Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Với 63,82 điểm, Tây Ninh xếp hạng 19/63 (tăng 1 bậc so với năm 2016), nằm trong tốp các địa phương được đánh giá khá và có triển vọng phát triển tốt.
Biểu đồ chỉ số PCI Tây Ninh giai đoạn 2007-2017. Ảnh: P.TK
Sáng 22.3, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID/Việt Nam) công bố kết quả tổng hợp Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017. Theo đó, với 63,82 điểm, Tây Ninh xếp hạng 19/63 (tăng 1 bậc so với năm 2016), nằm trong tốp các địa phương được đánh giá khá và có triển vọng phát triển tốt.
Đây là năm thứ 13 (kể từ năm 2005) VCCI thực hiện đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đánh giá về bảng xếp hạng PCI năm nay, ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch VCCI cho rằng, sức cạnh trạnh PCI 2017 có nhiều khởi sắc, điểm số PCI bình quân cao nhất từ trước đến nay và gần như các tỉnh, thành phố đều tăng điểm số của mình.
Bên cạnh một số tỉnh giữ vững ngôi dẫn đầu nhiều năm, có sự vươn lên, thu ngắn khoảng cách điểm số của nhóm địa phương cuối bản (sự chênh lệch giữa tỉnh dẫn đầu và tỉnh xếp cuối dao động khoảng 15 điểm), điều đó cho thấy sự nỗ lực rất lớn, quyết tâm rất cao của các địa phương trong đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường thu hút đầu tư theo tinh thần Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư và Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Qua khảo sát cho thấy, trên 50% doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tin tưởng môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục đăng ký mở rộng và tăng vốn đầu tư trong thời gian tới.
Tuy nhiên, VCCI cũng chỉ rõ, những khuất tất, điểm nghẽn của PCI năm nay vẫn tập trung vào các vấn đề tính minh bạch của môi trường kinh doanh chưa cao, thiết chế pháp lý, hệ thống giải quyết tranh chấp cho doanh nghiệp chưa tốt, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, chưa thật sự chuyên nghiệp…
Trong vùng miền Đông Nam bộ, Tây Ninh xếp vị trí thứ 4, sau TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và xếp trên các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, Ninh Thuận, Bình Phước. So với năm 2016, trong 10 chỉ số thành phần PCI, có 7 chỉ số tăng và 3 chỉ số giảm nhẹ.
Tuy nhiên, xét chung về điểm số năm 2017, tổng điểm các chỉ số thành phần của tỉnh lại đạt cao nhất từ trước đến nay (đạt 63,82 điểm, thấp hơn 7 điểm so với tỉnh dẫn đầu) và so với các năm cao hơn nhiều (năm 2014: 59,62 điểm; năm 2015: 52,66 điểm và năm 2016: 60,14 điểm), điều này cho thấy sự nỗ lực lớn, tính hiệu quả của công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh trong những năm qua, nhất là năm 2017, cũng như sự tín nhiệm ngày càng gia tăng của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cũng còn những chỉ số thành phần của tỉnh cần phải nỗ lực vượt qua trong thời gian tới, đó là chỉ số gia nhập thị trường, tính cạnh tranh bình đẳng, sự đồng hành tháo gỡ khó khăn và thiết chế pháp lý chưa thật sự tốt.
VCCI và tổ chức USAID/Việt Nam cũng nhấn mạnh, bảng xếp hạng PCI chưa phải là yếu tố quan trọng nhất (các chỉ số chỉ mang tính tương đối, dựa trên kết quả của sự khảo sát ngẫu nhiên, cũng có những hạn chế khách quan).
Mục đích PCI hướng tới là trở thành công cụ hữu ích giúp các địa phương có thêm thông tin, đánh giá đúng thực trạng, nhận biết những bất cập, hạn chế yếu kém trong hoạt động quản lý nhà nước, nhất là trong cải cách hành chính để có giải pháp nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hướng đến một nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững.
Minh Long
Xếp sau 3 tỉnh dẫn đầu là các tỉnh Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Quảng Nam… Hai đầu tàu kinh tế của cả nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh xếp lần lượt ở vị trí thứ 8 và 13.
P. TK