Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tây Ninh có bao nhiêu địa danh Tha La ?
Thứ hai: 00:16 ngày 01/08/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Địa danh Tha La thực ra không có gì xa lạ với người dân Tây Ninh. Nhưng Tha La có nghĩa là gì? Từ trước tới nay, vùng đất phên giậu này tồn tại bao nhiêu địa danh Tha La? Trong bài viết ngắn này, chúng tôi xin được nói về những địa danh Tha La của tỉnh nhà và ý nghĩa cụ thể của nó.

Công trình tưới tiêu vượt sông Vàm Cỏ Đông ở địa phận huyện Châu Thành.

Trước nhất, xin nói về nghĩa của từ Tha La. Tha La là một từ Việt có nguồn gốc từ tiếng Khmer. Trong tiếng Khmer, có hai từ gần âm khác nghĩa là “Sala -        ” và “Thla -       ” đều được người Việt phiên âm thành Tha La. Chính vì vậy, không phải địa danh Tha La nào cũng có nghĩa giống nhau. “Đại Nam quấc âm tự vị (1895) của Huỳnh Tịnh Của định nghĩa Tha La là: “Chòi, trại của thầy sãi Cao Miên, tên xứ ở gần Trảng Bàng, thuộc huyện Quang Hoá” (sđd, tập 2, trang 354); còn trong “Từ điển Khmer - Việt” của Trường đại học Trà Vinh, Tha La là “Nhà, sở, trụ sở, trường, rạp” (NXB Chính trị Quốc gia sự thật 2019, trang 602). Tha La (gốc Thla -       ) trong Từ điển Việt - Khmer của Ngô Chân Lý giảng là “trong - (đối lập với đục) -           - tức thla - nghĩa là nước trong” (NXB Thông tấn 2017, trang 653). Từ những cơ sở trên, ta có thể tìm hiểu nghĩa của từng địa danh Tha La khác nhau trong tỉnh sao cho phù hợp với đặc điểm của từng vùng đất.

Trên địa bàn huyện Tân Châu có các địa danh Tha La sau: Suối Tha La, là tên đoạn suối chảy từ ấp Hội Thắng, xã Tân Hội qua thị trấn Tân Châu, rồi vòng qua ấp 5, ấp 6, xã Suối Dây (bờ ngoài là xã Tân Phú và Tân Hưng), sau cùng là đổ vào hồ Dầu Tiếng.

Suối Tha La nhận nguồn nước khá phức tạp. Nhánh thứ nhất là suối Lam và suối Tà Béc đổ vào suối Nước Đục. Nhánh hai là suối Nước Trong hợp với suối Nước Đục cùng đổ vào suối Tha La. Về đặc điểm thì lòng suối Tha La rất ít sình, chủ yếu là cát trắng nên nước suối rất trong.

Nếu ai từng sống ở đây khoảng 40 năm về trước thì đều biết rằng suối Tha La xưa chỉ là con suối nhỏ, bề ngang chừng 4m, sâu không quá đầu người lớn, hai bên bờ là rừng tre gai mọc rậm xen với vô vàn cổ thụ.

Suối Tha La trong vắt và mềm mại như một sợi tơ len lỏi giữa bạt ngàn rừng già. Suối Tha La ngày nay khá to, đặc biệt khu vực gần cầu Tha La tạo thành một hồ chứa nước gọi là hồ Tha La. Để giữ nước và điều tiết nước cho hồ này, người ta gắn một cái đập phao cao su chắn ngang dòng, gọi là đập Tha La.

Cũng bắt nguồn từ tên con suối Tha La này, năm 1976 hình thành hai khu kinh tế mới ở khu vực này, mang tên là Tha La 1 và Tha La 2. Khu kinh tế Tha La 2 giờ là phía sau chợ Tân Phú thuộc xã Tân Phú, người dân vẫn quen gọi là chợ Tha La. Năm 1981, khu kinh tế Tha La 1 được nâng lên thành xã Tân Thạnh, huyện Tân Biên, đến năm 1989 thuộc về huyện mới Tân Châu. Cơ bản, các địa danh Tha La ở Tân Châu không phải bắt nguồn từ “Sala”, mà bắt nguồn từ “Thla”, có liên quan tới dòng nước trong.

Tương tự các địa danh Tha La ở Tân Châu, huyện Châu Thành trước đây cũng có hai địa danh Tha La, bao gồm Bàu Tức Tha La (bàu nước trong), trước đây thuộc Phum Xoài, nay là phần đất sát biên giới của xã Ninh Điền. Địa danh Bàu Tức Tha La này được ghi cụ thể trên bản đồ Hạt tham biện Tây Ninh năm 1896, nay đã bị san lấp hoàn toàn, không còn dấu vết gì.

Địa danh thứ hai là xóm Tha La ở gần bờ sông Vàm Cỏ Đông. Trước đây, xóm Tha La thuộc làng Trí Bình, nay thì thuộc về tổ 1, ấp Trường của xã Hảo Đước. Tên xóm Tha La này chỉ một ít người cao niên biết, còn thế hệ trẻ sau này thì hoàn toàn xa lạ với nó.

Về địa danh Tha La ở Hảo Đước, khi đi điền dã khảo cứu, chúng tôi thấy có mối quan hệ rất gần gũi giữa hai cái tên: Tha La và Trường. Nếu địa danh Tha La ở đây bắt nguồn từ Sala thì Trường chính là nghĩa tiếng Việt của nó.

Bởi ấp Trường xưa kia còn gọi là xóm Trường (có cả bến Trường), mà Trường ở đây chính là “Trường giao việc”, là trụ sở căn cứ của ta có từ thời tiền chống Pháp. Vấn đề này, sách “Lược sử Tây Ninh”, trang 39 có ghi: “Bến Trường (xóm Trường, ấp Trường): ở sát sông Vàm Cỏ Đông thuộc xã Hảo Đước.

Không phải là bến ở mé sông có nhiều cây trường như bến Cây Ổi, mà nơi đây giao thông thuận tiện đường sông và đường rừng các lãnh binh và liên lạc về đây (Bến Trường) nhận việc và báo cáo kết quả. Ở đây theo đường sông bằng ghe ô, ghe lê chuyển ra Huế để báo và nhận lịnh”. Vậy rất có thể chính nơi này, xưa kia có hai cách gọi, bà con dân tộc Khmer gọi là “Sala/Tha La”, còn người Kinh thì gọi là “Trường”, sự giao thoa này cũng rất bình thường mà thôi.

Hiện nay, tại ấp Trường đang thi công công trình tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông rất hoành tráng. Theo thiết kế, công trình lấy nước từ hồ Dầu Tiếng phục vụ tưới tiêu cho diện tích gần 17.000 ha đất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân thuộc hai huyện Châu Thành và Bến Cầu.

Công trình bao gồm kênh chuyển nước dài 16,67km, trong đó công trình vượt sông Vàm Cỏ Đông dài 2,3km; kênh tưới chính dài 29,4km; kênh cấp 1 dài 71,7km và các công trình trên kênh như cầu máng, cống qua đường, cầu qua kênh, cống điều tiết, cống tiêu luồn, tràn bên, cống lấy nước, tràn cuối kênh...

Ngoài các địa danh Tha La kể trên thì Tây Ninh có một địa danh Tha La rất nổi tiếng ở phường An Hoà, thị xã Trảng Bàng. Theo sách “Trảng Bàng phương chí” của Vương Công Đức thì “Tha La: tên Nôm của ấp An Hội, xã An Hoà. Vùng đất An Hội ngày xưa vốn là khu dân cư đông đúc của người Khmer. Tên gọi Tha La là do người Khmer đặt từ thời xa xưa. Theo tiếng Khmer, Tha La vốn được phiên âm Việt hoá từ chữ “psala”, có nghĩa là nơi ở của các nhà sư…

Như vậy rõ ràng trong xóm Tha La ngày xưa đã từng có một tu viện hay ngôi chùa Phật giáo của người Khmer. Ngoài địa danh Tha La ở Trảng Bàng có vài địa danh Tha La khác nữa như làng Tha La ở huyện Tân Châu (Tây Ninh) hay xóm Tha La ở An Giang nhưng không được nhắc đến trong Đại Nam quấc âm tự vị” (sđd, trang 442-443, NXB Tri thức 2014).

Nói tóm lại, vùng đất Tây Ninh trước đây và cho đến tận bây giờ đã từng tồn tại ít nhất là sáu địa danh Tha La. Nhưng không phải tất cả đều cùng một nghĩa. Cụ thể địa danh Tha La có liên quan đến nước, bàu, suối có nghĩa là “trong”; nếu địa danh Tha La có liên quan đến kiến trúc Khmer thì có nghĩa là “chòi, trại, nhà mát, trụ sở, trường…” như đã phân tích ở phần trên.

ĐÀO THÁI SƠN

Tin cùng chuyên mục