Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trong phiên họp Thường trực Chính phủ chiều 15.4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định kéo dài thời gian cách ly xã hội thêm một tuần đối với 12 tỉnh, thành phố có nguy cơ cao, trong đó có Tây Ninh.
Một số người không đeo khẩu trang khi tham gia giao thông.
Có hiện tượng chủ quan trong phòng, chống dịch
Thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, thời gian qua, tất cả các cơ quan, đơn vị, công ty, xí nghiệp và toàn thể nhân dân trong tỉnh nghiêm túc chấp hành.
Nhiều nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, các dịch vụ, hoạt động văn nghệ, thể thao tạm ngưng hoạt động. Người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, thực hiện giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng. Các cuộc hội họp chuyển sang hình thức trực tuyến…
Nhờ thực hiện tốt các biện pháp nêu trên, nên tính đến ngày 16.4, chưa có người dân nào của tỉnh Tây Ninh bị nhiễm SARS-CoV-2, ngoài 3 trường hợp là người của các tỉnh, thành khác từ vương quốc Campuchia về qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (huyện Bến Cầu). Đến nay, 2/3 trường hợp này đã được điều trị khỏi và xuất viện.
Tuy nhiên, không ít người dân chủ quan trong việc phòng, chống dịch Covid-19. Điển hình như sáng 16.4, trên đường 30.4, chỉ khoảng 30 phút, đã hàng chục người dân tham gia giao thông nhưng không đeo khẩu trang hoặc đeo khẩu trang không đúng cách.
Tại công viên 30.4 (thành phố Tây Ninh) có một số dụng cụ tập thể dục được lắp đặt ngoài trời để phục vụ người dân. Từ khi xảy ra dịch bệnh, những dụng cụ này được lực lượng chức năng dùng dây chuyên dụng giăng xung quanh, không cho người dân sử dụng, nhằm phòng, chống nguy cơ lây nhiễm. Thế nhưng, sáng 16.4, một vài người dân “xé rào” vào đây tập. Tình trạng này cũng xảy ra tại công viên Xuân Hồng (phường 3, TP Tây Ninh).
Trên đường Pasteur (phường 3, TP. Tây Ninh), một nhóm thợ hồ khoảng 4 người xúc cát để trộn bê tông xây dựng công trình nhà ở, vô tư cười nói, hút thuốc, không ai mang khẩu trang. Trên đường Cách Mạng Tháng Tám (phường 3), một số cửa hàng thời trang đóng cửa tạm ngưng hoạt động từ đầu tháng 4, đến ngày 15.4 đã mở cửa buôn bán trở lại.
Theo báo cáo của Sở Y tế, đến 15 giờ ngày 15.4, các đoàn liên ngành đã kiểm tra 455 trường hợp, nhắc nhở 177 trường hợp, cảnh cáo 27 trường hợp và xử phạt hành chính 27 trường hợp với tổng số tiền 3,7 triệu đồng.
Tiếp tục cách ly xã hội
Trong phiên họp Thường trực Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định kéo dài thời gian cách ly xã hội thêm một tuần đối với Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và 10 tỉnh, thành có nguy cơ cao, trong đó có Tây Ninh. Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ trân trọng cảm ơn toàn dân đã khắc phục khó khăn, ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc cách ly toàn xã hội.
Toàn xã hội thực hiện nghiêm túc các chủ trương của bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ- nhất là triển khai quyết liệt Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đạt kết quả tốt, đáng mừng. Vì vậy đến nay chưa có người tử vong.
Mặc dù Việt Nam đã đạt được những thành tích nhất định trong phòng, chống dịch Covid-19, nhưng trên thế giới, dịch bệnh vẫn hoành hành rất mạnh, số ca nhiễm và tử vong tăng cao hằng ngày. Trong nước vẫn tiềm ẩn những nguy cơ lây nhiễm trong xã hội, có thể trở thành những ổ dịch mới, bùng phát dịch, chúng ta không được lơi lỏng, chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, giữ khoảng cách xã hội; thực hiện ưu tiên cao nhất, bảo vệ tốt nhất tính mạng, sức khoẻ của nhân dân. Nếu khinh suất, bị động thì sẽ xoá đi thành quả mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân đạt được thời gian qua.
Thủ tướng đồng ý với kiến nghị Ban Chỉ đạo phân loại nguy cơ dịch bệnh của các địa phương dựa trên các tiêu chí; đồng ý chia thành ba nhóm địa phương có nguy cơ cao, nhóm nguy cơ và nguy cơ thấp.
Các nhóm này không phải là bất biến; cuộc họp lần tới sẽ xem lại các nhóm này để điều chỉnh. Nhóm có nguy cơ cao gồm 12 địa phương: Bắc Ninh, Bình Thuận, Đà Nẵng, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hoà, Lào Cai, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ninh, Tây Ninh, Hà Tĩnh; đặc biệt là hai đô thị lớn, trung tâm cả nước là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. 10 tỉnh, thành phố và hai đô thị lớn này sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 22 hoặc 30.4 tuỳ tình hình cụ thể của việc lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. 12 địa phương trên có thể kéo dài thời hạn này nếu như tồn tại tình trạng lây nhiễm.
Thường trực Chính phủ quyết định giao Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cụ thể việc thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp áp dụng cụ thể trên địa bàn phù hợp, nghiêm túc theo các cấp độ. Yêu cầu hạn chế, khuyến cáo đối với bốn hoạt động lớn khác biệt giữa ba nhóm là việc ra khỏi nhà theo mức độ yêu cầu, việc mở cửa hàng không thiết yếu theo mức độ, việc vận chuyển bằng các phương tiện công cộng, việc tập trung đông người.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quyết định cụ thể các cơ sở kinh doanh, dịch vụ cần đóng cửa; chịu trách nhiệm giám sát chặt chẽ các dự án, công trường, cơ sở sản xuất kinh doanh; có quyền yêu cầu ngừng sản xuất, kinh doanh nếu cơ sở không bảo đảm việc phòng ngừa lây nhiễm Covid-19. Lãnh đạo các địa phương sẽ quyết định đóng cửa các cơ sở kinh doanh chưa cần thiết, kể cả nhóm địa phương nguy cơ và ít nguy cơ đối với cơ sở massage, đám cưới, đám ma, cơ sở thờ tự...
Người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền địa phương căn cứ tình hình có thể kéo dài Chỉ thị 16 nếu thấy cần thiết. Việc thực hiện cách ly xã hội có thể thực hiện theo quy mô cấp xã, huyện tuỳ theo nguy cơ lây nhiễm, đặc biệt là các ổ bệnh lây nhiễm thì cần có biện pháp mạnh mẽ, đồng bộ về chuyên môn. Thường trực Chính phủ giao người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch ở cơ quan, đơn vị mình.
Đại Dương