, chị phải thuê thêm người phụ làm. Những thợ chính sẽ luân phiên thay ca may gần như thâu đêm để kịp giao cho khách trước tết. Người may, người làm lai, đơm nút, người ủi… Công việc thường kết thúc vào tối muộn đêm giao thừa.
Chị Hằng nói: “Có năm tôi phải năn nỉ khách nhận cả sản phẩm áo chưa hoàn thiện rồi sang năm mới may cho chỉn chu sau. Bởi tôi muốn “dọn sạch” tiệm khi qua năm mới để mọi việc hanh thông, thuận lợi. Cũng may những lúc vậy tôi gặp khách dễ tính và họ đều đồng ý”.
Anh Nguyễn Thanh Phong làm việc xuyên suốt mùa tết.
Chị Nguyễn Thị Bích, ngụ khu phố 4, thị trấn Dương Minh Châu, huyện Dương Minh Châu đã có hơn 30 năm theo nghề may- cũng là ngần ấy cái tết chị cặm cụi may đồ cho đến tận đêm giao thừa. Chị nói, có năm đến tận đêm giao thừa vẫn còn nhiều người ngồi chờ nhận đồ mới cho kịp mặc tết. Mùa tết may đồ có nhiều cảm xúc lắm.
Trước đó, chị Bích may đa dạng các loại đồ, nhưng gần hai mươi năm nay, chị chỉ chuyên may áo dài, bà ba và sườn xám. Mỗi năm chị nhận may đồ tết khoảng vài chục bộ các loại. Còn hơn nửa tháng là đến tết, chị bắt đầu cắt và may áo dài cho khách kịp chơi xuân. Theo chị Bích, mỗi ngày nếu tập trung, chị có thể may 3-4 bộ áo dài kiểu dáng không quá cầu kỳ nên khả năng kịp giao hàng trước tết.
Tiệm chỉ có một mình, chị Bích luôn tỉ mỉ từng đường may với mong muốn những chiếc áo sẽ được bảo đảm kỹ thuật và độ thẩm mỹ cao. Mỗi ngày, chị có thể may đến 11 giờ đêm. Dịp tết, thời gian làm việc thậm chí còn nhiều hơn, nhưng chị không thấy cực vì đó là đam mê, là sinh kế cho gia đình.
Chị Bích chia sẻ: “Thấy khách đặt may những bộ áo dài xuân là biết tết về. Năm nào tôi cũng nhận đồ tới 30 tết, kể cả nhận đồ may ra giêng. Dù phải may đồ đến tận đêm giao thừa nhưng sáng mùng Một tôi lại mở máy lên may tiếp như nối tiếp khởi đầu một năm mới”.
Hàng chục năm qua, áo dài của tiệm chị Bích được nhiều chị em trong và ngoài địa phương ưa chuộng. Đặc biệt vào những ngày tết, nhiều người sẵn sàng chờ nhận để có chiếc áo đẹp du xuân. Thấy được sự nhiệt tình của khách, chị luôn cố gắng làm việc không mệt mỏi, góp phần mang đến vẻ đẹp, sự tự tin cho nhiều chị em. Mấy năm nay áo dài, áo bà ba được khách hàng chọn may nhiều hơn để chụp hình xuân, chị Bích lại có thêm nhiều việc để làm.
Chị Võ Thị Lệ Hằng may đồ tết cho khách.
Còn anh Nguyễn Thanh Phong, chủ tiệm may Nhà Phong tại khu phố Long Tân, phường Long Thành Bắc, thị xã Hoà Thành đã nhận được nhiều phản hồi vừa ý của khách khi chụp ảnh tết với áo dài. Hiện tại, anh vẫn luôn tất bật với việc may áo dài cưới và áo dài tết cho khách.
Tiệm chuyên may áo dài từ đơn giản đến hàng thiết kế riêng, anh Phong còn may thêm áo bà ba, áo đi chùa. Năm nay, tính riêng dịp tết anh nhận may khoảng 100 bộ- trong đó một nửa là đồ diện tết. Theo anh Phong, nếu ngày thường khách chủ yếu là giáo viên, công chức, viên chức Nhà nước may những bộ áo dài truyền thống thì dịp tết sẽ có thêm khách hàng là các bạn trẻ. Nhóm khách này thường chuộng các kiểu cách tân vì rộng rãi, thoải mái. Ngày tết cũng là dịp cho những chiếc áo dài với tông màu nổi, trẻ trung có cơ hội được chưng diện.
Làm nghề khoảng 10 năm, anh Phong đã đi qua nhiều mùa tết phải “cắm mặt” may đồ cho kịp giao khách. Anh nói có năm khi việc hoàn thành thì bên ngoài đã bắt đầu đón giao thừa, pháo bông nổ tưng bừng.
Thay đổi để thích ứng
Hiện nay, do sự cạnh tranh từ loại hình kinh doanh trực tuyến với trang phục rẻ và kiểu dáng đa dạng, những tiệm may truyền thống bị giảm khách hàng đi không ít. Tuy nhiên, những người thợ lành nghề luôn có cách để giữ chân lượng khách hàng ổn định cho mình.
Chị Nguyễn Thị Bích và sản phẩm áo dài của tiệm.
Chẳng hạn, chị Hằng sẽ siêng năng cập nhật những mẫu mới từ mạng xã hội. Năm nay, chị may nhiều áo bà ba do đây là trang phục được nhiều người chọn mặc để đi chùa dịp tết. Theo chị, dù có nhiều sự cạnh tranh, thợ may thủ công vẫn có những thuận lợi riêng: “Có người mua đồ trên mạng xong tìm đến tôi sửa lại cho vừa. Tôi luôn tỉ mỉ dù là may mới hay sửa đồ. Nhờ vậy, nhiều khách đã chọn quay lại tiệm tôi may đồ chứ không mua trên mạng nữa”.
Tương tự, để phục vụ nhu cầu của khách hàng, chị Bích chịu khó tìm hiểu, tham khảo những mẫu áo mới, cách tân. Vì vậy, dù ngày thường hay mùa tết, tiệm may của chị Bích vẫn có nhiều đơn hàng. Chị nói mình không sợ cạnh tranh từ những mẫu áo trên mạng vì mình có tệp khách hàng riêng.
Với anh Phong, những năm qua, áo dài có nhiều sự thay đổi để phù hợp với yêu cầu, thị hiếu của khách. Do đó, tiệm của anh cũng thường xuyên “làm mới” với kiểu dáng cách điệu, hiện đại nhưng vẫn bảo đảm giữ nét truyền thống vốn có của áo dài. Anh chia sẻ: “Tôi không lo lắng sự cạnh tranh này vì tôi có lượng khách hàng riêng là những người thích sự chỉn chu trong từng bộ trang phục”. Anh Phong nhận xét thêm, thời gian gần đây, khá nhiều người chọn áo dài mặc tết. Đó cũng là một điều tích cực, đáng mừng góp phần lưu giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc.
Vi Xuân