Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, đầu tư xây dựng và đa dạng hoá các sản phẩm du lịch thông minh là một trong những giải pháp quan trọng.
Du khách tham quan núi Bà Đen.
Tây Ninh có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, đóng góp từ du lịch cho nền kinh tế tỉnh nhà chưa cao. Thị trường du lịch vẫn loanh quanh với khách bình dân, có tính thời vụ vào dịp lễ, tết. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, đầu tư xây dựng và đa dạng hoá các sản phẩm du lịch thông minh là một trong những giải pháp quan trọng.
“Ban đêm rất buồn”
Tây Ninh có nhiều tiềm năng về du lịch, có vị trí thuận lợi trong giao thương, phát triển. Tuy nhiên, theo Sở VH,TT&DL, mặc dù số lượng khách du lịch đến Tây Ninh tăng đều hằng năm, nhưng mức đóng góp của ngành vào tăng trưởng kinh tế của địa phương còn rất khiêm tốn. Do sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, khách du lịch đến Tây Ninh chủ yếu là khách nội địa, tiếp cận sản phẩm du lịch tâm linh. Chưa có sản phẩm nổi trội, có sức hấp dẫn lớn để thu hút khách du lịch cao cấp và quốc tế.
Thời gian qua, Tây Ninh đã nỗ lực quảng bá hình ảnh du lịch Tây Ninh qua các lễ hội, hội chợ thương mại - du lịch… đẩy mạnh nâng cấp hạ tầng giao thông, kết nối du lịch với các địa phương khác. Tuy nhiên, Tây Ninh vẫn chưa có chỗ để du khách “tiêu tiền” ngoài việc tham quan các điểm du lịch tâm linh, thưởng thức một vài đặc sản.
Anh Nguyễn Văn Mạnh, du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ trong một dịp đi tham quan núi Bà Ðen vào tháng 2.2019. Anh và gia đình dự định lưu trú lại 4 ngày. Thế nhưng chỉ trong 2 ngày, gia đình anh đã đi hết các địa điểm tham quan của Tây Ninh. Anh cho rằng về đêm, ở Tây Ninh “rất buồn”, hầu như không có hoạt động vui chơi giải trí phục vụ du khách.
Phát triển thành phố Tây Ninh thành đô thị du lịch
Theo Sở VH,TT&DL, năm 2019, tỉnh sẽ mời gọi đầu tư và tạo điều kiện phát triển thành phố Tây Ninh thành đô thị du lịch sinh thái, là trung tâm vui chơi, giải trí, mua sắm cho du khách. Trong đó, tỉnh tập trung phát triển các dịch vụ vui chơi giải trí về đêm, các trung tâm mua sắm - ẩm thực tập trung với quy mô lớn, có chất lượng; đẩy mạnh quy hoạch và phát triển sản phẩm du lịch miệt vườn, du lịch gắn với nông nghiệp công nghệ cao và mô hình du lịch cộng đồng.
Ðể thành phố Tây Ninh trở thành đô thị loại II vào năm 2025 và phát triển du lịch thành phố tương xứng với tiềm năng vốn có, thời gian qua, UBND Thành phố kiến nghị UBND tỉnh sử dụng vốn ngân sách nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường trọng điểm như Ðiện Biên Phủ, 30.4, Nguyễn Trọng Cát… Ðồng thời, Thành phố đã thu hút nhiều dự án lớn vào lĩnh vực du lịch - thương mại - dịch vụ; các dự án này được kỳ vọng sẽ tạo đột phá, đưa Thành phố trở thành trung tâm du lịch của tỉnh.
Bên cạnh đó, UBND Thành phố kiến nghị UBND tỉnh và các sở, ban, ngành thu hồi chủ trương đầu tư các dự án hoặc một phần dự án không còn phù hợp, các dự án “treo” lâu dài như dự án chung cư nhà ở xã hội Hoàng Quân; quy hoạch cụm công nghiệp Tân Bình. Ðồng thời, UBND Thành phố mời gọi đầu tư xây dựng khu đô thị đa chức năng và hồ cảnh quan, Khu du lịch sinh thái Bến Trường Ðổi…
Có thể thấy, điểm yếu nhất của du lịch Tây Ninh vẫn là thiếu khu vui chơi phức hợp và sản phẩm, dịch vụ giải trí độc đáo cùng cơ sở vật chất và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL, xuất phát từ thực trạng, tồn tại của ngành du lịch tỉnh nhà, thời gian vừa qua, ngành đã chủ động, tích cực phối hợp các sở, ngành, địa phương có liên quan tham mưu Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đề ra nhiều giải pháp khả thi để phát triển ngành du lịch theo hướng từ nay đến năm 2020, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và phấn đấu đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Ðể hiện thực hoá mục tiêu đó, ngành cần phải tổ chức và triển khai nhiều giải pháp một cách đồng bộ, trong đó tập trung thực hiện một số giải pháp cơ bản như đẩy mạnh đầu tư và kêu gọi đầu tư phát triển, đa dạng hoá, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản phẩm, dịch vụ du lịch. Từ đó, Tây Ninh tạo nên nét đặc sắc, độc đáo riêng có của địa phương.
Năm 2019, ngành du lịch sẽ tích cực, tham mưu Tỉnh uỷ, UBND tỉnh triển khai thực hiện nhiệm vụ của ngành theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia núi Bà Ðen đến năm 2035 để phát triển nơi này thành khu du lịch đặc sắc, hấp dẫn, đa dạng sản phẩm và loại hình du lịch (truyền thống, tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí). Dự kiến, đây sẽ là khu du lịch mang đẳng cấp quốc tế, tạo điểm nhấn và sự lan toả cho du lịch Tây Ninh, từ đó tạo thuận lợi trong việc mời gọi đầu tư du lịch và tạo điều kiện phát triển thành phố Tây Ninh.
Xây dựng du lịch thông minh
Du lịch thông minh là hoạt động du lịch được xây dựng trên nền tảng của công nghệ và truyền thông, tạo sự tương tác, kết nối chặt chẽ giữa nhà quản lý, doanh nghiệp và khách du lịch, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách, đồng thời, giúp cho việc quản lý được thuận tiện hơn. Ðể phục vụ người dân và khách du lịch hiệu quả hơn, đưa Tây Ninh trở thành điểm đến “Hấp dẫn - Thân thiện - An toàn”, mới đây, Sở VH,TT&DL đã trình UBND tỉnh Ðề án phát triển du lịch thông minh tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2018 - 2021.
Theo đó, Cổng thông tin du lịch của tỉnh đã kết nối nhà quản lý, người dân, du khách và doanh nghiệp. Ðây là địa chỉ để cơ quan quản lý Nhà nước giám sát, điều hành, tương tác với các đơn vị, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch; các doanh nghiệp du lịch tăng cường liên kết, kết nối, hình thành nên các tour mới; khách du lịch tiềm năng có cơ hội tìm hiểu về Tây Ninh.
Bên cạnh đó, ứng dụng di động du lịch thông minh có tính năng tương tự cổng thông tin du lịch như tra cứu thông tin và lập lịch trình tự động, kết nối du khách với nhà hàng, khách sạn, siêu thị qua các chương trình giảm giá, mã e-coupon.
Thông qua 2 chương trình này, người dân và du khách có thể tra cứu, tìm hiểu thông tin du lịch Tây Ninh một cách đầy đủ, chính xác và xếp hạng các bài viết giới thiệu hình ảnh đẹp, tiêu biểu; video sinh động về khu - điểm du lịch, danh lam thắng cảnh, nhà nghỉ, khách sạn, ẩm thực, mua sắm… có sự lựa chọn phù hợp và nhanh chóng .
Ðồng thời, bản đồ số về du lịch Tây Ninh khi được xây dựng thành công sẽ cho phép du khách tìm kiếm các địa điểm du lịch trong tỉnh như bảo tàng, làng nghề, chùa chiền, nhà hàng, khách sạn.
Vũ Nguyệt