Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tây Ninh trên đường đô thị hoá
Thứ hai: 00:31 ngày 04/07/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Công tác lập quy hoạch của một địa phương được xác định là rất quan trọng. Đây không chỉ là việc của chính quyền mà còn là nội dung được người dân quan tâm nhiều nhất. Tây Ninh đang triển khai lập dự án “Quy hoạch tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2030, và tầm nhìn 2050”.

Một góc thành phố Tây Ninh. Ảnh: Nguyễn Huỳnh Đông

Việc lập quy hoạch dựa trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng, dự báo xu hướng phát triển để khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương; bảo đảm phù hợp với khả năng cân đối, huy động nội lực và các nguồn lực từ bên ngoài trên tất cả các lĩnh vực, các vùng của tỉnh; đánh giá khả năng khai thác các liên kết vùng, địa phương trong cả nước, đặc biệt là kết nối giữa tỉnh Tây Ninh với Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trên các lĩnh vực quan trọng như: phát triển đô thị, công nghiệp, kết nối hạ tầng, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, cân đối cung cầu các thị trường hàng hoá, dịch vụ thiết yếu; xây dựng Tây Ninh phát triển nhanh và bền vững trên cả ba trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường.

Đô thị hoá nhanh

Thực tế cho thấy, nhiều năm qua, trong từng thời kỳ, Tây Ninh thực hiện các quy hoạch đã đem lại kết quả tốt, tạo điều kiện cho việc khai thác các nguồn lực về đất đai, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Quy hoạch sử dụng đất cũng như các quy hoạch khác đã tạo điều kiện cho Tây Ninh tăng trưởng mạnh hơn, thoát ra khỏi thế thuần nông, định hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, giá trị sản xuất công nghiệp dần chiếm tỷ trọng lớn trong GRDP. Giai đoạn 2015-2020, có những công trình trọng điểm như: Khu du lịch núi Bà Đen, Khu công nghiệp Trảng Bàng, Khu công nghiệp Phước Đông - Bời Lời, hay các khu, cụm công nghiệp ở huyện, thị xã trong tỉnh tạo bước phát triển, tăng trưởng cho Tây Ninh từ 8% trở lên; GDP đầu người đạt trên 3.000 USSD. Đó là một bước đột phá. Đặc biệt là hiệu quả từ Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tốc độ đô thị hoá trên địa bàn tỉnh diễn ra khá nhanh, cùng với nhu cầu đầu tư, xây dựng ngày càng cao, đặt ra nhiều thách thức đối với công tác quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng. Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua chương trình phát triển đô thị tỉnh; có chính sách huy động các nguồn lực để phục vụ công tác lập, thực hiện quy hoạch. Lập quy hoạch, phát triển khu vực đô thị mới, các khu đô thị giao thoa, lan toả từ Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen; lập kế hoạch dài hạn phát triển hạ tầng chung theo quy hoạch, đặc biệt chú trọng các trục giao thông cao tốc để nối kết hạ tầng kỹ thuật, kết nối các khu đô thị phụ cận và các đường vành đai Thành phố Hồ Chí Minh.

Chương trình phát triển đô thị tỉnh Tây Ninh đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3628/QĐ-UBND ngày 27.12.2021: đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hoá đạt trên 50%, đến năm 2030 đạt trên 55%. Định hướng, kế hoạch phát triển đô thị đến năm 2025, tỉnh có 9 đô thị được phân loại, bao gồm: 1 đô thị loại II (thành phố Tây Ninh), 2 đô thị loại III (thị xã Trảng Bàng và Hoà Thành), 2 đô thị loại IV (Gò Dầu và Bến Cầu), 4 đô thị loại V (thị trấn thuộc các huyện: Tân Biên, Tân Châu, Châu Thành và Dương Minh Châu) (đạt cơ bản tiêu chí đô thị loại IV).

Tây Ninh sẽ tập trung phát triển khu đô thị mới, phát triển nhà ở theo dự án và chỉnh trang đô thị tại các khu vực trung tâm tại thành phố, các thị xã và khu vực có mật độ nhà ở cao, các điểm, khu dân cư nông thôn hiện hữu; phát triển các khu đô thị mới có sự giao thoa về không gian, kiến trúc, cảnh quan xung quanh Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen; dọc các trục giao thông liên vùng, liên tỉnh như: quốc lộ 22B, đường cao tốc Hồ Chí Minh - Mộc Bài, đường cao tốc Gò Dầu - Xa Mát, ĐT 782-784, ĐT 790, ĐT 781 đạt các tiêu chí đô thị theo cấp loại đô thị đã được phân loại, đô thị dự kiến phân loại (thuộc phạm vi, địa bàn) và tối thiểu đạt tiêu chí đô thị loại V.

Giai đoạn 2026-2030, có 16 đô thị được phân loại, bao gồm: 1 đô thị loại II (thành phố Tây Ninh) (định hướng quy hoạch, tiếp tục phấn đấu đầu tư xây dựng hoàn thiện đạt cơ bản các tiêu chí của đô thị loại I); 3 đô thị loại III (thành phố Trảng Bàng, Hoà Thành và Gò Dầu); 5 đô thị loại IV (thị xã Bến Cầu, Dương Minh Châu) và phát triển, phân loại thêm 3 đô thị loại IV thuộc các huyện Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành; 7 đô thị loại V là các đô thị phân loại mới, dự kiến thành lập thị trấn bao gồm đô thị Tân Lập, Mỏ Công, Trà Vong thuộc huyện Tân Biên, Tân Đông, Tân Hưng thuộc huyện Tân Châu và Thái Bình, Thanh Điền thuộc huyện Châu Thành.

Quy hoạch tích hợp, tháo gỡ điểm nghẽn

Theo ông Trịnh Ngọc Phương- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, việc quy hoạch sử dụng đất cũng như quy hoạch tỉnh thực hiện theo Luật Quy hoạch mới sẽ có những khó khăn. Luật Đất đai cũng có những bất cập so với thực tế. Và quy hoạch hiện nay theo Luật Quy hoạch mới nên có những cái cần phải tích hợp và có những bước đột phá. Tây Ninh phải làm kỹ và rà soát lại để về lâu dài quy hoạch tỉnh tích hợp những quy hoạch khác vào thành một quy hoạch cứng, chuẩn, chất lượng, tiếp tục phát triển trong giai đoạn 2030-2050. Đó là kỳ vọng mà Tây Ninh đang đặt vào quy hoạch tỉnh.

UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch hiện có theo Nghị quyết số 75 ngày 16.8.2019 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, tập trung triển khai quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 theo tính tích hợp làm cơ sở định hướng phát triển kinh tế xã hội và thu hút đầu tư với yêu cầu đặt ra là quy hoạch phải thể hiện tư duy, tầm nhìn dài hạn, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế; đặc biệt là phải thể hiện yếu tố động, mở và linh hoạt để đáp ứng nhu cầu phát triển và thu hút đầu tư trong từng giai đoạn, khắc phục yếu tố quy hoạch không theo kịp và phục vụ tốt thu hút nguồn lực đầu tư. Đây là cách tiếp cận mới trong Luật Quy hoạch. Đó là quy hoạch tích hợp. Ông Trịnh Ngọc Phương- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: “Tất cả các vấn đề cần thiết phải tích hợp vào để các quy hoạch sau đồng thuận và phù hợp. Khi nhà đầu tư chiến lược- kể cả nhà đầu tư nước ngoài nhìn vào quy hoạch họ thấy được sự thông suốt từ trên xuống dưới, họ sẽ an tâm xây dựng một chiến lược đầu tư lâu dài”.

Đánh giá về tiến độ lập quy hoạch tỉnh, bà Vương Phan Liên Trang- Phó Tổng Giám đốc Công ty Encity, đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh Tây Ninh nhận định: "Hiện nay, 63 tỉnh, thành phố ở Việt Nam đang triển khai lập quy hoạch. Cho nên có thể nói rằng đây là lần đầu tiên ở Việt Nam làm quy hoạch như thế này. Nói về tiến độ thì Tây Ninh đang nằm trong top những tỉnh có tiến độ rất tốt trong việc lập quy hoạch. Hiện nay, còn một số tỉnh, thành lớn chưa có bản đồ quy hoạch được duyệt, chưa tìm được tư vấn và cũng chưa bắt đầu khởi động".

Một góc đường CMT8, giáp với đường Cơ Thánh Vệ, thành phố Tây Ninh (ảnh minh hoạ Hoàng Anh)

Kỳ vọng sự phát triển đồng bộ

Khi hoàn thành và được công bố, quy hoạch tỉnh sẽ là cơ sở để triển khai các hoạt động thu hút đầu tư, xây dựng, phát triển tỉnh Tây Ninh. Người dân và cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng Tây Ninh sẽ phát triển đồng bộ, vượt qua những thách thức để khơi dậy nguồn lực, tiềm năng của địa phương phục vụ cho phát triển kinh tế. Tại hội thảo về vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong định hướng phát triển Tây Ninh do Hiệp hội Doanh nghiệp Tây Ninh và Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, bà Trịnh Phạm Hải Linh- chuyên gia về quy hoạch Công ty Encity phân tích khá cụ thể những vấn đề mà doanh nghiệp cần quan tâm đối với quy hoạch tỉnh và khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ.

Doanh nghiệp phải làm gì để thích ứng. Địa phương phải có những sách lược để giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng lao động, nắm bắt cơ hội đầu tư. Bà Lê Thị Mai Huyền- Tổng Giám đốc Công ty Đức Thành cho rằng: lập được quy hoạch tích hợp của tỉnh là định hướng rất tuyệt vời cho Tây Ninh và rất phù hợp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong việc sản xuất kinh doanh và sinh hoạt. Đáng chú ý là việc phát triển Tây Ninh xanh, doanh nghiệp Tây Ninh luôn cầu thị và mong muốn góp sức phát triển tỉnh nhà thành nơi đáng sống nhất.

Nhìn ở góc độ triển khai lập và thực hiện quy hoạch, bà Trịnh Ngọc Lan- Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nữ doanh nhân Tây Ninh cho rằng: "Sắp tới đó là lộ trình không phải đơn giản. Tỉnh có chủ trương rồi, khi chấp nhận rồi thì phải có 1 bước giải pháp tiếp theo để đào tạo lực lượng doanh nghiệp rất nhỏ, siêu nhỏ và vừa; đào tạo một nguồn lực lao động có chất lượng, có chuyên môn để cùng một ý tưởng, cùng một kiến thức đi đến phát triển".

Xây dựng Tây Ninh phát triển bền vững là mục tiêu mà cấp uỷ, chính quyền Tây Ninh đặt ra trong mỗi nhiệm kỳ. Vì vậy, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch, UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường thực hiện tốt và đạt kết quả cao nhất những nhiệm vụ trọng tâm.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc- Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chương trình đột phá mà tỉnh đã đề ra. Đặc biệt trong đó thực hiện tốt chương trình đột phá về hạ tầng giao thông. Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm mang tính kết nối vùng.

Đặc biệt chú ý phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh để triển khai đúng tiến độ các bước thủ tục pháp lý, sớm hình thành tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài. Bởi đây là tuyến đường huyết mạch, xương sống tạo ra động lực lan toả rất lớn không chỉ cho Thành phố Hồ Chí Minh - Tây Ninh mà còn tạo động lực chung cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam… tháo gỡ điểm nghẽn về quy hoạch một cách triệt để hơn để tạo ra động lực và điều kiện cho chúng ta thu hút nguồn lực nhiều hơn nữa cho đầu tư phát triển của tỉnh nhà trong thời gian tới. Quy hoạch dài hơi nhưng bảo đảm không bị lạc hậu. Tây Ninh sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ hơn.

Phương Nguyệt

Tin cùng chuyên mục