Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trong những tháng đầu năm 2024, UBND tỉnh Tây Ninh đã giao chi tiết toàn bộ kế hoạch vốn năm 2024 cho các dự án sử dụng vốn tỉnh quản lý và giao mức vốn hỗ trợ mục tiêu cho các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sở, ngành tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố chủ động triển khai thi công các dự án chuyển tiếp, phân khai chi tiết kế hoạch vốn cũng như tổ chức thực hiện các quy trình, thủ tục để triển khai các dự án mới.
Tính đến 30.11.2024, ước giải ngân trên địa bàn tỉnh là 3.091,96 tỷ đồng, đạt 74,07% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 72,74% kế hoạch HĐND tỉnh giao; Ước giải ngân đến hết ngày 31.1.2025 là 4.245,135 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 99,9% kế hoạch HĐND tỉnh giao.
Mặc dù đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, đôn đốc nhưng công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án trọng điểm của tỉnh còn chậm nên chỉ được giao bổ sung kế hoạch vốn năm 2024 trong quý II.2024.
Bên cạnh đó, năm 2024 có nhiều dự án lớn khởi công mới, đang thực hiện công tác thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, dự kiến đến quý III mới tổ chức lựa chọn nhà thầu và triển khai thi công các gói thầu xây dựng, dẫn đến việc giải ngân của các dự án trọng điểm sẽ dồn vào cuối năm, gây ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo định hướng của tỉnh.
Vai trò người đứng đầu tại một số đơn vị chưa được phát huy đầy đủ, năng lực lập kế hoạch chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án còn hạn chế; vướng mắc về giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; nhiều dự án gặp khó khăn trong quá trình tìm kiếm, khai thác vật liệu xây dựng; sự phối hợp giữa các cơ quan có trường hợp thiếu chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra chưa quyết liệt; việc xử lý các trường hợp chậm trễ, vi phạm quy định còn chưa kịp thời, nghiêm minh...
Định hướng mục tiêu đầu tư công năm 2025, tỉnh tập trung vốn đầu tư công để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, có tính chất kết nối và lan tỏa vùng, miền.
Tiếp tục ưu tiên các nguồn vốn đầu tư để đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng nhằm tạo đột phá thu hút nguồn vốn tư nhân trong và ngoài nước theo phương thức đối tác công - tư, đặc biệt là các dự án hạ tầng xã hội phục vụ cộng đồng, dân sinh như giao thông, y tế, giáo dục ....
Để phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu đầu tư công của địa phương là rất lớn, nhất là trong lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông.
Tuy nhiên, nguồn thu ngân sách địa phương còn thấp, khả năng huy động các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác ngoài ngân sách còn rất hạn chế, vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tranh thủ các nguồn lực từ NSTW, huy động các nguồn lực ngoài nhà nước nhất là thúc đẩy các dự án đầu tư theo hình thức PPP để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Để thực hiện yêu cầu, mục tiêu, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch năm 2025, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, sự chủ động, sáng tạo, hiệu quả trong tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành; phát huy hơn nữa vai trò của người đứng đầu và tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân, trong đó, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2025 được giao, bố trí đủ vốn theo tiến độ thực hiện cho dự án liên vùng, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội.
Tập trung giải quyết công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư kịp thời, đúng quy định cho người dân, bảo đảm đúng pháp luật và hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân.
Tăng cường quản lý hiệu lực, hiệu quả đất đai, nhất là nguồn gốc đất, quy hoạch sử dụng các loại đất..., hạn chế tối đa việc điều chỉnh phương án đền bù, bảo đảm tiến độ thực hiện.
Nhi Trần