PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tây Ninh triển khai các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
Chủ nhật: 11:00 ngày 26/06/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10.1.2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Người dân giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh.

Tìm giải pháp đột phá

Theo UBND tỉnh, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Tây Ninh từ năm 2016 đến 2019 đã tăng lên 5 hạng (từ vị trí 20 lên vị trí 15), được xếp vào nhóm điều hành tốt. Trong năm 2020 - 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thực hiện các biện pháp phòng, chống đại dịch, xếp hạng và điểm số về chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh giảm (năm 2020: đứng vị trí thứ 24, thuộc nhóm khá; năm 2021: đứng vị trí thứ 37, thuộc nhóm trung bình của cả nước).

Năm 2021, chỉ số PCI của tỉnh đạt 63,9 điểm, giảm 0,26 điểm và 13 bậc so với năm 2020, giảm từ nhóm khá xuống nhóm trung bình; trong đó: 9/10 chỉ số thành phần PCI năm 2021 giảm điểm so với năm 2020.

Đáng chú ý, có 4/10 chỉ số thành phần giảm trên 1 điểm, gồm: gia nhập thị trường, chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, đào tạo lao động; chỉ số chi phí thời gian giảm nhiều nhất (1,63 điểm); 4/10 chỉ số thành phần PCI năm 2021 thấp hơn mức trung bình cả nước, gồm: chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, đào tạo lao động.

43% doanh nghiệp được hỏi cho rằng “Thời hạn giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với thời hạn được niêm yết hoặc văn bản quy định”; 29% doanh nghiệp được hỏi cho rằng “Cán bộ nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính không hướng dẫn chi tiết, đầy đủ”; thời gian giải quyết thủ tục hành chính, chi phí không chính thức, tính công bằng trong việc giải quyết thủ tục hành chính và tiếp cận đất đai, khai thác khoáng sản… đối với các doanh nghiệp, đặc quyền cho các doanh nghiệp lớn còn thấp hơn mức bình quân của cả nước.

Phấn đấu chỉ số PCI của tỉnh trong nhóm 20 địa phương tốt nhất cả nước

Kế hoạch hướng đến mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, thân thiện, thông thoáng và minh bạch đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Nâng cao chỉ số năng lực canh tranh và chỉ số cải cách hành chính của tỉnh, góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19; kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, thích ứng linh hoạt, hiệu quả với dịch bệnh.

Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án cải thiện điểm số và nâng cao vị trí xếp hạng đối với các chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX, SIPAS và ICT INDEX trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, đến năm 2025, phấn đấu chỉ số PCI thuộc nhóm Tốt; chỉ số PAPI thuộc nhóm “Trung bình cao”; chỉ số PAR INDEX thuộc nhóm 30 tỉnh dẫn đầu về chỉ số CCHC. Đối với chỉ số SIPAS, mức độ hài lòng của người dân và tổ chức cao hơn mức trung bình cả nước. Chỉ số ICT INDEX thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.

Về mục tiêu cụ thể, phấn đấu cải thiện, phục hồi môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022, trong đó vị trí xếp hạng PCI của tỉnh trong nhóm 20 địa phương tốt nhất cả nước, 10/10 chỉ số thành phần PCI của tỉnh đạt trên mức trung bình của cả nước, cụ thể các chỉ số sau: gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý.

100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền ban hành của UBND tỉnh được công bố công khai; thường xuyên rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh, các thủ tục hành chính không còn phù hợp để bãi bỏ hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền bãi bỏ theo quy định.

Tiếp tục duy trì rút ngắn thời gian đăng ký doanh nghiệp, đầu tư, đất đai, môi trường, xây dựng; tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư theo hướng công khai, minh bạch. Phát huy và nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành tỉnh được triển khai, giải quyết tại Trung tâm.

Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thực chất và hiệu quả

Để đạt mục tiêu trên, năm 2022, tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tác động tiêu cực nhiều mặt của dịch bệnh, tạo môi trường kinh doanh, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, bình đẳng, thân thiện, phát huy tính năng động sáng tạo nỗ lực đột phá của các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá điều kiện kinh doanh, thành phần hồ sơ và tối ưu hoá quy trình giải quyết thủ tục hành chính ứng dụng công nghệ thông tin.

Tăng cường công tác, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Định kỳ tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư để nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, cá nhân và các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục chú trọng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.

Thực thi đúng, đầy đủ những quy định về điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hoá, không tự đặt thêm điều kiện kinh doanh dưới mọi hình thức, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức không thực hiện đầy đủ, đúng các quy định mới về điều kiện kinh doanh.

Vận động, khuyến khích người dân và doanh nghiệp thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch hoá quy trình, thủ tục; huy động sự tham gia, đóng góp của người dân và doanh nghiệp vào xây dựng chính quyền; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ công quản lý Nhà nước.

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp theo hướng giảm số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp để cải thiện các yếu tố môi trường kinh doanh.

Đông Nguyên

Tin cùng chuyên mục