PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tây Ninh vươn lên trở thành “điểm sáng” trên bản đồ thu hút đầu tư
Thứ năm: 19:04 ngày 19/12/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Qua 31 năm không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành sẻ chia cùng nhà đầu tư, Tây Ninh đã vươn lên trở thành “điểm sáng” trên bản đồ thu hút đầu tư của cả nước khi gia nhập top 10 tỉnh, thành thu hút vốn FDI nhiều nhất tại Việt Nam và là “bến đỗ” lý tưởng của các doanh nghiệp FDI.

Sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp

Chia sẻ về kinh nghiệm thực tế của doanh nghiệp đã thành công trong kết nối cung ứng với doanh nghiệp FDI tại Tây Ninh, ông Huỳnh Huy Cường– Giám đốc Công ty TNHH Huỳnh Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh chia sẻ: “Trong vai trò lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp, tôi hiểu rõ tầm quan trọng của sự kết nối doanh nghiệp, điều đó giúp doanh nghiệp liên kết nhau, cùng nhau phát triển bền vững”.

Ông Huỳnh Huy Cường cho biết, từ hơn 10 năm về trước, Công ty Huỳnh Anh đã bắt đầu những đơn hàng đầu tiên cho các doanh nghiệp FDI, đó là khi Khu công nghiệp Trảng Bàng đi vào hoạt động, rồi sau đó là Khu công nghiệp Bourbon An Hòa, nay là TTC An Hòa.

Tây Ninh vươn lên trở thành “điểm sáng” trên bản đồ thu hút đầu tư.

Đến năm 2015, công ty bắt đầu bán hàng cho một doanh nghiệp FDI trong khu công nghiệp đó là Công ty TNHH Lu thai (Khu công nghiệp Phước Đông, huyện Gò Dầu).

Để bán hàng được cho Luthai, công ty phải đăng ký ngành nghề xuất khẩu và đầu tư phần mềm khai hải quan chỉ để bán một đơn hàng nhỏ đầu tiên. Luthai là khách hàng thường xuyên của công ty, cũng từ đó, các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Phước Đông ngày càng nhiều.

Thời gian qua, công ty liên tục cải tiến chất lượng dịch vụ, cũng như đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của các doanh nghiệp FDI như an toàn lao động, bảo vệ môi trường, các cam kết tiến bộ như phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong doanh nghiệp.

Ông Huỳnh Huy Cường chia sẻ thêm, hiện nay công ty đã mở rộng nhà xưởng đến 1ha tại trung tâm thành phố Tây Ninh. Với đội ngũ 20 xe tải các loại đáp ứng mọi yêu cầu vật tư ngành thép cho khách hàng là các nhà máy, xí nghiệp trong khu công nghiệp.

Công ty vẫn luôn tiếp tục hoàn thiện mình với ứng dụng ISO trong quản lý điều hành cũng như hướng đến yếu tố xanh với hệ thống điện 100% dùng năng lượng mặt trời.

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Huỳnh Anh.

Những cố gắng nỗ lực không ngừng nghỉ của công ty đã mang lại thành quả là được phục vụ ngày càng nhiều doanh nghiệp FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế; thị phần của công ty ngày càng mở rộng.

Với mong muốn thành công của khách hàng chính là thành công của doanh nghiệp, Công ty TNHH TM DV Ý Cường Thịnh (tỉnh Đồng Nai) cho biết, đơn vị chuyên về cung ứng hoá chất cơ bản – dung môi cho nhiều lĩnh vực công nghiệp, trong đó có các tập đoàn trong và ngoài nước, công ty FDI trong lĩnh vực dệt nhuộm, cao su, giấy, điện tử, xi mạ, xử lý nước và nhiều lĩnh vực khác...

Hiện tại công ty cung cấp sản phẩm cho các khách hàng doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh Tây Ninh như: Brotex Việt Nam; Billion, Continental, Dệt sợi Louver… Công ty mong muốn sẽ tiếp tục cung cấp các dịch vụ và hợp tác với các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh.

Công ty có hơn 15 năm kinh nghiệm trong ngành hoá chất, đã không ngừng phát triển để đáp ứng những yêu cầu khắt khe của thị trường. Trong suốt hành trình phát triển, đơn vị luôn cam kết sự ổn định, đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc cung cấp các sản phẩm hóa chất đáp ứng được mọi yêu cầu, nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất của khách hàng.

Công ty TNHH TM DV Ý Cường Thịnh nằm trong Top 3 doanh nghiệp phân phối Hóa chất tại Việt Nam. Năm 2023 và 2024 phân phối hơn 400 nghìn tấn hóa chất trị giá hơn 60 triệu USD/năm.

Công nhân làm việc tại Công ty CP Dệt Trần Hiệp Thành (Khu công nghiệp Trảng Bàng).

Nhiều dự án FDI “cập bến” tỉnh Tây Ninh

Tại buổi Toạ đàm kết nối cung cầu dành cho các doanh nghiệp FDI tại Tây Ninh vừa qua, ông Kiều Công Minh– Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ngày 29.12.1987, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam lần đầu tiên được Quốc hội thông qua.

Tuy nhiên, đến năm 1993, chính quyền và người dân Tây Ninh mới được ghi nhận một cột mốc quan trọng, đó là lần đầu tiên có 2 dự án FDI đầu tiên “cập bến” tỉnh Tây Ninh với vốn đăng ký 3,85 triệu USD. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 386 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 9.916 triệu USD.

Trong đó, năm 2024, tỉnh thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt 455 triệu USD, gồm: cấp mới cho 31 dự án với vốn đầu tư 154,6 triệu USD; 22 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn 318,1 triệu USD; 2 dự án nước ngoài chuyển thành dự án trong nước với vốn đăng ký 3,2 triệu USD; 2 lượt góp vốn, mua cổ phần với vốn đăng ký 0,2 triệu USD.

Tuy nhiên, để hoà mình vào sự phát triển của đất nước trong “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”, ngoài việc định hướng thu hút đầu tư những ngành, lĩnh vực mới nổi, gắn kết chặt chẽ doanh nghiệp với thị trường, tỉnh Tây Ninh hướng tới chủ động trong việc kết nối các nhà cung cấp Việt Nam đến các doanh nghiệp FDI trong và ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp, kết nối chuỗi cung ứng đầu vào cho các doanh nghiệp FDI như: nguyên vật liệu sản xuất; xây dựng hạ tầng, nhà xưởng; cung cấp sản phẩm dịch vụ hỗ trợ cho hoạt động của doanh nghiệp FDI như cung cấp suất ăn công nghiệp, các dịch vụ ngân hàng, các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp khác…

Song song đó, kết nối chuỗi tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp FDI trong bối cảnh doanh nghiệp FDI gặp khó khăn trên thị trường quốc tế do ảnh hưởng tình hình biến động thế giới, tìm kiếm thêm đầu ra với thị trường tại chỗ.

Công ty TNHH Huỳnh Anh liên tục cải tiến chất lượng dịch vụ, đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của các doanh nghiệp FDI

Ông Trương Văn Hùng– Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh cho biết, hiện nay trên địa bàn các khu Kinh tế, khu công nghiệp trong tỉnh có 402 dự án đầu tư, tổng vốn đầu tư đăng ký là 9.469 triệu USD và 20.708 tỷ đồng, hiện có 304 dự án đang hoạt động, trong đó có 232 dự án FDI đang hoạt động, ngành nghề chủ yếu tập trung vào ngành may mặc, sản xuất vỏ ruột xe, đồ gia dụng và công nghiệp chế biến chế tạo cho các sản phẩm công nghiệp… sản xuất rất nhiều mặt phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng; hàng hoá sản xuất ra chủ yếu là xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới.

Ngoài khu Kinh tế, khu công nghiệp, tỉnh Tây Ninh còn có hơn 8.200 doanh nghiệp đang hoạt động, cung cấp nhiều mặt hàng và dịch vụ cho hoạt động sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng, vận tải kho bãi, dịch vụ ăn uống và lưu trú... Do đó, giữa các doanh nghiệp trong các khu kinh tế, khu công nghiệp và các doanh nghiệp có nhiều tiềm năng để cung cấp hàng hoá, dịch vụ cho nhau.

Trong thời gian tới, lãnh đạo tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các cấp, ngành chức năng nêu cao tinh thần trách nhiệm, sáng tạo, đổi mới để tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, năng động, minh bạch, trách nhiệm và hiệu quả.

Đồng thời, tỉnh Tây Ninh sẽ có nhiều hơn nữa những buổi gặp gỡ, toạ đàm để trao đổi, tiếp nhận ý kiến của các Hiệp hội, nhà đầu tư, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam nhằm sẻ chia, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối cung cầu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc… tạo điều kiện đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, phát triển và vươn lên tầm cao mới.

Công nhân làm việc tại một công ty may mặc có vốn đầu tư FDT trên địa bàn thị xã Trảng Bàng.

Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý khu kinh tế Tây Ninh và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh sẽ là những đầu mối tin cậy, trực tiếp tiếp nhận nhu cầu và khả năng cung ứng sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp để kết nối nhanh nhất, hiệu quả nhất giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp Việt Nam; giữa các doanh nghiệp FDI với nhau, các doanh nghiệp Việt Nam với nhau… để cùng phát triển mạnh và bền vững.

Nhi Trần

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục