Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tây Ninh- Sự kiện lịch sử đầu năm 1946
Thứ ba: 23:53 ngày 27/09/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Năm 1946, các sự kiện chính được Lịch sử Đảng bộ tỉnh kể tới diễn ra trên đất Tây Ninh chính là: Bầu cử Quốc hội, ngày 6.1; Hội thề Rừng Rong của nhóm Thanh niên vũ trang Rừng Rong ở Trảng Bàng vào ngày 1.2.1946; các hoạt động của lực lượng vũ trang Tây Ninh trong đội hình khu 7…

Sách lịch sử LLVT Tây Ninh, tập 1 (1994)

Để cho chắc chắn hơn, cũng là giúp cho các cơ quan có trách nhiệm ở Tây Ninh có thể khẳng định sự sai lầm của “Di tích lịch sử văn hoá chiến thắng Thanh Điền- tháng 3 năm 1946”, chúng tôi mở rộng cuộc dò tìm trong các sách lịch sử chính thống ở Tây Ninh. Một câu hỏi được đặt ra: Vậy thì có các sự kiện nào đã diễn ra vào đầu năm, cho tới tháng 3.1946?

Để trả lời, chỉ cần giở sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tây Ninh (1930-2005), do Nxb Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2010. Sách này cũng được viết theo thứ tự các sự kiện xảy ra. Xin liệt kê các sự kiện chính liên quan đến việc củng cố, xây dựng lực lượng vũ trang đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Dĩ nhiên, cũng phải kể các sự kiện liên quan đã diễn ra vào cuối năm 1945.

Đấy là: Tháng 9.1945, Tỉnh uỷ lâm thời đề ra một số chủ trương. Trong đó có việc: “Xây dựng lực lượng vũ trang để bảo vệ chính quyền cách mạng, trấn áp bọn phản động” (trang 66).

Sau ngày 8.11.1945, ngày “Mặt trận Bến Kéo bị vỡ…”, Tỉnh uỷ lâm thời và các cơ quan của tỉnh rút ra vùng Tà Hụp (xã Thanh Điền). Tỉnh uỷ lâm thời đã chấn chỉnh lại tổ chức cho gọn nhẹ, phù hợp với tình hình diễn biến cấp bách, gồm 5 đồng chí: Phạm Tung, Đặng Ngọc Chinh, Nguyễn Trọng Cát, Trần Kim Tấn và Trần Thuần, do đồng chí Phạm Tung làm Bí thư Tỉnh uỷ.

Xét thấy lực lượng vũ trang, khó khăn của tỉnh là chưa có người đủ uy tín để chỉ huy, tổ chức sắp xếp thống nhất lực lượng vũ trang, trong khi Tây Ninh lại là một trong những chiến trường trọng điểm… nên đây chính là thời điểm mà “Tỉnh uỷ lâm thời cử đồng chí Tấn đi gặp Xứ uỷ báo cáo tình hình chung và đến Thuận Lợi gặp đồng chí Vũ Đức- Chính trị viên giải phóng quân của trên phái về để nhận sự chỉ đạo cụ thể về quân sự”, như sách Lịch sử lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Tây Ninh, tập 1, đã viết.

Sự kiện tiếp theo chính là chiến thắng Bàu Cá Trê ở xã Thanh Điền, như chúng ta đã biết. Điều này cũng phù hợp với điều mà sách Lịch sử LLVT tỉnh Tây Ninh đã viết là: “Trong thời gian Tỉnh uỷ cử đồng chí Tấn đi Thuận Lợi báo cáo tình hình thì lực lượng vũ trang tỉnh đã đánh thắng trận đầu tại Thanh Điền”.

Cuối năm 1945, còn một sự kiện đặc biệt quan trọng nữa là hội nghị củng cố các lực lượng vũ trang Nam bộ của Xứ uỷ Nam bộ, diễn ra ngày 10.12.1945. Hội nghị này: “quyết định chia Nam bộ ra làm 3 khu quân sự- hành chính: khu 7 (miền Đông Nam bộ), khu 8 (khu vực miền Trung Nam bộ), khu 9 (khu vực miền Tây Nam bộ). Khu 7 thành lập bao gồm các tỉnh: Chợ Lớn, Gia Định, Bà Rịa, Biên Hoà, Thủ Dầu Một, Tây Ninh và TP. Sài Gòn, do tướng Nguyễn Bình làm khu Bộ trưởng” (trang 78).

Năm 1946, các sự kiện chính được Lịch sử Đảng bộ tỉnh kể tới diễn ra trên đất Tây Ninh chính là: Bầu cử Quốc hội, ngày 6.1; Hội thề Rừng Rong của nhóm Thanh niên vũ trang Rừng Rong ở Trảng Bàng vào ngày 1.2.1946; các hoạt động của lực lượng vũ trang Tây Ninh trong đội hình khu 7… Tuy nhiên, sự kiện quan trọng nhất diễn ra đúng vào đầu tháng 3.1946 là: “Ngày 5.3.1946, sau khi chấn chỉnh và củng cố, khu Bộ trưởng Nguyễn Bình quyết định thành lập Chi đội 11 Tây Ninh… do Trịnh Khánh Vàng làm chi Đội trưởng, Trần Văn Đẩu làm Chi đội phó, Nguyễn Lê Uẩn làm chính trị viên. Chi đội 11 bắt đầu cuộc hành quân về Tây Ninh để tổ chức kháng chiến.

Vừa về đến Bàu Gõ (Bến Cầu), giặc Pháp phát hiện bao vây 4 hướng. Dù bị động đối phó, chi đội 11 vẫn chống trả quyết liệt, đến khi lực lượng vũ trang do đồng chí Trần Văn Đẩu tiếp viện buộc quân Pháp phải rút chạy. Số cán bộ chiến sĩ bị bắt được giải thoát tại chỗ…” (lúc này đồng chí Tư Đẩu đang ở chiến khu Tầm Đinh- Ninh Điền chiến đấu chống trả bọn Miên gian gieo rắc thù hằn dân tộc).

Đây mới chính là trận đánh diễn ra vào tháng 3 năm 1946. Lúc này, lực lượng vũ trang Tây Ninh đã chính thức trở thành một chi đội (trung đoàn) trong đội hình thống nhất của khu 7. Dù bị địch vây đánh bất ngờ, chi đội tổn thất 7 đồng chí nhưng Chi đội vẫn giành chiến thắng với: diệt 50 tên địch, thu 16 súng trường, 1 trung liên, 2 tiểu liên (trang 84).

Từ các sự kiện trên, cho thấy sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tây Ninh (1930 - 2005) không hề có sự kiện nào gọi là “Chiến thắng Thanh Điền tháng 3 năm 1946”. Các sách sử khác cũng tương tự.

Tuy nhiên, tình hình các sách in sau năm 2014 đã có những sự khác biệt, do ảnh hưởng từ sách Di tích Lịch sử văn hoá, Danh lam thắng cảnh tỉnh Tây Ninh (Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, năm 2014). Điển hình là cuốn Lịch sử LLVT huyện Dương Minh Châu (1951-2015) do Ban Chỉ huy Quân sự huyện xuất bản năm 2015. Tại trang 59, trận thắng Thanh Điền tháng 3.1946 được đưa vào và ngay lập tức, xuất hiện mâu thuẫn trên cùng một trang sách.

Đấy là đoạn: “Sau trận đánh Thanh Điền, bộ đội ông Đẩu rút về Suối Đá… bộ đội ông Lê Đức Điểm, một bộ phận võ trang của ông Trần Văn Mạnh về đóng quân ở núi Bà. Giặc Pháp xua lính càn lên núi, quân ta phục kích tại Dốc thượng bẻ gãy cuộc càn của địch, bắn chết và làm bị thương hàng chục tên Pháp, buộc quân Pháp phải bỏ dở trận càn…” (trang 59). Thật ra trận Dốc thượng kể trên đã diễn ra trước tháng 3.1946 khá lâu, vào dịp giáp Tết Bính Ngọ 1946, tức là vào khoảng tháng 1.1946. Mâu thuẫn này chính là kết quả của việc “cưỡng ép” sự kiện gọi là Chiến thắng Thanh Điền tháng 3 năm 1946 vào trong sách.

Một cuộc “cưỡng ép” khác cũng xảy ra trong sách Lịch sử LLVT thành phố Tây Ninh (1950-2017) (Nxb Quân đội Nhân dân, năm 2018). Đấy là, trang 32 có mô tả trận đánh ở Thanh Điền vào “đầu năm 1946 do đồng chí Tư Đẩu chỉ huy”. Trong khi đó, ở trang 31 vẫn có trận Bàu Cá Trê diễn ra ngày 11.11.1945 (3 ngày sau khi Pháp chiếm tỉnh lỵ Tây Ninh). Thực ra 2 trận này là một. Mặc dù các tác giả đã “gia giảm” thêm một vài khác biệt, như ở trận 11.11 thì quân Pháp đi 2 xe Jeep. Còn ở trận “đầu năm 1946” lại là “2 xe con cóc”, cũng như khác nhau chút ít về chiến lợi phẩm mà thôi!

Tác giả của sách trên, hẳn là có quan điểm: - Thà dư thừa, trùng lặp nhưng quyết không bỏ sót.

Nhưng cũng có nhóm tác giả, thà không có chứ không chấp nhận viết vào sử sách những chi tiết sai. Đấy là nhóm tác giả của sách Lịch sử LLVT Nhân dân tỉnh Tây Ninh (1945-2010). Chúng tôi đã rà soát kỹ từ trang 30 đến 35 kể về các sự kiện từ ngày 8.11.1045 đến hết tháng 3.1946. Nhưng tuyệt nhiên không còn thấy một dòng nào viết về Chiến thắng Bàu Cá Trê ở Thanh Điền. Chắc là những khác nhau về thời gian của trận đánh đã làm họ nản lòng; chưa xác định được đúng sai, nên đã bỏ hẳn.

Cho dù là vậy, thì lịch sử sẽ luôn tồn tại như nó đã có. Dẫu cuốn sách này quên, hoặc bỏ thì những sự kiện anh hùng đã ghi khắc sâu trong lòng người Tây Ninh chắc chắn sẽ lại xuất hiện ở những cuốn sách khác mà thôi! Thái độ tích cực nhất hiện nay vẫn là phải nghiên cứu tìm ra cái đúng. Để kịp thời sửa sai. Để không hổ thẹn với lịch sử và các thế hệ kế thừa, tiếp nối.

Trần Vũ

Tin cùng chuyên mục