Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn, tỉnh Tây Ninh vừa triển khai gói hỗ trợ tín dụng, giúp doanh nghiệp mua mới phương tiện, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách
Một chiếc xe buýt hoạt động tuyến núi Bà Tây Ninh.
Tỉnh Tây Ninh hiện đang hoạt động 7 tuyến xe buýt với 85 phương tiện các loại, do các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vận hành hoạt động. Trong đó, các doanh nghiệp trong tỉnh Tây Ninh quản lý là 50 phương tiện, còn lại 35 phương tiện thuộc các doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Tấn Tài - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tây Ninh nhìn nhận: Xe buýt công cộng có thời gian hoạt động đã lâu, từ 12 đến 18 năm, bộc lộ nhiều bất cập, phương tiện đã quá cũ, hao tốn nhiên liệu, xả khí thải ra môi trường; hệ thống điều hòa trên xe không còn hoạt động ổn định; trên xe không có ghế chức năng hỗ trợ người già, phụ nữ có thai, người khuyết tật…
Điều này, dẫn đến chất lượng dịch vụ phục vụ xe buýt còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu của người tham gia giao thông, trong khi xe buýt là phương tiện giao thông quan trọng góp phần làm giảm áp lực lên hệ thống giao thông đường bộ, giao thông đô thị.
Cũng theo ông Nguyễn Tấn Tài, nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, phát triển loại hình vận tải hành khách công cộng theo hướng văn minh, hiện đại, tỉnh UBND Tây Ninh đã phê duyệt gói hỗ trợ lãi suất áp dụng cho các tuyến xe buýt đang hoạt động là 70% lãi suất vay vốn theo giá trị hợp đồng tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh.
Đối với các tuyến xe buýt ngoài danh mục tuyến đang hoạt động được hỗ trợ 100% lãi suất vay. Thời gian hỗ trợ gói vay vốn không quá 5 năm. Các phương tiện mua sắm mới thuộc gói vay hỗ trợ phải bảo đảm chưa qua sử dụng hoặc có năm sản xuất từ 2020 trở về sau.
"Mục đích của việc hỗ trợ này ngoài yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động xe buýt, tỉnh Tây Ninh còn chú trọng nâng cao chất lượng, văn hóa phục vụ để thu hút nhiều người dân lựa chọn xe buýt khi di chuyển; đồng thời, mở rộng phạm vi các tuyến xe buýt mới trong tỉnh trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu của hành khách khi đi xe buýt, gắn với hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã" - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh.
Hiện nay, cơ sở hạ tầng giao thông của tỉnh Tây Ninh đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt phục vụ vận tải công cộng. Tỉnh hiện có 9 tuyến vận tải xe buýt chưa được khai thác, do chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Thực tế vẫn có một số tuyến xe buýt hoạt động không hiệu quả, doanh thu không bù đắp đủ chi phí hoạt động.
Nguồn kinhtedothi