Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trong đó nổi bật có: kim ngạch xuất khẩu tăng 12,2%; tổng vốn đầu tư phát triển chiếm 36% GRDP; huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 12%; tính đến 31.10.2021, giải ngân vốn đầu tư công đạt 65,96% (cả nước đạt 49,47%), Tây Ninh xếp thứ 12 về thu hút đầu tư nước ngoài trên cả nước.
Công nhân làm việc tại Công ty GainLucky Việt Nam. Ảnh: Vũ Nguyệt
Tại kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh khoá X, nhiệm kỳ 2021-2026, báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022, ông Võ Đức Trong- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, năm 2021, tỉnh có 11/19 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch (4 chỉ tiêu kinh tế; 4 chỉ tiêu văn hoá - xã hội; 3 chỉ tiêu môi trường), trong đó nổi bật có: kim ngạch xuất khẩu tăng 12,2%; tổng vốn đầu tư phát triển chiếm 36% GRDP; huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 12%; tính đến 31.10.2021, giải ngân vốn đầu tư công đạt 65,96% (cả nước đạt 49,47%), Tây Ninh xếp thứ 12 về thu hút đầu tư nước ngoài trên cả nước.
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước thực hiện 51.350 tỷ đồng, tăng 0,2% so với cùng kỳ (kế hoạch năm 2021: tăng 6,5% trở lên), GRDP bình quân đầu người đạt 3.304 USD (kế hoạch 2021 là 3.300 USD). Tỷ trọng nông - lâm - thuỷ sản; công nghiệp - xây dựng; dịch vụ (chưa tính thuế sản phẩm) trong GRDP theo giá hiện hành ước đạt tương ứng: 22,1% - 43,9% - 29% (kế hoạch năm 2021 là 20% - 21%; 44% - 45%; 29% - 30%).
Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 5 tỷ USD, tăng 12,2% so cùng kỳ, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch năm 2021: tăng 7%); kim ngạch nhập khẩu ước đạt 4,5 tỷ USD, tăng 38,4% so cùng kỳ. Bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu các ngành dịch vụ cả năm ước đạt 77.245 tỷ đồng, giảm 4,5% cùng kỳ. Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 2.542 tỷ đồng, giảm 12,2% so cùng kỳ; doanh thu du lịch ước đạt 650 tỷ đồng, giảm 11,4% so cùng kỳ.
Thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh ước đạt 649 triệu USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ; thu hút đầu tư trong nước ước đạt 9.935 tỷ đồng, giảm 17,4% so với cùng kỳ. Việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh ưu tiên…
Đối với việc huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện 32.552 tỷ đồng, giảm 6,9% so với cùng kỳ, chiếm 36% GRDP, đạt kế hoạch đề ra. Tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng ước đạt 53.830 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ.
Tổng thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện 10.010 tỷ đồng, đạt 95,3% dự toán địa phương, tăng 13,2% dự toán Trung ương giao; trong đó, thu nội địa 8.710 tỷ đồng, đạt 91,7% so dự toán. Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 12.190 tỷ đồng, đạt 105,6% dự toán, tăng 15% so với cùng kỳ.
Trong năm, tỉnh đã triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Đến ngày 31.10.2021, thực hiện giải ngân khoảng 2.754 tỷ đồng, đạt 65,96% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 60,47% kế hoạch HĐND tỉnh giao. Ước giải ngân đến 31.1.2022 khoảng 4.381 tỷ đồng, đạt 95,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 96,21% kế hoạch HĐND tỉnh giao.
Thực hiện tích hợp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia đối với 1.104/1.877 TTHC. Kết quả giải quyết TTHC (từ tháng 1.2021 đến 31.10.2021): số hồ sơ đã giải quyết đúng và trước hạn ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) đạt 98,27%.
Trong tình hình dịch bệnh Covid-19, tỉnh đã áp dụng nhiều hình thức để hỗ trợ người dân trong việc nộp, trả hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) như: kịp thời công bố đầy đủ các TTHC, hướng dẫn sử dụng các dịch vụ bưu chính công ích, hỗ trợ nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công tỉnh, Cổng hành chính công tỉnh, mạng xã hội Zalo. Đặc biệt là việc triển khai đặt lịch hẹn, lấy số thứ tự trực tuyến trong giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, bộ phận Một cửa cấp huyện và cấp xã tại địa chỉ: https://sothutu.tayninh.gov.vn.
Trong hoạt động văn hoá - xã hội, tỉnh đã chủ động, kịp thời chỉ đạo, điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học, tổ chức dạy học trực tuyến; điều chỉnh hình thức kiểm tra, đánh giá để vừa bảo đảm phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa hoàn thành năm học 2020-2021.
Bên cạnh đó, tập trung bảo đảm an toàn bệnh viện, phòng chống dịch, khám, chữa bệnh. Công tác chăm lo cho các đối tượng hưởng chính sách xã hội, người có công với cách mạng, người nghèo được thực hiện kịp thời.
Theo UBND tỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được còn tồn tại những hạn chế, khó khăn. Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và bùng phát mạnh từ tháng 7 đến nay, gây quá tải hệ thống y tế, tác động tiêu cực, ảnh hưởng kéo dài đến phát triển KT-XH và sức khoẻ nhân dân, hạn chế việc phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu KT-XH, hiện còn 8/19 chỉ tiêu không đạt kế hoạch.
Sản xuất lốp xe tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Phước Đông, Gò Dầu.
Một số nội dung đề án, chương trình triển khai chậm so với tiến độ đề ra. Tăng trưởng kinh tế thấp và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực gặp nhiều khó khăn. Luỹ kế 10 tháng, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 13% và số doanh nghiệp giải thể tăng 1,6 lần so với cùng kỳ.
Khu vực dịch vụ chịu tác động nặng nề nhất, đặc biệt là du lịch. Các hoạt động vui chơi giải trí, dịch vụ tạm dừng, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 4,5% so với cùng kỳ; thu ngân sách không đạt dự toán đề ra.
Chất lượng, hiệu quả dạy và học trực tuyến còn hạn chế, nhất là ở bậc tiểu học và nhiều hộ gia đình, học sinh, sinh viên nghèo không có điều kiện trang bị máy tính, mạng internet để học tập trực tuyến; nhiều khu vực học sinh khó tiếp cận với học trực tuyến; giáo viên và học sinh còn khó khăn khi dạy và học các bài có thí nghiệm.
Trúc Ly