Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trong khuôn khổ đợt kiểm tra công tác phòng, chống dịch ở các tỉnh phía Nam, ngày 10.8, tại UBND tỉnh Tây Ninh, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid - 19 có buổi làm việc với lãnh đạo địa phương.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (thứ hai từ trái sang) kiểm tra Bệnh viện dã chiến số 1 tại Khu công nghiệp Thành Thành Công (thị xã Trảng Bàng).
Trước khi làm việc với lãnh đạo tỉnh, sáng 10.8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác Chính phủ đã thị sát, kiểm tra Bệnh viện dã chiến số 1 tại Khu công nghiệp Thành Thành Công (thị xã Trảng Bàng).
Toàn bộ hệ thống y tế, không phân biệt công hay tư, đều chung tay phòng chống dịch
Báo cáo với Phó Thủ tướng, ông Nguyễn Thanh Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh cho biết, trên địa bàn, huyện Dương Minh Châu và thị xã Trảng Bàng là hai địa phương tình hình dịch bệnh nặng hơn, nguy cơ cao hơn so với các huyện, thị, thành phố còn lại.
Số ca nhiễm hàng ngày ở Tây Ninh vẫn cao, bình quân hơn 100 ca mỗi ngày, tuy nhiên, biểu đồ biểu thị số bệnh nhân mắc Covid - 19 đang đi ngang, tức có dấu hiệu giảm dần.
Tây Ninh đã xây dựng được cấu trúc, phân tầng điều trị cho người bệnh. Tính đến ngày 10.8, Tây Ninh có hơn 1.000 ca nhiễm được điều trị khỏi nhưng cũng có 50 ca nhiễm Covid - 19 tử vong.
Tỉnh đã lên phương án điều trị, chuẩn bị cơ sở vật chất cho kịch bản có từ 5.000 - 10.000 ca nhiễm; đẩy mạnh nâng cao năng lực xét nghiệm, khoảng 2.000 mẫu đơn, 12.000 mẫu gộp mỗi ngày.
Toàn bộ hệ thống y tế, không phân biệt công hay tư, đều chung tay phòng chống dịch, kể cả cán bộ, nhân viên y tế đã nghỉ hưu. Tỉnh giao cho các địa phương chuẩn bị lương thực, thực phẩm để hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn vì đại dịch, đến thời điểm này chưa hộ dân nào bị thiếu đói.
Tây Ninh kiến nghị với lãnh đạo Chính phủ, Bộ Y tế thường xuyên cập nhật về xây dựng các tầng, tháp điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid - 19 phù hợp nhất, hiệu quả nhất. Một số ca nhiễm bệnh đang diễn tiến nhanh, có xu hướng nặng hơn, trong khi khả năng điều trị còn hạn chế, vì thế, Tây Ninh mong muốn Bộ Y tế, hội đồng chuyên môn có hướng dẫn, hỗ trợ công tác điều trị.
Việc áp dụng giãn cách, các quy định đi lại giữa các địa phương còn thiếu sự thống nhất, có dấu hiệu máy móc khiến cho việc bàn giao, tiếp nhận người dân di chuyển gặp khó khăn.
Có trường hợp “tiến thoái lưỡng nan” tức không về nhà được cũng không thể quay về chỗ ở trước đó. Hiện nay, Tây Ninh có một số ca nhiễm ngoài tỉnh đã cách ly xong, họ muốn về quê nhưng chưa biết đưa họ về bằng cách nào, vì các địa phương - nơi người cách ly có hộ khẩu chưa thật sự tạo điều kiện để đón công dân về.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc.
Việc thực hiện mô hình “ba tại chỗ” chỉ phù hợp với những doanh nghiệp có hạ tầng cơ sở tốt, tức nơi ở phải tốt, dạng như ký túc xá để cả gia đình công nhân vào sống trong đó. Những doanh nghiệp không đảm bảo được nơi ăn chốn ở cho cả gia đình công nhân, mô hình này chỉ kéo dài được một tháng.
Tây Ninh hiện có 158 cơ sở sản xuất đang áp dụng mô hình “ba tại chỗ” với hơn 22.000 lao động, khi giải toả phải đảm bảo an toàn, xét nghiệm, chia tách trước khi về địa phương.
Trong số công nhân vừa đề cập, có hàng ngàn người địa phương khác, vì vậy, sau khi bỏ hình thức “ba tại chỗ”, công nhân muốn về quê ngay. Tây Ninh thu xếp, bố trí xe đưa công nhân về nhưng nhiều tỉnh, thành bạn đang áp dụng Chỉ thị 16 nên không cho xe lưu thông qua địa bàn.
Từ thực tế đó, lãnh đạo UBND tỉnh kiến nghị cần có chính sách chung, tổng thể để giải quyết một số vấn đề nảy sinh. “Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng theo tinh thần “bốn tại chỗ”, Tây Ninh đang nỗ lực cao nhất để phòng chống dịch bệnh. Lúc nào tình hình quá căng thẳng, Tây Ninh sẽ báo cáo Trung ương xem xét hỗ trợ” - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc nói.
“Tây Ninh phải giữ cho được vùng xanh”
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đặt vấn đề: Sau khi hết đợt giãn cách thứ hai, Tây Ninh có tiếp tục kéo dài việc thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg không? Vì sao? Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, Tây Ninh đang thực hiện giãn cách xã hội đợt hai, người dân nghiêm chỉnh chấp hành.
Nhiều người dân buôn bán nhỏ, lao động thu nhập thấp, kể cả doanh nghiệp theo mô hình “ba tại chỗ” cũng đang gặp khó khăn trong sản xuất. Ông Nguyễn Thanh Ngọc cho biết thêm, cuối tuần này, tỉnh tổ chức họp để quyết định có tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 trên địa bàn nữa hay không.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (bìa trái) trao đổi với lãnh đạo tỉnh bên lề buổi làm việc .
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh báo cáo số ca F0, số máy thở đa chức năng. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc và bác sĩ Nguyễn Văn Cường – Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế, toàn tỉnh hiện có hơn 2.300 F0 và 20 máy thở đa chức năng.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Bùi Thế Duy-Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, thành viên đoàn công tác Chính phủ cho rằng, cần tạo không gian, môi trường tốt để đảm bảo sức khoẻ cho F0. “Tạo điều kiện cho F0 tập thể dục, nâng cao thể lực, tăng cường sức khoẻ sẽ giảm được tình trạng bệnh nặng lên. Khu vực này thường xuyên bố trí xe cấp cứu để nếu F0 nào có triệu chứng nặng chuyển đi ngay” - ông Duy khuyến cáo.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, tỉnh đã chống dịch bằng nỗ lực rất lớn. “Tôi đánh giá cao nỗ lực đó của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Tây Ninh” - Phó thủ tướng nói. Ông Vũ Đức Đam tán thành ý kiến của lãnh đạo tỉnh, rằng không thể nào kéo dài mãi việc áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg, mà áp dụng theo từng vùng.
Phó thủ tướng lưu ý, lãnh đạo địa phương cần linh hoạt, chủ động, Bộ Y tế không thể có chỉ đạo theo một công thức cho cả nước được. Chủng virus mới có đặc điểm lây cực nhanh, vì vậy cần giãn cách thật nghiêm.
“Tây Ninh phải giữ cho được vùng xanh” - Phó thủ tướng yêu cầu. Trong thời gian một tuần tới, Tây Ninh phải xác định, khoanh vùng thật rõ vùng nào xanh, vùng nào đỏ.
Về mô hình phân tầng điều trị, Phó thủ tướng đề nghị, tầng 1 - dành cho những người dương tính nhưng không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, ở tầng này không cần giãn cách giữa những người dương tính với nhau, vì họ đều đã nhiễm bệnh.
“Chỉ cần yêu cầu những người này nếu có triệu chứng, phải báo ngay cho y tế, còn lại tạo điều kiện cho những người này không khí, tinh thần thoải mái nhất” - Phó thủ tướng nói.
Phát biểu ý kiến với đoàn công tác của Chính phủ, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thành Tâm đề nghị Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của tỉnh tiếp thu chỉ đạo của Phó thủ tướng để thực hiện tốt hơn, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16.
Bí thư Tỉnh uỷ đề nghị Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của tỉnh xem xét giải quyết vấn đề ô-xy một cách linh hoạt hơn. Trong một hai ngày tới, sau khi đánh giá, rà soát tình hình kỹ lưỡng, lãnh đạo tỉnh sẽ họp và xem xét có tiếp tục giãn cách xã hội nữa hay không.
VIỆT ĐÔNG