Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tây Ninh: Kinh tế phục hồi và phát triển mạnh
Thứ năm: 21:47 ngày 08/12/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Theo kết luận của UBND tỉnh về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, Kế hoạch đầu tư công năm 2022 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 của tỉnh có nhiều khởi sắc, phục hồi tích cực sau dịch Covid-19 và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Mô hình trang trại gà khép kín phát triển mạnh và cho hiệu quả cao tại Tây Ninh. Ảnh minh hoạ

Lần đầu tiên, tổng thu ngân sách tỉnh đạt gần 12.000 tỷ đồng

Cụ thể, năm 2022 là năm đầu tiên sau nhiều năm, 100% các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều vượt so với Nghị quyết của Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh đề ra. 19/19 chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch gồm: 9 chỉ tiêu kinh tế, 7 chỉ tiêu văn hoá - xã hội và 3 chỉ tiêu môi trường.

Kinh tế phục hồi và phát triển mạnh, đạt kết quả tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực. Tổng sản phẩm trong tỉnh tăng 8,84% so với cùng kỳ (kế hoạch năm 2022 tăng 6,5% trở lên). GRDP bình quân đầu người ước đạt 3.700 USD (kế hoạch năm 2022 là 3.500 USD)- cao hơn mức bình quân chung cả nước.

 Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 16,1% so với cùng kỳ; sản xuất nông nghiệp ổn định; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu các ngành dịch vụ tăng 25,5% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt cao nhất từ trước đến nay (6,4 tỷ USD), tăng 25,9% so với cùng kỳ, vượt ngưỡng 5,5 tỷ USD của những năm trước.

 Tổng doanh thu du lịch ước đạt 1.400 tỷ đồng (tăng 130% so với cùng kỳ). Tỉnh đón hơn 4,5 triệu lượt khách tham quan tại các khu, điểm du lịch (tăng 200% so với cùng kỳ)- là 1 trong 5 điểm thu hút lượng lớn khách du lịch cả nước.

Tổng thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện đạt 11.725 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ. Tỉnh hoàn thành thu ngân sách trước thời gian quy định 2 tháng, với tổng thu ngân sách lần đầu tiên vượt trên ngưỡng 11.000 tỷ đồng và đạt gần 12.000 tỷ đồng. 9/9 huyện, thị xã, thành phố đạt và vượt chỉ tiêu thu ngân sách trước thời hạn (trong đó có địa phương 6 tháng đầu năm đã hoàn thành, có địa phương vượt hơn 100% kế hoạch ngay trong 6 tháng đầu năm).

Công tác giải ngân vốn đầu tư công được chỉ đạo quyết liệt, tỷ lệ giải ngân đạt khá cao, nằm trong tốp đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân vốn Chính phủ giao đạt cao (trên 96%).

 Văn hoá - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, duy trì nằm trong tốp đầu các tỉnh, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước. Tai nạn giao thông tiếp tục được kéo giảm trên cả 3 tiêu chí.

Tỉnh cũng thực hiện tốt công tác đối ngoại, tổ chức thành công họp mặt hữu nghị với các tỉnh Campuchia giáp biên nhân kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia.

Vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế

Theo UBND tỉnh, kinh tế tuy tăng trưởng khá cao, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phục hồi ngoạn mục nhưng nhìn chung chưa vững chắc và còn nhiều khó khăn, nhất là các doanh nghiệp FDI đang phải đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng xuất khẩu, giảm quy mô sản xuất, tiết giảm lao động...

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp đạt kết quả chưa nhiều. Một số công trình trọng điểm tiến độ triển khai chậm. Khó khăn vướng mắc về bồi thường, giải phóng mặt bằng một số dự án tháo gỡ chưa kịp thời. Nguồn lực về đất đai chưa được đẩy mạnh khai thác. Việc sắp xếp xử lý nhà đất theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP còn chậm.

Phương án sắp xếp đất các công ty nông nghiệp một số địa phương được triển khai chậm, kết quả còn hạn chế. Đột phá chiến lược về nông nghiệp, cải cách hành chính chuyển biến chậm, kết quả thấp. Giải ngân vốn đầu tư công tuy nằm trong nhóm các địa phương có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước nhưng vẫn chưa đạt kế hoạch; giải ngân vốn ODA còn thấp.

Cải cách hành chính, chuyển đổi số chưa đột phá mạnh và toàn diện. Quản lý nhà nước một số lĩnh vực còn hạn chế, nhất là trong lĩnh vực đất đai, môi trường, đầu tư, xây dựng, y tế… Tình trạng thiếu thuốc, thiếu cán bộ y tế, thiếu giáo viên mầm non chậm được khắc phục. Tội phạm ma tuý, buôn lậu, cho vay nặng lãi… có lúc, có nơi diễn biến phức tạp.

UBND tỉnh phân tích một số nguyên nhân chính dẫn đến các tồn tại, hạn chế như: đại dịch Covid-19 kéo dài làm ảnh hưởng lớn đến sự phục hồi kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế và đời sống nhân dân. Lạm phát, giá xăng dầu, vật tư tăng cao, ảnh hưởng đến sản xuất, xây dựng cơ bản và các mặt của đời sống xã hội. Một số chính sách pháp luật về đất đai, đầu tư, quy hoạch, xây dựng chưa tương thích, chưa rõ ràng, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện, ảnh hưởng đến môi trường thu hút đầu tư.

Năng lượng sạch- thế mạnh của Tây Ninh. Ảnh minh hoạ

Doanh nghiệp FDI đang trong giai đoạn tái cơ cấu đầu tư sau đại dịch nên đầu tư nước ngoài giảm. Tỉnh đang trong giai đoạn tạo lập cơ sở pháp lý (xây dựng quy hoạch tỉnh) nên công tác xúc tiến và thu hút đầu tư chưa được đẩy mạnh. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn, chậm tháo gỡ, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư.

Một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa thể hiện quyết tâm, trách nhiệm cao vì sự phát triển chung, còn tâm lý sợ rủi ro, sợ trách nhiệm, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, cải cách hành chính và môi trường đầu tư.

Tính kỷ luật, kỷ cương công vụ ở một số nơi chưa nghiêm. Việc triển khai nhiều văn bản, đề án được giao chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng chưa đạt yêu cầu. Trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ, tinh thần phục vụ, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa cao, chưa làm hết trách nhiệm; còn thụ động, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào cấp trên. Công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chưa được quan tâm đúng mức; việc phát hiện vi phạm, xác định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm chưa kịp thời.

Nhiệm vụ trọng tâm năm 2023

UBND tỉnh đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023, trong đó tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ, của Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 với quyết tâm và trách nhiệm cao nhất ngay từ những ngày đầu năm. Tiếp tục triển khai đồng bộ và quyết liệt các chính sách hỗ trợ phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30.1.2022 của Chính phủ.

Tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 mũi tăng cường cho người dân.

Triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hoàn thành đề án điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài và Xa Mát.

Tỉnh cũng tiếp tục thực hiện đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược đã đề ra: Chủ động phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông Vận tải thúc đẩy dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài; cao tốc Gò Dầu - Xa Mát (giai đoạn 1); đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hoà.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án: Trung tâm logistics, cảng cạn và cảng tổng hợp Hưng Thuận; cảng cạn Mộc Bài; cảng cạn Thanh Phước; Khu đô thị 49 ha Ninh Thạnh; hạ tầng cửa khẩu quốc tế Tân Nam (quốc môn, trạm kiểm soát liên hợp).

Triển khai các dự án đầu tư: Khu tham quan chuyên đề, nghỉ dưỡng núi Bà Đen, khu đô thị phục vụ Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, giai đoạn 3 khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Phước Đông - Bời Lời; Khu công nghiệp Hiệp Thạnh.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số gắn với thúc đẩy cải cách hành chính. Thực hiện có hiệu quả Đề án cải thiện điểm số và nâng cao vị trí xếp hạng đối với các Chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX, SIPAS và ICT INDEX trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2025. Tập trung cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), xây dựng môi trường đầu tư thân thiện, minh bạch, chuyên nghiệp, cạnh tranh; tập trung rà soát, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

An Khang

Tin cùng chuyên mục