Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu vận chuyển hàng hoá của người dân gia tăng, để đáp ứng nhu cầu trên nhiều người dân đã đầu tư phương tiện để phục vụ vận chuyển hàng hoá của gia đình, cũng như làm phương tiện kinh doanh chở thuê hàng hoá…
Công an Tây Ninh tăng cường kiểm tra, xử lý các phương tiện xe ba, bốn bánh tự chế.
Bên cạnh các phương tiện bảo đảm các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng các xe ba, bốn bánh tự sản xuất, lắp ráp, xe mô tô kéo theo vật khác (gọi chung là xe tự chế) vận chuyển người, hàng hoá lưu thông trên đường.
Phần lớn những xe tự chế này không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn kỹ thuật, không đầy đủ đèn, còi… nhưng vẫn được sử dụng để chở hàng hoá cồng kềnh, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cho chính người sử dụng cũng như những người tham gia giao thông.
Để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu các nguyên nhân gây tai nạn giao thông trên địa bàn, Công an tỉnh Tây Ninh đã triển khai thực hiện kế hoạch chuyên đề về tăng cường kiểm tra, xử lý các phương tiện xe ba, bốn bánh tự chế, xe mô tô, xe gắn máy kéo theo xe khác, vật khác vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Thượng tá Trương Thành Lập– Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an Tây Ninh cho biết, đơn vị cùng Công an các huyện, thị xã, thành phố đang tập trung tuần tra, kiểm soát xử lý theo kế hoạch chuyên đề. Trước đó, công an tỉnh tiến hành công tác điều tra cơ bản, rà soát lập danh sách tất cả các loại phương tiện xe ba bánh, xe tự chế trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền, vận động và cho các chủ phương tiện cam kết không sử dụng các loại phương tiện này tham gia lưu thông trên đường.
Theo kế hoạch, từ ngày 15.9, lực lượng Công an tỉnh tập trung kiểm tra, xử lý đối với các chủ cơ sở sản xuất các loại xe tự chế; người điều khiển các loại xe tự chế lưu thông trên đường, với các hành vi vi phạm về điều kiện của phương tiện và vi phạm quy tắc giao thông như: điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông; sản xuất lắp ráp trái phép phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; xe mô tô, xe gắn máy chở hàng cồng kềnh, kéo theo xe khác, vật khác, điều khiển xe không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường...
Trong quá trình tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, lực lượng làm nhiệm vụ đã lồng ghép công tác tuyên truyền cho người dân nhận thức rõ mức độ nguy hiểm khi sử dụng các loại phương tiện này.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, toàn tỉnh có 1.836 xe 3, 4 bánh tự chế, đã cho 1.389 chủ phương tiện cam kết không sử dụng các phương tiện này. Tính đến ngày 24.10, qua công tác tuần tra, kiểm soát lực lượng công an toàn tỉnh đã lập biên bản xử lý 16 trường hợp điều khiển xe mô tô kéo theo vật khác.
Xe tự chế không bảo đảm an toàn kỹ thuật khi tham gia giao thông trên đường
Bên cạnh tăng cường kiểm tra, xử lý đối với người điều khiển xe trên địa bàn tỉnh, Công an tỉnh còn phối hợp với các đơn vị Hải quan, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh để tuyên truyền, nhắc nhở đối với người dân Campuchia khu vực biên giới điều khiển các loại phương tiện giao thông qua lại vào địa bàn tỉnh phải chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của Việt Nam về đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Bà Phùng Thị Viện- Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Phước Tân cho biết, trong quá trình đăng ký thủ tục hải quan, đơn vị không giải quyết đối với các phương tiện xe tự chế, chỉ giải quyết những phương tiện có giấy tờ xe đầy đủ theo quy định. Cán bộ hải quan thường xuyên tuyên truyền, giải thích người dân Campuchia khi vào Việt Nam phải chạy xe đúng quy định của pháp luật Việt Nam.
Thiếu tá Vũ Hồng Tuấn- Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Phước Tân cho biết, công tác tuyên truyền, nhắc nhở người dân qua lại khu vực biên giới luôn được cán bộ chiến sĩ, đơn vị quan tâm thực hiện thường xuyên tại khu vực cửa khẩu. Thông qua các buổi hội đàm, đơn vị cũng đề nghị cơ quan chức năng bên nước bạn tuyên truyền, nhắc nhở người dân khi tham gia giao thông vào lãnh thổ Việt Nam cần chấp hành nghiêm pháp luật, quy định của Việt Nam, các phương tiện phải đúng quy định.
Xe ba bánh, bốn bánh tự sản xuất, lắp ráp và các loại xe không được kiểm định an toàn kỹ thuật luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. Trong trường hợp chở hàng hoá cồng kềnh rất dễ dẫn đến tai nạn giao thông, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, ngăn ngừa nguy cơ gây mất an toàn giao thông từ các loại phương tiện trên, cùng với sự quyết liệt của lực lượng chức năng thì rất cần sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể tại địa phương, nơi có các phương tiện hoạt động phải vào cuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên và Nhân dân trên địa bàn không mua bán, sản xuất, sử dụng xe không bảo đảm tiêu chuẩn, xe sản xuất, lắp ráp trái quy định để tham gia giao thông, góp phần phòng ngừa, kiềm chế tai nạn giao thông liên quan đến xe tự chế gây ra, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.
Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30.12.2019 của Chính phủ (sửa đổi bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP ngày 28.12.2021 của Chính phủ) quy định: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi, điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông và áp dụng hình thức phạt bổ sung tịch thu phương tiện; phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe hoặc chở người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác; điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác. |
Nhật Quang