Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 29.10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan, địa phương về tình hình thực hiện, giải ngân các chương trình, dự án ODA, vốn ưu đãi nước ngoài. Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tại các đầu cầu truyền hình trực tuyến.
Dự hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh có ông Võ Đức Trong – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Dương Văn Thắng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Huỳnh Thanh Phương – Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài đến ngày 31.10.2020 ước đạt 18.089 tỷ đồng, bằng 30,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó, số vốn giải ngân của các bộ, cơ quan trung ương là 5.824 tỷ đồng – đạt tỷ lệ 27,07% so với dự toán được giao; số vốn giải ngân của các địa phương là 12.265 tỷ đồng – đạt tỷ lệ 31,87% so với dự toán được giao.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, ước đến ngày 31.10, phần lớn các bộ, ngành Trung ương có mức giải ngân thấp, Bộ Giao thông vận tải có mức giải ngân cao nhất với tỷ lệ 44,8%. Các địa phương có mức giải ngân khá gồm: Tây Ninh (91,74%), Bình Định (73,26%), Cao Bằng (62,58%), Hà Nam (61,64%), Bắc Kạn (60,66%), Lai Châu (60,61%), Khánh Hòa (53,89%), Kiên Giang (52,82%), Hải Phòng (52,71%), Sóc Trăng (52,37%), Điện Biên (51,55%).
Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh tham dự phiên họp trực tuyến của Chính phủ.
Trong 10 tháng đầu năm 2020, tình hình thực hiện và giải ngân nguồn vốn nước ngoài đã có những chuyển biển tích cực. Mức giải ngân vốn nước ngoài đã tăng từ 21,26% trong 8 tháng lên 30,15% trong 10 tháng, cao hơn cùng kỳ của năm 2019. Nếu tính thêm số kế hoạch 2020 đã điều chỉnh theo Quyết định số 1638/QĐ-TTg ngày 23.10.2020 của Thủ tướng Chính phủ thì mức giải ngân này đạt trên 35%.
Do hầu hết hoạt động của các dự án ODA, vốn vay ưu đãi gắn với yếu tố nước ngoài nên tiến độ thực hiện các dự án này chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát…
Bên cạnh đó, việc thực hiện, giải ngân các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài gặp một số khó khăn, vướng mắc như: công tác chuẩn bị đầu tư, thiết kế dự án không bảo đảm yêu cầu; công tác lập, giao, phân bổ và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công nguồn vốn ODA còn chậm, chưa sát với tiến độ thực hiện và nhu cầu của các dự án; vướng mắc về quy trình, thủ tục như: khó khăn trong việc xác định chi đầu tư và chi thường xuyên sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài; quy trình, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư phức tạp.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành phải tiếp tục hoàn chỉnh khung pháp lý; Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp để làm rõ lộ trình, cách làm ODA thuận lợi, bài bản hơn, thống nhất hơn, từ đó, lập kế hoạch ODA trung hạn 5 năm.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020 để nâng cao tinh thần, thái độ, năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là người ở vị trí thực thi chính sách; chấm dứt tình trạng trì trệ, sợ trách nhiệm, tâm lý “nhiệm kỳ”, quan liêu, nhũng nhiễu. Đi cùng với đó là phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án, để lãnh đạo các cấp trực tiếp đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tập trung xử lý dứt điểm những tồn tại, vướng mắc.
Các ngành, các bộ, địa phương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ trong việc bố trí đủ nguồn vốn đối ứng cho các chương trình, dự án ODA trong năm nay, trong đó cả việc tìm các nguồn hợp pháp để cân đối. Thủ tướng yêu cầu sau cuộc họp này, từng tỉnh, thành phố, từng bộ họp, rà soát lại để làm rõ trách nhiệm, tháo gỡ khó khăn của từng dự án.
Trúc Ly