Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tây Ninh sử dụng 160 ha đất để nhân giống mì sạch bệnh cung cấp cho nông dân
Thứ sáu: 09:53 ngày 30/11/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Vụ đông xuân 2018-2019 này, Tây Ninh sử dụng 160 ha đất công tại xã Tân Hội, huyện Tân Châu để triển khai mô hình sản xuất thử nghiệm giống khoai mì sạch bệnh, nhằm cung cấp nguồn giống cho người dân sản xuất.

Tây Ninh sản xuất thử nghiệm giống khoai mì sạch bệnh- Ảnh minh hoạ

Trước tình hình dịch bệnh khảm lá trên cây khoai mì lây lan trên 9/9 huyện và thành phố của tỉnh, trong khi lượng cây giống khoai mì sạch bệnh hầu như không có để cung cấp phục vụ nhu cầu sản xuất cho người dân, đồng thời, được Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống bệnh khảm lá khoai mì cho làm điểm và hỗ trợ giống mì sạch bệnh với kinh phí trên 1 tỷ đồng, vụ đông xuân 2018-2019 này tỉnh Tây Ninh quyết định sử dụng 160 ha đất công tại xã Tân Hội, huyện Tân Châu để triển khai mô hình sản xuất thử nghiệm giống khoai mì sạch bệnh, nhằm cung cấp nguồn giống cho người dân sản xuất.

Ông Võ Đức Trong - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, để bảo vệ vùng sản xuất giống cây khoai mì thật sự được sạch bệnh, đạt chất lượng cao, trong số diện tích đất khoảng 160 ha, tỉnh sẽ tổ chức sản xuất cây giống ở vùng lõi khoảng 100 ha, còn lại 60 ha xung quanh sẽ xây dựng vùng vành đai bảo vệ và thực hiện các biện pháp hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn loài bọ phấn trắng, tác nhân của bệnh khảm lá tấn công vào.

Theo ông Trong, hiện Trung tâm Khuyến nông của tỉnh đang liên hệ với Trung tâm Nông nghiệp Hưng Lộc (thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam) để nhập đủ số lượng cây mì KM94 (loại giống còn kháng được bệnh) về thực hiện mô hình nhân giống ngay trong vụ đông xuân 2018-2019 này, kịp thời cung cấp cho người dân sử dụng cho những vụ sau.

Tây Ninh là tỉnh có diện tích trồng cây khoai mì lớn nhất cả nước, đạt khoảng trên dưới 40.000 ha/năm, sử dụng 3 loại giống chủ lực là HLS11, KM419, KM94, nhưng hiện nay 2 loại giống HLS11, KM419 đã bị nhiễm bệnh khảm xoăn lá rất nặng, trong khi bệnh này chưa có thuốc để phòng trị.

Theo ghi nhận của Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh có khoảng 35.000 ha cây khoai mì bị nhiễm bệnh khảm xoắn lá, chiếm trên 95% diện tích trồng mì của tỉnh. Những diện tích bị nhiễm bệnh năng suất giảm từ 40%-60%, gây thiệt hại nặng nề đối với người sản xuất.

Lê Đức Hoảnh

Tin cùng chuyên mục