Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam lần 3 năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã và đang diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi. Không chỉ giới thiệu, đưa sách đến gần hơn với mọi người, các hoạt động này còn góp phần lan toả, phát triển văn hoá đọc tại địa phương.
Các em học sinh Trường tiểu học Thị trấn Bến Cầu hào hứng tham gia trò chơi đố vui có thưởng.
Mang sách đến với trẻ em vùng biên
Nhằm phát huy giá trị của sách và văn hoá đọc trong hệ thống cơ sở giáo dục và đào tạo, Thư viện tỉnh Tây Ninh đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, góp phần xây dựng đời sống văn hoá tinh thần, phát huy những giá trị đạo đức, truyền thống hiếu học của dân tộc.
Ngày 19.4 vừa qua, tại trường Tiểu học thị trấn Bến Cầu, Thư viện tỉnh phối hợp với Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thanh huyện Bến Cầu tổ chức “Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam”.
Tại chương trình, các em học sinh được nghe toạ đàm về sách, lợi ích của việc đọc sách, giúp các bạn nhỏ hiểu biết sâu sắc hơn về những tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh, qua đó có thể học tập và làm theo, góp phần lan toả tình yêu sách và văn hoá đọc trong toàn xã hội.
Ngoài ra, các em còn được bổ sung kiến thức thông qua câu hỏi đố vui từ chương trình và nhận về những phần quà ý nghĩa.
Diễn giả giới thiệu sách giao lưu cùng các em học sinh.
Ngày hội còn lồng ghép cuộc thi thiết kế bìa sách. Tham gia cuộc thi, các đội tự do sáng tạo thiết kế, bìa sách phải bảo đảm được các yếu tố bao gồm tên sách, tên tác giả, nhà xuất bản và năm xuất bản. Hội thi diễn ra trong không khí sôi nổi và vui tươi. Thông qua hội thi, các em được luyện tập tinh thần đồng đội, phối hợp nhịp nhàng, cùng nhau hoàn thành tốt tác phẩm của mình.
Em Nguyễn Minh Thy, học sinh lớp 5B, trường Tiểu học thị trấn Bến Cầu chia sẻ: “Hoạt động lần này giúp em có cơ hội tiếp cận với nhiều đầu sách hay, bổ ích, phù hợp với lứa tuổi, như kiến thức về khoa học, địa lý, đặc biệt là lịch sử hào hùng của dân tộc ta”.
Em Huỳnh Ngọc Minh Thư, học sinh trường Tiểu học Thị trấn Bến Cầu cảm nhận: “Em thấy chương trình rất thú vị, trong mỗi cuốn sách có những câu truyện hay, giúp học sinh học hỏi nhiều điều. Trong thời gian tới, em hy vọng có nhiều chương trình như vậy, để chúng em được đọc nhiều cuốn sách hay hơn nữa”.
Lan toả văn hoá đọc từ những hoạt động thiết thực
Tại Thư viện tỉnh, hằng tháng sẽ trưng bày sách theo chủ đề, chủ điểm các ngày lễ lớn trong năm. Trong tháng 4, tủ sách trưng bày nhiều đầu sách với nội dung phong phú, như: tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; sách của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước và của tỉnh; giới thiệu những nét đẹp về văn hoá, con người các dân tộc trong tỉnh; các loại sách phục vụ công tác dạy và học trong các nhà trường, truyện tranh thiếu nhi… phục vụ nhu cầu của mọi tầng lớp Nhân dân.
Bên cạnh đó, Thư viện tỉnh còn thực hiện nhiều hoạt động như phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh, tuyên truyền giới thiệu sách về quê hương Tây Ninh thông qua chương trình Audio “Kết nối tri thức”, phát trên kênh FM 103,1MHZ. Tăng cường chia sẻ, khai thác, sử dụng nguồn sách điện tử, tài nguyên số của Thư viện tỉnh cho thư viện cấp huyện để phục vụ bạn đọc khai thác sử dụng trực tuyến thông qua các hạ tầng mạng (trang thông tin điện tử, Zalo, Facebook…).
Học sinh tham gia phần thi thiết kế bìa sách.
Tiếp tục luân chuyển sách, báo cho tủ sách cơ sở, các đồn biên phòng, chốt dân quân. Đây là hoạt động thường niên, nhằm bổ sung các đầu sách, làm mới kho sách, góp phần đa dạng nguồn sách cho các đồn biên phòng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đọc sách, báo, học tập, giải trí, nâng cao kiến thức, đời sống văn hoá tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ.
Bà Phạm Thị Cẩm Nhung- Phó Giám đốc phụ trách Thư viện tỉnh cho biết: “Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam là sự kiện văn hoá ý nghĩa, tiếp nối truyền thống hiếu học, trọng tri thức. Các hoạt động của Thư viện tỉnh không chỉ đem lại không gian văn hóa thú vị, bổ ích cho người yêu sách, mà còn tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức, các thầy cô giáo, các em học sinh và người dân trên địa bàn tỉnh quan tâm hơn nữa đến văn hóa đọc, nâng cao tri thức, phục vụ công tác, học tập, nghiên cứu”.
Thời gian tới, các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam sẽ tiếp tục được quan tâm tổ chức thường xuyên, liên tục trong cả năm. Các chương trình, sinh hoạt chuyên đề, các cuộc thi… về sách và văn hoá đọc; hoạt động phục vụ sách lưu động, tặng sách, thư viện sách cũng được lồng ghép vào các đợt hoạt động tình nguyện cao điểm như Xuân tình nguyện, Tháng Thanh niên, Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè… để tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo, các học viện, trường đại học, cao đẳng sư phạm về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024.
Theo đó, Bộ đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục tập trung tổ chức chuỗi hoạt động Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam từ ngày 15.4 – 1.5, với các thông điệp: Sách hay cần bạn đọc; Sách quý tặng bạn; Tặng sách hay - Mua sách thật; Sách hay: Mắt đọc - Tai nghe.
Hoàng Yến