Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tây Ninh thúc đẩy liên kết vùng
Chủ nhật: 10:13 ngày 08/10/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tây Ninh đang phối hợp với TP. Hồ Chí Minh hoàn tất các thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài.

Công trình đường và cầu kết nối Tây Ninh - Bình Dương.

Để thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, bên cạnh tập trung mọi nguồn lực, Tây Ninh chú trọng đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, nhất là các dự án giao thông trọng điểm kết nối vùng theo tinh thần Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 7.10.2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 154/NQ-CP, ngày 23.11.2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam bộ đến năm 2025, Chương trình hợp tác song phương giữa Tây Ninh với các tỉnh, Tỉnh uỷ Tây Ninh ban hành Chương trình hành động số 173-CTr/TU, ngày 27.3.2023 thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị.

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1465/KH-UBND, ngày 18.5.2023 thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh uỷ, theo đó tỉnh đề ra nhiều nhiệm vụ về phát triển hạ tầng giao thông, nhất là chú trọng đầu tư các công trình trọng điểm về giao thông để thúc đẩy kinh tế vùng.

Ông Nguyễn Thành Tâm- Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, hiện nay, Tây Ninh đang có bất lợi về kết nối giao thông với các tỉnh trong vùng, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh. Vì vậy các dự án giao thông kết nối vùng, nhất là với TP. Hồ Chí Minh, các cảng biển và các cửa khẩu có ý nghĩa rất quan trọng trong việc cải thiện môi trường đầu tư, giúp cho Tây Ninh có thể thu hút các nhà đầu tư đến khai thác các tiềm năng của Tây Ninh.

Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thành Tâm cũng cho biết thêm, những dự án kết nối vùng có tính chất quyết định thay đổi điều kiện, môi trường đầu tư của Tây Ninh, vì vậy tỉnh đặc biệt quan tâm, tích cực phối hợp với Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam bộ và các địa phương trong vùng để cụ thể hoá các chương trình cũng như dự án giao thông trọng điểm kết nối, giải quyết tốt những "điểm nghẽn" để Tây Ninh phát triển hơn.

Để triển khai thực hiện tốt việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đẩy mạnh liên kết vùng, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thành Tâm cho biết, Tây Ninh đang phối hợp với TP. Hồ Chí Minh hoàn tất các thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài, đồng thời tiếp tục tập trung để chuẩn bị các thủ tục mời gọi đầu tư giai đoạn 1 tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát.

Bên cạnh đó, Tây Ninh cũng sẽ tập trung đầu tư kết nối với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Long An và hiện nay các dự án này đã được lên ý tưởng thống nhất giữa các địa phương liên quan để triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Dự án cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài và dự án cao tốc Gò Dầu - Xa Mát đang được tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện và kêu gọi đầu tư (ảnh minh hoạ).

Ông Nguyễn Tấn Tài- Giám đốc Sở Giao thông và Vận tải cho biết, tỉnh đã thống nhất với Bình Dương tiếp tục đầu tư đường và cầu bắc qua sông Sài Gòn kết nối Tây Ninh - Bình Dương và hiện các ngành của 2 địa phương đang thống nhất để tham mưu, dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2024-2027; thống nhất với tỉnh Long An đầu tư đường kết nối từ đường An Thạnh - Trà Cao (Tây Ninh) đến ĐT.838 (Long An) trước năm 2030.

Về đường thuỷ nội địa, tỉnh đang thống nhất với tỉnh Bình Dương đề xuất, kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải thực hiện Dự án nạo vét, cải tạo và nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi đến cầu Bến Củi (Tây Ninh); thống nhất với tỉnh Long An kiến nghị Bộ GTVT nâng tĩnh không cầu Bến Lức (cầu cũ trên quốc lộ 1) trên sông Vàm Cỏ Đông nhằm khai thác hiệu quả hành lang vận tải thuỷ nội địa Tây Ninh - TP. Hồ Chí Minh - Bà Rịa - Vũng Tàu theo sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xã hội hoá đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Theo ông Nguyễn Tấn Tài, trong năm 2023 sẽ đưa vào khai thác sử dụng các cảng cạn Mộc Bài, cảng cạn Thanh Phước; năm 2025 đưa vào khai thác Trung tâm logistics, cảng cạn và cảng tổng hợp Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng, cảng thuỷ nội địa Thành Thành Công.

“Với sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng Đông Nam bộ và các tỉnh có liên quan sẽ sớm hiện thực hoá được các ý tưởng, tạo điều kiện, không gian phát triển tốt hơn không chỉ có Tây Ninh mà cho cả vùng trong thời gian tới”- Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thành Tâm khẳng định.

Tố Tuấn

Tin cùng chuyên mục