Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tây Ninh đạt nhiều thành tựu trong chuyển đổi số
Thứ hai: 00:59 ngày 24/01/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tây Ninh là một trong số ít tỉnh sớm ban hành nghị quyết của Tỉnh uỷ về chuyển đổi số. Đây được xem là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng, vừa định hướng, vừa xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện thành công việc chuyển đổi số.

Người dân làm thủ tục tại Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh.

Xác định được tầm quan trọng của việc xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin - viễn thông, các nền tảng công nghệ phục vụ cho chuyển đổi số, từ cuối năm 2019, Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã nghiên cứu thực hiện đề án xây dựng chính quyền số tỉnh Tây Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và được UBND tỉnh ban hành vào giữa năm 2020. Trên cơ sở đó, xác định các nhiệm vụ, dự án xây dựng hạ tầng và nền tảng phục vụ chuyển đổi số, từ đó, tỉnh phân bổ kinh phí để thực hiện trong năm 2021.

Ông Nguyễn Tấn Đức- Giám đốc Sở TT-TT cho biết: “Năm 2021, Sở TT-TT đã triển khai thực hiện các dự án như nâng cấp trung tâm tích hợp dữ liệu, hệ thống phòng, chống tấn công mạng, nền tảng chỉ đạo điều hành Egov; nâng cấp Cổng dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử theo quy định mới; triển khai nền tảng liên thông tích hợp dữ liệu (LGSP), hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng kết nối với hệ thống giám sát an toàn an ninh mạng quốc gia (SOC)…".

Ngoài ra, Sở cũng trang bị một số hệ thống khác theo hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin, như hệ thống giám sát thông tin trên môi trường mạng, phản ánh hiện trường, hệ thống trung tâm giám sát điều hành tập trung (IOC), quản lý camera giám sát tập trung sử dụng AI... Đây là những hạ tầng, nền tảng và ứng dụng quan trọng phục vụ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số của tỉnh trong thời gian tới.

Ứng dụng phần mềm văn phòng điện tử, thực hiện chữ ký số

Hiện nay, hệ thống văn phòng điện tử đã được nâng cấp đáp ứng yêu cầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12.7.2018 về việc gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan hệ thống hành chính Nhà nước.

Đồng thời, được triển khai cho 100% cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh, 100% UBND cấp huyện và cấp xã. Đến nay, các văn bản điện tử trao đổi và xử lý trên môi trường mạng được liên thông từ cấp tỉnh đến cấp huyện nhanh chóng, thông tin chỉ đạo kịp thời, chính xác, nâng cao hiệu quả công tác quản lý văn bản và điều hành trong các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh - đạt tỷ lệ 100% văn bản liên thông trên hệ thống văn phòng điện tử.

Hệ thống văn phòng điện tử đã được kết nối trên trục liên thông văn bản quốc gia. Hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ tích hợp lên hệ thống văn phòng điện tử và được triển khai cho 100% sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và cấp xã để giao dịch điện tử.

Ngoài ra, trong năm 2021, Sở đã phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ triển khai cấp sim ký số cho lãnh đạo các sở, ban, ngành; đã thực hiện cấp 90 sim ký số cho cá nhân và hoàn thiện phần mềm văn phòng điện tử theo Nghị định 30/2020/NĐ-CP của Chính phủ, khuyến khích các đơn vị dùng sim ký số cho lãnh đạo để phục vụ thuận tiện, tốt hơn cho công tác ký số văn bản quản lý nhà nước.

Đối với công tác triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Sở TT-TT cho biết, cổng thông tin điện tử dịch vụ công trực tuyến được xây dựng và đưa vào vận hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính một cách nhanh chóng tại địa chỉ truy cập https://dichvucong.tayninh.gov.vn.

Đến nay, đã nâng cấp Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP và Thông tư số 01/2018/TT-VPCP. Cổng thông tin điện tử tỉnh hiện cung cấp 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện lên mức 4 (1.818/1.877 thủ tục hành chính).

Ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch

Thời gian qua, tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, trong điều kiện “bình thường mới” phải thực hiện nguyên tắc 5K + vaccine + công nghệ và ý thức của người dân. Như vậy, công nghệ là nhân tố rất quan trọng giúp chúng ta trở lại trạng thái “bình thường mới”.

Ý thức được điều này, ngay từ khi dịch bùng phát lần thứ 4, Sở TT-TT đã tích cực nghiên cứu triển khai các nền tảng, ứng dụng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch của các bộ, ngành; đồng thời nghiên cứu triển khai thêm các tính năng mới để phục vụ kịp thời sự chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch ở địa phương. Kết quả đã mang lại một số hiệu quả tích cực, được người dân đồng tình ủng hộ.

Cụ thể: đối với các nền tảng công nghệ do Bộ Y tế, Bộ TT-TT triển khai như xét nghiệm và trả kết quả trực tuyến, nền tảng tiêm vaccine ngừa Covid-19; tạo và quét mã QR cá nhân, kiểm soát vào ra ở các địa điểm, thời gian qua, Sở TT-TT phối hợp cùng Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia triển khai có hiệu quả ở tỉnh, góp phần đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng, đồng thời nâng cao tỷ lệ tiêm vaccine của tỉnh như hiện nay.

Ngoài ra, để đáp ứng các bài toán cụ thể trong từng giai đoạn chống dịch của lãnh đạo tỉnh, Sở TT-TT đã xây dựng thêm một số tính năng, tiện ích trên Cổng Zalo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh, ứng dụng di động Tây Ninh Smart và được người dân quan tâm sử dụng, điển hình như: Tiện ích tiếp nhận thông tin và phản hồi phản ánh của người dân liên quan đến phòng, chống dịch; khai báo thông tin, khai báo y tế trên Zalo khi qua chốt kiểm dịch ở các cửa ngõ vào Tây Ninh; tiện ích cho người dân Tây Ninh ở các tỉnh, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh đăng ký về quê trong giai đoạn dịch bùng phát mạnh; đăng ký nhận và theo dõi tình hình hỗ trợ, trợ cấp cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch; tiện ích an sinh xã hội…

Việc đưa ứng dụng Tây Ninh Smart vào hoạt động đã hỗ trợ thiết thực cho người dân. Hiện số lượng người dân đăng ký tài khoản sử dụng ứng dụng là trên 89.000 người; tiếp nhận trên 2.700 phản ánh, đã xử lý khoảng 2.120 thông tin và đang xử lý 648 thông tin. Trong thời gian dịch bệnh, đã hỗ trợ 61.790 người đăng ký trợ cấp mất việc làm; 5.612 người đăng ký có nguyện vọng về lưu trú tại Tây Ninh trong thời gian giãn cách xã hội.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Trong thời gian tới, theo Chương trình chuyển đổi số tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh sẽ tập trung vào 4 giải pháp:

Phát triển nền tảng cho chuyển đổi số, trong đó, chú trọng đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức về chuyển đổi số; phát triển hạ tầng số.

Xây dựng chính quyền số, trong đó, sẽ tích hợp các dịch vụ theo nhu cầu phục vụ người dân và doanh nghiệp, chỉ cần sử dụng một tài khoản đăng nhập cho tất cả các ứng dụng, dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; triển khai các ứng dụng nhằm nâng cao sự tương tác giữa chính quyền và người dân; hoàn thiện hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; tận dụng các kênh xã hội để tương tác và gia tăng sự tham gia của người dân; hoàn thiện hệ thống đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp tại các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố nhằm tăng cường chất lượng và hiệu quả công việc tại các cơ quan nhà nước.

Phát triển kinh tế số. Cụ thể: hỗ trợ phát triển thương mại điện tử và thúc đẩy chuyển đổi số tại các doanh nghiệp; phổ biến kiến thức về công nghệ số, các loại mô hình kinh tế số đổi mới sáng tạo, chia sẻ kinh nghiệm của những doanh nghiệp đang thành công nhờ các mô hình kinh doanh sáng tạo với công nghệ số. Mặt khác, xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp công nghệ số, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp tạo sản phẩm số và ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm có hàm lượng số cao.

Tập trung hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp để đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ số và chuyển đổi số, hình thành văn hoá số. Chuẩn bị nguồn nhân lực cho chuyển đổi số phát triển xã hội số, không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi số.

Trúc Ly

Theo Bộ TT-TT, năm 2022 là năm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện; là năm đầu thực hiện các chiến lược mới: hạ tầng số, dữ liệu, bưu chính, an toàn thông tin mạng, công nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, chuyển đổi số báo chí.

 

Tin cùng chuyên mục