Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Phát triển bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội:
Tây Ninh vẫn thuộc nhóm “cuối bảng”
Thứ tư: 00:14 ngày 15/05/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày 13.5, tại Sở Y tế, đoàn giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ do ông Phạm Văn Tân- Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn cùng các sở, ban, ngành liên quan có buổi làm việc với Đảng uỷ Sở Y tế về việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác phát triển bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020 gắn liền với cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Ông Phạm Văn Huấn- Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh phát biểu tại buổi giám sát.

KHÔNG ĐỂ NGƯỜI LAO ĐỘNG BỊ “CƯỚP SỨC KHOẺ”

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Huấn- Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh cho biết, tỷ lệ dân số tham gia BHYT thấp so với cả nước một phần là do các địa phương khác đông đồng bào dân tộc thiểu số hơn Tây Ninh. Những nhóm đối tượng này đã được cấp thẻ BHYT miễn phí. Về BHXH, cuối năm 2018, đã có hơn 30% dân số tham gia BHXH. Theo nhận định, từ nay đến năm 2021, Tây Ninh sẽ hoàn thành chỉ tiêu theo chương trình hành động của Tỉnh uỷ.

Ông Kiều Công Minh- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư đề nghị ngành Y tế làm rõ thêm chất lượng khám, chữa bệnh, nếu chất lượng được nâng lên, tỷ lệ bệnh nhân chuyển viện lên tuyến trên sẽ giảm, đồng nghĩa với giảm chi phí. Ông Trương Trúc Phương- Phó Giám đốc Sở Tài chính nhìn nhận, ngành Y tế thời gian qua được mua sắm, trang bị nhiều thiết bị nhưng hiệu quả sử dụng thấp, thậm chí nhiều loại máy móc mua về nhưng không sử dụng. “Những kiến nghị mà Sở Y tế nêu trong báo cáo cần cụ thể hơn, ví dụ cơ quan, bộ, ngành nào của Trung ương giải quyết những kiến nghị đó, không nên quá khái quát”- ông Phương phát biểu.

“Đảng uỷ Sở có quan tâm công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực công tác quản lý nhà nước, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác BHYT. Chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ BHYT và đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống BHYT như cải tiến chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế, rút ngắn thời gian chờ và tăng sự hài lòng của người bệnh.

Đảng uỷ Sở Y tế không xây dựng nghị quyết chuyên đề thực hiện Chương trình hành động số 30-CTr/TU, ngày 30.1.2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Chương trình hành động số 131-CTr/TU. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo chỉ thông qua Ban Giám đốc Sở Y tế. Trong Đảng uỷ chưa có phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng thành viên trong Đảng uỷ để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện và giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện công tác BHYT”.

(Trích báo cáo dự thảo của đoàn giám sát)

Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT nêu vấn đề trích tỷ lệ phần trăm cho công tác y tế trong trường học, đồng thời việc bố trí nhân viên y tế trong trường học không nhất thiết phải học y sĩ, thay vào đó, có thể bố trí những người học chuyên ngành khác như điều dưỡng, dược.

Ông Nguyễn Văn Nhiếm- Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh đề nghị thống kê chi tiết các thành phần xã hội tham gia BHYT, ví dụ như công nhân, cán bộ, viên chức, công chức, người dân để từ đó có cơ sở đánh gia tình hình phát triển BHYT. Theo ông Nhiếm, phần hạn chế trong báo cáo chưa đúng trọng tâm, cần hiểu rõ, hạn chế ở đây là công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng uỷ Sở Y tế như thế nào.

Về tình hình doanh nghiệp trốn tránh, chây ỳ nghĩa vụ, trách nhiệm đóng BHYT, BHXH cho người lao động, ông Nhiếm đề nghị ban, ngành liên quan “làm mạnh”, công khai trên các phương tiện truyền thông, vì thực chất là doanh nghiệp “cướp sức khoẻ” của công nhân.

Ông Trần Văn Sỹ- Phó Giám đốc, Bí thư Đảng uỷ Sở Y tế cho biết, việc thực hiện các chỉ tiêu của ngành Y tế trong giai đoạn đoạn đầu còn khó khăn, nhưng nhiều chỉ tiêu đã được cải thiện, ví dụ tỷ lệ bác sĩ trên một vạn dân đã được cải thiện. “Ban Giám đốc Sở Y tế thực hiện các giải pháp đồng bộ để phát triển y tế, như nâng cấp các cơ sở y tế, trong đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh được cải tạo, nâng cấp toàn diện”- ông Hoa Công Hậu, Giám đốc Sở Y tế phát biểu.

Giảm phiền hà, tăng cường chất lượng dịch vụ được xác định là vấn đề vô cùng quan trọng của ngành Y tế. Nếu đâu đó còn những điều ngoài mong muốn, có thể đó chỉ là vấn đề kỹ thuật. Ngành Y tế cũng đang triển khai đề án thống kê, quản lý những người mắc bệnh tim mạch trên địa bàn tỉnh nhằm theo dõi, chăm sóc sức khoẻ tốt hơn cho những người này. Đối với nguồn nhân lực, đến thời điểm này thiếu khoảng 150 bác sĩ cho tất cả các khoa, ngành thuộc hệ thống y tế công lập. Giải pháp của Sở Y tế là đặt hàng với các trường đại học đào tạo một số bác sĩ chuyên khoa hiếm, chuyên khoa đặc thù (bắt đầu học từ tháng 1.2019).

Một ý kiến khác đề nghị làm rõ từng thành phần tham gia BHXH, không nên chỉ tính tổng quát trên tổng số dân của tỉnh, người lao động bắt buộc tham gia BHXH, còn người chưa trưởng thành hoặc hết tuổi lao động có tham gia không, được bao nhiêu người. Ý kiến này cũng nhìn nhận, tuy là đợt giám sát về chính sách phát triển BHXH, BHYT nhưng trong bản báo cáo, thông tin chủ yếu đề cập đến BHYT.

KỊP THỜI CUNG ỨNG THUỐC CHO BỆNH VIỆN

Kết luận buổi giám sát, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh - trưởng đoàn giám sát Phạm Văn Tân đề nghị Đảng uỷ Sở Y tế tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình hành động của Tỉnh uỷ. Trưởng đoàn giám sát đề nghị ngành Y tế và BHXH xem lại cách tính toán, thống kê số lượng, tỷ lệ người tham gia các loại hình đã khoa học, đúng thực tế chưa, vì khi làm việc với một số huyện, các địa phương cho rằng cách thống kê, tính toán hiện nay chưa thật đúng.

Công tác thông tin tuyên truyền cũng cần được chú trọng hơn để bảo đảm tính hiệu quả. Ông Phạm Văn Tân chỉ đạo cơ quan chức năng làm gấp, làm ngay trong một hai ngày tới để công tác đấu thầu thuốc được hoàn tất, bệnh viện có thuốc cho người bệnh. Đối với vấn đề BHXH, trưởng đoàn giám sát đề nghị BHXH tỉnh làm việc với UBND huyện Hoà Thành để làm rõ những băn khoăn về cách tính toán mà địa phương này đã nêu ra trước đó với đoàn giám sát.

Trước đó, báo cáo của Đảng uỷ Sở Y tế cho biết, để phát triển, nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHYT, BHXH, ngành Y tế kết hợp với các ban, ngành ở địa phương thực hiện tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân hiểu và thực hiện đúng quyền lợi, nghĩa vụ khi tham gia BHYT. Các nghị quyết của Trung ương và chương trình hành động của Tỉnh uỷ được cấp uỷ Đảng, chính quyền và đoàn thể quán triệt, thực hiện nghiêm túc. Điều đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền về tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHYT.

Trong thời gian qua, phát triển BHYT được đưa vào trong các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; do đó, tỷ lệ người dân tham gia BHYT không ngừng tăng. Tuy vậy, số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ người dân tham gia BHYT có sự chênh lệch đáng kể giữa các địa phương trong tỉnh và giữa các nhóm đối tượng.

Năm 2018, Trảng Bàng có tỷ lệ người dân tham gia BHYT cao nhất, hơn 88%, trong khi Hoà Thành chưa đến 73%. Huyện Tân Châu và Châu Thành cũng nằm trong nhóm tham gia BHYT thấp. Phân loại thành phần tham gia BHYT cho thấy, ba nhóm đối tượng tham gia BHYT thấp, gồm hộ gia đình, người lao động và sử dụng người lao động. Để nâng cao dịch vụ BHYT và đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống BHYT, Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện thành lập nhóm cải tiến chất lượng bệnh viện, cải tiến quy trình khám bệnh, rút ngắn thời gian chờ và tăng sự hài lòng của người bệnh.

Hằng năm, cơ sở khám, chữa bệnh đều tổ chức đánh giá sự hài lòng của người bệnh và thân nhân. Thời gian qua, ngành Y tế đã triển khai ba dự án quan trọng nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ, nhân viên, gồm: Dự án triển khai bệnh viện vệ tinh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh; thiết lập hệ thống thông tin tim mạch giữa Bệnh viện Đa khoa tỉnh với các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh, kể cả các ngành Quân đội, Công an; dự án thiết lập hệ thống hội chẩn y tế trực tuyến từ xa.

Ngoài kết quả đạt được, hạn chế cũng còn nhiều. Sở Y tế nhận thấy, tỷ lệ người dân tham gia BHYT còn thấp so với mức bình quân chung cả nước. Tính đến tháng 3.2019, Tây Ninh có 80,7% dân số tham gia BHYT, trong khi cả nước đạt hơn 87%. Trình độ chuyên môn của cán bộ, nhân viên ngành Y tế chưa đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng tăng trong nhân dân.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế nêu trên, như công tác tuyên truyền còn nặng tính hình thức, một số địa phương, đơn vị chưa thực sự quan tâm thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT. Thu nhập của người dân thấp, thực thi pháp luật về BHYT của nhiều doanh nghiệp chưa nghiêm cũng làm ảnh hưởng tới độ bao phủ của BHYT.

VIỆT ĐÔNG

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh