Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tây Ninh: Tỷ lệ nợ xấu thấp hơn trung bình chung cả nước
Thứ năm: 22:10 ngày 08/10/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 7.10, ông Huỳnh Thanh Phương-Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh cùng các đơn vị có liên quan đã có buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Tây Ninh về việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Nghị quyết số 42) ngày 21.7.2017 của Quốc hội khoá 14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh.

Tiếp và làm việc với đoàn có ông Nguyễn Xuân Hiền–Giám đốc NHNN Chi nhánh Tây Ninh.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Theo NHNN Chi nhánh Tây Ninh, hiện trên địa bàn tỉnh có 43 TCTD và Chi nhánh TCTD, gồm: 22 chi nhánh Ngân hàng thương mại, 1 chi nhánh Ngân hàng Hợp tác xã, 1 chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội, 1 chi nhánh Tổ chức tài chính vi mô (CEP) và 18 Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), với tổng cộng 119 điểm hoạt động kinh doanh.

Tính đến cuối tháng 8.2020, các TCTD trên địa bàn tỉnh đã huy động được 45.905 tỷ đồng vốn cho vay, tăng 1% so với đầu năm và tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2019; tổng dư nợ cho vay là 62.828 tỷ đồng, tăng 6,9% so với đầu năm và 11% so với cùng kỳ, cao hơn mức chung của cả nước (4,75%).

Tỷ lệ nợ xấu chiếm 0,39%/tổng dư nợ, tăng nhẹ so với đầu năm (0,34%), trong đó, dư nợ đối với doanh nghiệp đạt 18.100 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm, chiếm 28,5% tổng dư nợ với 1.785 doanh nghiệp.

Hoạt động của hệ thống 18 Quỹ TDND trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng đầu năm với tổng nguồn vốn 2.562 tỷ đồng, giảm 2,9% so đầu năm (do ảnh hưởng dịch Covid-19 và thực hiện phương án xử lý theo Thông tư số 21 về cắt giảm thành viên địa bàn không liền kề). Trong đó, vốn chủ sở hữu đạt 192,3 tỷ đồng, huy động tiền gửi là 2.136 tỷ đồng (tăng 5,8% so đầu năm), dư nợ cho vay là 2.120 tỷ đồng (giảm 9,4% so đầu năm; tỷ lệ nợ xấu chiếm 0,39%/tổng dư nợ.

Theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, tính đến ngày 15.9.2020, ngành ngân hàng đã cơ cấu thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 419 khách hàng, tổng dư nợ 1.634 tỷ đồng. Miễn và giảm lãi vay cho 2.555 khách hàng, với tổng dư nợ 4.428 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp 2.872 khách hàng, số tiền là 7.162 tỷ đồng dành cho đối tượng khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 58.545 khách hàng, với tổng dư nợ là 344,6 tỷ đồng.

Trong thời gian qua, việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả khả quan, tính đến 15.8.2020, tổng nợ xấu theo Nghị quyết số 42 là 166.674 triệu đồng. Trong khoảng thời gian Nghị quyết số 42 có hiệu lực (từ 15.8.2017 đến 15.8.2020), hệ thống các TCTD trong tỉnh đã xử lý thu hồi được 1.260.078 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Xuân Hiền, hiện tại các TCTD trên địa bàn tỉnh luôn duy trì nợ xấu ở mức dưới 3% (ngưỡng cho phép). Việc xử lý nợ xấu của các TCTD được sự quan tâm, hỗ trợ của các sở, ngành và chính quyền địa phương, nên không xảy ra tình trạng khó khăn trong công tác thu hồi vốn. Nợ xấu trên địa bàn Tây Ninh gần như không phải thực hiện theo Nghị quyết số 42, mà chủ yếu là khách hàng tự trả nợ hoặc phối hợp với TCTD bán tài sản bảo đảm để trả nợ và xử lý thông qua phán quyết của toà án, sự tham gia của cơ quan thi hành án.

Qua thời gian triển khai thí điểm Nghị quyết số 42, việc xử lý nợ xấu của các TCTD trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực, qua đó, NHNN Chi nhánh tỉnh Tây Ninh đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ có ý kiến, sớm đưa Nghị quyết này thành luật để tạo hành lang pháp lý đồng bộ và thống nhất. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi một số Luật chuyên ngành có liên quan như: Luật Đất đai, Luật Dân sự, Luật Thi hành án... cho đồng bộ với Nghị quyết số 42.

Ông Huỳnh Thanh Phương mong muốn, trong thời gian tới, tập thể lãnh đạo NHNH Chi nhánh Tây Ninh tiếp tục duy trì và thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn, nhằm hạn chế thấp nhất tỷ lệ nợ xấu. Đồng thời, có biện pháp thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN về tạo điều kiện tài chính, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, ông Phương cũng nêu rõ, trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc thì có thể đề xuất với Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh để có ý kiến với Quốc hội.

Nguyên An

Tin cùng chuyên mục