Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Các khâu quan trọng như chấm kiểm tra, xử lý bài thi trắc nghiệm, Hội đồng thi đều phân công cán bộ của trường đại học trực tiếp điều hành, bảo đảm tính khách quan, minh bạch.
Thí sinh Tây Ninh dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.
Thực hiện công văn của Bộ GD-ÐT về tổ chức rà soát, đánh giá công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, ngày 28.7, Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia tỉnh Tây Ninh đã hoàn tất bản báo cáo chi tiết về kỳ thi này.
Theo báo cáo, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2018 (Ban Chỉ đạo). Ban Chỉ đạo đã bố trí lịch công tác, phân công trách nhiệm từng thành viên cụ thể; đồng thời quyết định phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo còn thành lập 3 đoàn khảo sát các địa điểm đặt điểm thi và tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy chế trong các ngày thi.
Trong kỳ thi này, Tây Ninh tổ chức 1 cụm thi do Sở Giáo dục - Ðào tạo chủ trì, phối hợp cùng Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh và Trường cao đẳng Sư phạm để vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa cung cấp kết quả xét tuyển sinh đại học; cao đẳng, trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy. Cụm thi có 16 điểm thi, trong đó 15 điểm dành cho thí sinh diện đang học được bố trí tại trung tâm các huyện và thành phố, 1 điểm dành cho thí sinh tự do được bố trí tại Trường THPT Lê Quý Ðôn (TP.Tây Ninh).
Qua 4 lần khảo sát, kiểm tra, các địa điểm đặt điểm thi đều đáp ứng được về quy mô, cự li di chuyển của thí sinh. Khu vực thi bảo đảm an ninh (tường rào cách ly triệt để, phòng thi bảo đảm đủ bàn ghế, khoảng cách giữa các thí sinh, ánh sáng, chống mưa, dột và vệ sinh…) theo đúng chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Ðào tạo.
Ngoài ra, việc bảo đảm an ninh, trật tự, phòng chống tiêu cực cũng được Hội đồng coi thi phối hợp với Công an tỉnh lên phương án bảo vệ bảo đảm cho kỳ thi an toàn, nghiêm túc. Việc lên phương án bố trí phòng thi, xếp số báo danh… được tiến hành theo nhóm môn đăng ký dự thi của thí sinh, và thực hiện bằng phần mềm quản lý thi của Bộ Giáo dục và Ðào tạo.
Ðể công tác tổ chức được thực hiện tốt, Sở Giáo dục và Ðào tạo đã tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý các đơn vị; tập huấn cho các phó trưởng điểm thi phụ trách cơ sở vật chất; tập huấn nghiệp vụ thi cho lãnh đạo điểm thi và thư ký...
Hội đồng thi còn phát hành 1.200 bộ cẩm nang nghiệp vụ coi thi (do Cục Quản lý chất lượng biên soạn) cho từng thành viên làm công tác thi (lãnh đạo, thư ký, cán bộ coi thi, giám sát, nhân viên bảo vệ, phục vụ) để các thành viên đều nắm vững, nắm rõ quy trình, thực thi nhiệm vụ một cách nghiêm túc.
Ngày 22.5, đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi quốc gia do ông Sái Công Hồng làm trưởng đoàn đã đến Tây Ninh để kiểm tra toàn bộ quá trình chuẩn bị và phương án tổ chức kỳ thi. Ðoàn kiểm tra đã ghi nhận sự chuẩn bị tích cực và phương án tổ chức thi của tỉnh Tây Ninh là an toàn, đúng quy chế.
Ðối với công tác vận chuyển, bảo mật đề thi, Ban Chỉ đạo cho biết, việc tiếp nhận và vận chuyển đề thi gốc được thực hiện theo đúng thành phần quy định. Việc tiếp nhận, bàn giao cho ban in sao đề thi được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định và có biên bản tiếp nhận, biên bản bàn giao cụ thể.
Riêng bộ đề thi dự bị được chuyển trả cho Cục Quản lý chất lượng theo quy định vào ngày 9.7.2018. Quá trình tiếp nhận, vận chuyển, bàn giao cho ban in sao đều bảo đảm an toàn, bảo mật theo đúng quy định.
Việc bàn giao toàn bộ đề thi cho các điểm thi được thực hiện tại Hội đồng thi vào 14 giờ, ngày 24.6. Thành phần tiếp nhận là trưởng điểm thi, thư ký và 2 cán bộ an ninh được phân công làm nhiệm vụ của điểm thi. Phương tiện vận chuyển về điểm thi là các xe chuyên dụng do các địa phương có đặt điểm thi huy động, việc bàn giao đề thi được lập biên bản chi tiết cụ thể.
Công tác bảo quản, bảo mật đề thi, bài thi ở các điểm thi được thực hiện theo đúng quy định: Có phòng riêng, tủ đựng có khoá chắc chắn, có cán bộ an ninh trực bảo vệ 24/24. Quy trình mở niêm phong, niêm phong được thực hiện nghiêm túc đủ các thành phần, gồm trưởng điểm thi, phó trưởng điểm thi (người của trường đại học) và cán bộ an ninh.
Ðối với công tác in sao đề thi, ban in sao đề thi do một phó giám đốc Sở đồng thời là phó chủ tịch Hội đồng thi làm trưởng ban.
Ban in sao có 26 thành viên, bao gồm 14 cán bộ in sao (vòng 1), 2 cán bộ an ninh (vòng 2), 1 giám sát của trường đại học (vòng 2), 1 giám sát của thanh tra sở (vòng 2), 2 chiến sĩ cảnh sát (vòng 3), 1 cán bộ y tế (vòng 3) và 5 nhân viên phục vụ khu vực in sao được bố trí ở khu vực bảo đảm cách ly 3 vòng triệt để.
Trước khi bàn giao cơ sở vật chất cho ban in sao đề thi, Hội đồng thi tổ chức kiểm tra rà soát các thiết bị phục vụ in sao bảo đảm vận hành tốt và không kết nối mạng.
Ban in sao đề thi phân công trách nhiệm từng thành viên, xếp lịch công tác và ghi nhận diễn tiến in sao bằng sổ nhật ký. Quy trình in sao được thực hiện bảo đảm các khâu, gồm chuẩn bị bao bì, nhãn ghi theo môn (có quy định theo màu), rà soát đề thi gốc trước khi in sao, kiểm tra bản đầu in sao, tiến hành in sao theo từng môn thi, kiểm tra số lượng, đóng túi, niêm phong.
Trong suốt quá trình in sao, tổ chức thi, ban in sao đề thi đã thực hiện công tác bảo mật đề thi, thực hiện cách ly triệt để đúng theo quy định. Việc bàn giao đề thi cho Chủ tịch Hội đồng thi được lập biên bản chi tiết, cụ thể.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, đề thi được bảo quản nghiêm ngặt, bàn giao chặt chẽ từ khi tiếp nhận đề thi gốc cho đến khi kết thúc coi thi không lộ, lọt và được in sao chính xác, đúng, đủ số lượng, không có sai sót nào xảy ra.
Xác định khâu coi thi là khâu quan trọng nhất của diễn tiến kỳ thi, Hội đồng thi đã tập huấn cho toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên học tập quy chế thi, tổ chức hội nghị tập huấn công tác thi cho cán bộ lãnh đạo các đơn vị, tập huấn nghiệp vụ coi thi cho toàn bộ lãnh đạo và thư ký của các điểm thi. Ngày 24.6.2018, các điểm thi cho các thành viên làm nhiệm vụ coi thi, thí sinh dự thi học tập lại quy chế để nắm vững nghiệp vụ, quy định khi làm nhiệm vụ, dự thi.
Việc bố trí phân công cán bộ coi thi được các điểm thi thực hiện nghiêm túc theo quy định. Cuối mỗi buổi thi, các điểm thi có tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm. Các khâu bốc thăm phân công, đánh số báo danh, lập sơ đồ chỗ ngồi, phát đề, thu bài đều được lập và lưu giữ bằng biểu mẫu, biên bản chi tiết cụ thể.
Việc tổ chức thanh tra, kiểm tra coi thi, ngoài các tổ thanh tra được cắm chốt tại các điểm thi, Ban Chỉ đạo thi, Hội đồng thi còn thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện quy chế, kiểm tra việc bảo quản đề thi, bài thi.
Hội đồng thi còn thành lập tổ trực thi để kịp thời nắm bắt thông tin, báo cáo diễn tiến coi thi ở các buổi thi cho Ban Chỉ đạo thi quốc gia, Ban Chỉ đạo thi của tỉnh chính xác, kịp thời theo quy định. Kết quả, trong suốt thời gian tổ chức thi không có cán bộ coi thi, thí sinh nào vi phạm quy chế, công tác coi thi được tiến hành an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Việc tiếp nhận bài thi từ các điểm thi chuyển về, báo cáo của Ban Chỉ đạo thông tin,16 giờ 30, ngày 26.6, tổ tiếp nhận bài thi đã nhận toàn bộ bài thi và hồ sơ của điểm thi THPT Tây Ninh và điểm thi THPT Nguyễn Trãi (2 điểm thi này không có thí sinh thi bài thi KHXH).
Các thùng đựng bài thi (còn nguyên niêm phong) và hồ sơ thi được bảo quản tại phòng chứa bài thi của ban chấm thi (đặt tại Trường THPT Tây Ninh). Tại đây, thành viên ban thư ký hội đồng thi cùng cán bộ công an trực bảo vệ 24/24.
Tiếp theo, 11 giờ ngày 27.6.2018, tổ tiếp nhận bài thi tiếp tục nhận bài thi và hồ sơ thi của 14 điểm thi còn lại tại ban chấm thi. Ngay sau đó, ban thư ký Hội đồng thi bàn giao toàn bộ bài thi tự luận (còn nguyên niêm phong) cho ban làm phách bài thi.
Các thùng chứa bài thi các môn trắc nghiệm (còn nguyên niêm phong) được bảo quản tại các tủ chứa bài thi trắc nghiệm. Phòng chứa bài thi trắc nghiệm được niêm phong và phân công cán bộ công an trực bảo vệ 24/24.
Ban làm phách bài thi do một phó chủ tịch Hội đồng thi (là phó giám đốc Sở) làm trưởng ban với 24 thành viên, chia thành 2 tổ, tiến hành đánh phách 2 vòng độc lập theo đúng hướng dẫn của Bộ. Khu vực làm phách và các thành viên làm phách được cách ly triệt để trong suốt thời gian làm phách.
Máy tính và các đầu phách được niêm phong, lưu giữ bảo quản nghiêm ngặt. Việc mở niêm phong các túi bài thi đều được kiểm tra niêm phong và đối chiếu chữ ký của phó trưởng điểm thi.
Việc chuyển giao bài thi đã đánh phách cho ban thư ký được thực hiện đúng quy định (bảo đảm mỗi bên có 2 thành viên) và có ghi nhận bằng biên bản cụ thể. Trong suốt quá trình làm phách, chuyển giao bài thi đã làm phách cho ban thư ký hội đồng thi không xảy ra sai sót nào.
Ban chấm thi do Chủ tịch Hội đồng thi làm trưởng ban, với 136 thành viên tham gia, trong đó, tổ xử lý bài thi trắc nghiệm 12 người, chấm tự luận 80 người. Ban chấm thi làm việc từ ngày 27.6 và kết thúc ngày 11.7.
Ban có lịch làm việc, có bảng phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong ban lãnh đạo, đồng thời có văn bản hướng dẫn quy trình chấm thi cụ thể, có nội quy, có hướng dẫn nhiệm vụ của trưởng môn chấm thi.
Quy trình chấm thi được thực hiện như sau
Ðối với chấm tự luận, ban chấm thi thành lập 2 tổ chấm, bảo đảm cán bộ chấm thi không chấm bài thi của đơn vị mình. Mỗi tổ chấm có 2 phòng chấm riêng biệt để phục vụ cho việc chấm 2 vòng độc lập.
Trước khi triển khai hướng dẫn chấm thi, đáp án, biểu điểm, ban chấm thi đã tổ chức họp giữa phó trưởng ban chấm Ngữ văn và các trưởng, phó môn chấm thi để nghiên cứu đề thi, hướng dẫn chấm thi, định hướng các tình huống chấm thi. Trước khi chấm thi, ban đã hướng dẫn cho toàn bộ cán bộ chấm thi, cán bộ chấm kiểm tra, cán bộ thanh tra, đồng thời thực hiện chấm chung 10 bài để quán triệt và thống nhất cách chấm.
Trong suốt quá trình chấm thi, số lượng bài thi chấm vòng 3 tuy có nhưng không đáng kể. Ban thư ký Hội đồng thi lập 4 tổ nhập điểm đối với các bài thi đã chấm thống nhất bằng phần mềm quản lý thi của Bộ Giáo dục và Ðào tạo.
Việc nhập điểm được căn cứ vào phiếu thống nhất điểm của cặp chấm, sau khi nhập hoàn tất, tổ nhập điểm kiểm dò ngay giữa phiếu thống nhất và kết quả nhập được in từ phần mềm. Dữ liệu đã nhập xong được ghép vào máy trung tâm của ban chấm thi, máy chấm trung tâm được bảo quản, lưu giữ, niêm phong nghiêm ngặt.
Sau khi hoàn tất chấm thi, ban chấm thi khớp phách 100% bài thi, tổ chức kiểm dò điểm bài thi trên bài thi và bảng ghi điểm nhằm tránh sai sót đến mức tuyệt đối, trong quá trình kiểm dò không phát hiện sai sót nào.
Ðể bảo đảm tính chính xác, sự khách quan và đúng quy chế, trưởng ban chấm thi phân công một cán bộ của Trường đại học Công nghiệp thực phẩm làm tổ trưởng trực tiếp điều hành công tác chấm kiểm tra của ban chấm thi.
Kết quả, tổ đã chấm kiểm tra 453 bài thi, số bài chênh lệch giữa chấm kiểm tra và chấm đại trà là 6 bài, chênh lệch lớn nhất 0,5 điểm (5 bài lệch lên và 1 bài lệch xuống). Tổ chấm kiểm tra đã báo cáo trưởng ban chấm thi để định hướng và có giải pháp khắc phục.
Ðối với chấm trắc nghiệm, để bảo đảm sự trung thực, khách quan, minh bạch, Hội đồng thi đã phân công phó trưởng ban chấm thi, là cán bộ của Trường đại học Công nghiệp thực phẩm làm tổ phó trực tiếp điều hành chấm, xử lý bài thi trắc nghiệm.
Phòng lưu trữ và xử lý bài thi trắc nghiệm được bố trí biệt lập. việc mở niêm phong, niêm phong, thực hiện quy trình xử lý đều bảo đảm đủ các thành phần công an, thanh tra, giám sát và các thành viên tổ xử lý bài thi trắc nghiệm.
Trước khi chấm, tổ xử lý bài thi trắc nghiệm được trưởng ban chấm thi trực tiếp điều hành họp và phân công trách nhiệm từng thành viên, sinh hoạt nội quy, quy trình chấm trắc nghiệm, bảo đảm tuyệt đối quy định khi làm việc, mở bài thi, thao tác trên máy chấm.
Công đoạn quét bài thi được thực hiện trên 2 máy scanner tốc độ cao. Quy trình thực hiện như sau: các nhóm mở niêm (có kiểm tra đối chiếu chữ ký niêm của phó trưởng điểm thi) và quét từng túi bài thi; quét xong túi nào niêm phong ngay túi đó và niêm cất vào tủ chứa bài thi đã quét (có niêm phong sau buổi quét).
Sau khi quét bài, định dạng (file thô, chưa xử lý), tổ xử lý bài thi trắc nghiệm ghi, niêm phong thành 2 đĩa CD1 (1 gửi Cục Quản lý chất lượng và 1 được trưởng ban chấm thi lưu giữ, bảo quản). Ban chấm thi báo cáo Ban Chỉ đạo thi quốc gia và khi được phép mới chuyển sang công đoạn tiếp theo.
Tại công đoạn sửa lỗi bài thi (tô nhầm mã đề, tô nhầm số báo danh, báo lỗi tô sai phương án...), mọi thao tác đều được thanh tra, công an, giám sát và các thành viên tổ xử lý theo dõi chặt chẽ và quan sát bài thi trên màn hình 42 inches.
Khi xong công đoạn này, ban chấm thi tiếp tục báo cáo Ban Chỉ đạo thi quốc gia, và khi được phép mới chuyển sang công đoạn cuối cùng là áp đáp án từ đĩa CD do Bộ gửi vào, xuất kết quả. Kết quả được ghi, niêm phong thành 2 đĩa (1 gửi Cục Quản lý chất lượng và 1 được trưởng ban chấm thi lưu giữ, bảo quản).
Sau khi có sự đồng ý của Cục Quản lý chất lượng, ban chấm thi ghép điểm và tổ chức in bảng biểu, tổ chức kiểm dò lần cuối trước khi thông báo kết quả. Việc công bố kết quả được thực hiện vào 7 giờ ngày 11.7 trên Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh, Cổng thông tin Sở Giáo dục và Ðào tạo và các trang web của các trường THPT, TT GDNN-GDTX trong tỉnh, đồng thời niêm yết bằng danh sách tại các trường THPT, TT GDNN - GDTX.
Trong suốt quá trình chấm thi, ngoài thanh tra chấm thi của Sở Giáo dục và Ðào tạo thực hiện theo quy định, ban chấm thi còn có 2 thanh tra do Bộ Giáo dục và Ðào tạo điều động từ Trường đại học Mở TP. HCM đến thanh tra, giám sát toàn bộ hoạt động của ban chấm thi.
Ðồng thời, Bộ Giáo dục và Ðào tạo cử 2 cán bộ thanh tra đến thanh tra quy trình chấm thi, quy trình làm phách bài thi. Ghi nhận ý kiến của các đoàn thanh tra: không có sai sót trong quá trình thực hiện chấm thi và ban chấm thi thực hiện đầy đủ các khâu theo quy định bảo đảm an toàn, nghiêm túc và khách quan, đúng quy chế.
Về việc tổ chức phúc khảo, ban phúc khảo bài thi đã chấm phúc khảo 104 bài thi Ngữ văn (tự luận) và 372 bài thi các môn trắc nghiệm. Kết quả, đối với các bài thi trắc nghiệm, không thay đổi kết quả.
Ðối với bài thi Ngữ văn, có 3 trường hợp thay đổi điểm (0,25 điểm), trong đó 2 thí sinh đang học có thay đổi điểm nhưng vẫn rớt tốt nghiệp và 1 thí sinh tự do có thay đổi điểm được Hội đồng thi cấp lại giấy chứng nhận kết quả thi phù hợp với điểm mới của thí sinh.
Như vậy, toàn bộ các khâu từ việc chuẩn bị đến kết thúc kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, Hội đồng thi Sở Giáo dục và Ðào tạo Tây Ninh đã thực hiện đầy đủ các quy định với tinh thần trách nhiệm cao.
Các khâu quan trọng như chấm kiểm tra, xử lý bài thi trắc nghiệm, Hội đồng thi đều phân công cán bộ của trường đại học trực tiếp điều hành, bảo đảm tính khách quan, minh bạch. Công tác an toàn, bảo mật, bảo quản được quan tâm hàng đầu,việc thực thi nhiệm vụ có sự giám sát chặt chẽ của công an, thanh tra, giám sát.
Toàn bộ quy trình tổ chức thực hiện đều bảo đảm có sự giám sát chặt chẽ của Trường đại học Công nghiệp thực phẩm, Trường cao đẳng Sư phạm. Mỗi công đoạn đều có phân công trách nhiệm cụ thể, có nội quy thực hiện, lịch làm việc và hướng dẫn quy trình chi tiết nhằm phòng tránh các sai sót, tiêu cực trong kỳ thi. Tính đến thời điểm này, Hội đồng thi đã hoàn thành nhiệm vụ và không phát hiện bất kỳ sai sót, hạn chế, tiêu cực xảy ra ở các khâu.
VIỆT ÐÔNG