Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tây Ninh: Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu chương trình mục tiêu quốc gia vào năm 2025
Thứ tư: 07:13 ngày 21/02/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sau 3 năm triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), tỉnh đã huy động được sự tham gia tích cực của người dân, góp phần làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn. Đời sống người dân được cải thiện, góp phần rút ngắn khoảng cách chênh lệnh giàu nghèo giữa các vùng, địa phương.

Thu  hoạch lúa ở xã Thành Long, huyện Châu Thành.

Dự kiến, đến cuối năm 2025, tỉnh sẽ hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đã đề ra.

Giai đoạn 2021-2025, Tây Ninh được phân bổ 2.983 tỷ đồng, gồm 480 tỷ đồng ngân sách Trung ương và 2.503 tỷ đồng ngân sách tỉnh. Trong đó, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới chiếm 98,7% vốn đầu tư công và 46,7% vốn sự nghiệp.

Riêng Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có mức đầu tư tương đối thấp, tỉnh không có đối tượng, địa bàn được ưu tiên đầu tư. Tuy nhiên, theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4.6.2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, xã Hoà Hiệp (huyện Tân Biên) là xã vùng I được thụ hưởng chương trình MTQG.

Đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ nghèo đa chiều từ 0,15%-0,2% theo kế hoạch; hoàn thành mục tiêu giảm nghèo đa chiều, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, bảo đảm thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo theo quy định. Hiện tại, tỉnh không có huyện nghèo theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15.3.2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Xã nông thôn mới nâng cao Trường Đông, thị xã Hoà Thành.

Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới có những đóng góp quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống của nhân dân vùng nông thôn từng bước được cải thiện, bảo đảm an sinh xã hội; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng khá; tỷ lệ hộ nghèo vùng nông thôn giảm đáng kể.

Một số chỉ tiêu khác liên quan đến dân sinh như: Tỷ lệ người dân tham gia BHYT, tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, nước hợp vệ sinh, tỷ lệ chất thải rắn được thu gom khu vực nông thôn… tăng đáng kể; hạ tầng giao thông, kết cấu hạ tầng xã hội, nhiều mô hình sản xuất tập trung được hình thành.

Các chính sách được triển khai đã tạo điều kiện, khuyến khích nhà đầu tư thực hiện các dự án sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cho sản phẩm nông nghiệp; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định; chính sách an sinh, phúc lợi xã hội được bảo đảm, kịp thời chăm lo cho đối tượng chính sách; cơ sở hạ tầng y tế, giáo dục, văn hoá tiếp tục được đầu tư xây dựng, cải tạo và nâng cấp bảo đảm đạt chuẩn theo quy định; môi trường nông thôn được cải thiện theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp.

Xã nông thôn mới nâng cao Trường Đông, thị xã Hoà Thành

Tính đến nay, toàn tỉnh có 61/71 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 17/71 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2/71 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người cả tỉnh là 54,2 triệu đồng/người/năm.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, kết quả giải ngân các dự án, tiểu dự án thuộc 3 chương trình MTQG còn khá thấp, chưa đồng đều; tiến độ hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới còn chậm, chưa thực sự bền vững; một số địa phương thiếu quyết liệt trong chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, vẫn còn tình trạng nợ tiêu chí, nợ đọng trong xây dựng cơ bản.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng có dấu hiệu xuống cấp, công tác duy trì kết quả bền vững ở một số xã sau khi hoàn thành nông thôn mới còn hạn chế.

Tâm Giang

Tin cùng chuyên mục