Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tây Ninh trong em
Thứ sáu: 08:15 ngày 05/04/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nguyên tuần trước, một triển lãm ảnh rất thú vị diễn ra tại Trung tâm Văn hoá tỉnh. Thú vị ngay từ cái tên:- Tây Ninh trong em là…Là gì nhỉ? Tôi hồ hởi phóng tới xem.

Vâng! Nhìn lướt qua phòng triển lãm sáng sủa, khang trang này cũng đã thấy chất Tây Ninh rồi đấy! Kia núi Bà Ðen như một giọt mực đậm xanh rơi trên trang giấy vẽ mặt nước và trời mây lồng lộng của Lòng hồ. Ðây là Toà thánh Tây Ninh với những hoà sắc đỏ vàng rực rỡ. Rồi những dòng kênh thẳng tắp xuyên giữa đôi bờ ắp đầy cây trái. Những con đường khấp khểnh đá xanh xuyên dọc vườn cao su còn sót lại những cành lá rực vàng. Những khuôn hình rực đỏ hoàng hôn trên sóng nước sông Vàm…

Ðấy là những cái mà ta đã thấy, đã quen qua nhiều bức ảnh của người lớn in trên báo hay trong các cuộc triển lãm. Có điều, xem ảnh các em vẫn thấy quê mình ngồ ngộ dễ thương hơn. Bởi đấy là những góc chụp bất ngờ nhất; không căn chỉnh theo những khuyên bảo của các nhà nhiếp ảnh. Giật mình mà nhận ra, rằng lâu nay có lẽ vì người lớn thường tuân thủ những quy tắc, chuẩn mực nên xảy ra chuyện ảnh chụp thường giống nhau.

Thế nhưng, nhìn kỹ lại từng bức ảnh Tây Ninh trong em là… thì Tây Ninh không chỉ thế. Không chỉ là núi Ðiện, sông Vàm, những con kênh xanh hay những khoảng trời hoàng hôn hay rợp lá… Tây Ninh còn là những góc khuất, chứa đựng những tâm hồn đẹp mà chưa được nhiều người biết tới.

Bức Xóm trọ của những bà cụ, tôi cam đoan là các nghệ sĩ nhiếp ảnh chẳng ai lại đi chụp cái xóm nhà trọ ấy bao giờ. Mà đấy lại là hiện thực mới có khoảng 20 năm nay, khi cơn lốc của cuộc cách mạng công nghiệp hoá tràn qua. Bên cạnh những khu công nghiệp lừng lững, thênh thang là các dãy nhà trọ xuềnh xoàng.

Trước hàng hiên láng vữa xi măng ấy có kê cái võng bên một chiếc ghế cũng xi măng. Các bà nội (ngoại) chắc lên trông cháu cho con họ đi làm. Mấy bà cháu quây quần trò chuyện, thêm một con chó nhỏ. Những nụ cười hồn nhiên, bình dị trên một khung cảnh xóm nghèo. Ðọc thêm lời chú thích của tác giả Trương Hoài Phong, học sinh lớp 7, Trường THCS Võ Văn Truyện, càng thấy dễ thương sao: “Em thấy về già người ta không còn lo âu gì nữa, chỉ chăm cháu hoặc ăn rồi ngủ, rồi cuối tuần, họ hẹn những người bạn già của mình ra nói chuyện về con cái mua gì, làm gì cho họ, hay than bệnh của họ ra sao. Họ cũng hay nói về thông tin trên tivi có gì hay, hoặc nói về xung quanh có bà Tám nay lấy chồng, sắp đẻ gì đó…”.

Triển lãm có nhiều bức ảnh chân dung gợi mở, kể chuyện người Tây Ninh. Bức “Lá rách đùm lá rách hơn” kể về một bệnh nhân trẻ đã tự xin vào bệnh viện, chỉ để phục vụ cho những bệnh nhân già yếu liệt giường, không người thân thích. Bức “Cuộc sống đơn giản” lại là câu chuyện về bà lão đi bán bắp luộc, bán xong, “cụ lại quỳ rạp bên một thềm thờ”. Tấm ảnh mô tả bà ngồi xệp ngay trên vỉa hè, trước hàng rào Toà thánh rồi hướng mặt vào trong mà cầu nguyện. Vậy mà bà nói với em học sinh lớp 7- Bảo My- tác giả ảnh rằng: “cuộc sống đơn giản lắm, cứ vui mà sống”. Thật nhẹ nhàng mà sâu sắc biết bao!

 Thế nhưng, tấm ảnh gây xúc động lòng người nhất lại có thể là bức Ðêm khuya, của Hoàng Hà Vy, lớp 9, Trường THCS Mạc Ðĩnh Chi. Ảnh mô tả trong căn nhà xưa ván gỗ, sau những song cửa gỗ kia là một cụ ông cắm cúi trên chiếc bàn máy may cổ lỗ. Cụ làm gì kia mà chăm chú, nhíu mày bên ngọn đèn khuya? Lời ghi chú rằng: “Ông đang cố gắng may xong một mảnh vải voan dành tặng vợ. Ngày ấy không phải là lễ tình nhân 14 tháng 2, cũng không phải ngày 8 tháng 3, nhưng có lẽ là ngày đẹp nhất của hai vợ chồng…”. Ðọc xong mấy dòng này, tôi phải ồ lên kinh ngạc. Tấm ảnh có vẻ bình thường về nghệ thuật ấy bỗng trở nên lung linh, sáng đẹp biết bao. Cô giáo Phương của Vy kể, Vy còn là học sinh xuất sắc ở nhiều môn học khác.

Chuyện của cô giáo Phương, Trưởng Ban Tổ chức dự án cũng đem lại cho tôi một ngạc nhiên nữa. Cô quê gốc Ba Ðình, Hà Nội, du học nước ngoài 5 năm. Trở về, cô lại tham gia Tổ chức Teach For Việt Nam, chuyên giảng dạy Anh văn cho các Trường THCS tại Tây Ninh. Còn rất trẻ, cô và những đồng nghiệp của mình đã mang đến cho Tây Ninh những làn gió mới mát lành và tràn đầy tâm huyết.

NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục