Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Nhiều người tự đặt câu hỏi là nên về quê hay đi du lịch để nghỉ ngơi sau 1 năm làm việc vất vả. Tuy nhiên, ở góc độ gia đình thì ngày Tết sum họp gia đình vẫn có nhiều ý nghĩa rất quan trọng.
Đại đức Thích Trí Thịnh cho rằng, dù thời nào thì Tết vẫn là đoàn viên, sum họp gia đình và cũng là dịp để mọi người báo hiếu cha mẹ. (Ảnh minh họa)
Tết đi chơi hay về quê?
Nhiều người cho rằng ngày Tết nên đi chơi bù cho cả năm làm việc vất vả.
Gia đình chị Nguyễn Thị Diệu Hằng trú tại Phú Mỹ Hưng, TP.HCM kể, gần chục năm nay gia đình chị không ăn Tết ở Việt Nam mà dành thời gian đó để đi du lịch hoặc nghỉ dưỡng.
Chồng chị Hằng là giám đốc một doanh nghiệp. Anh xuất thân từ miền Bắc, học tập ở Bắc nhưng khi thành đạt anh đã đón bố mẹ vào miền Nam mua nhà để ông bà sống gần gia đình anh. Còn chị Hằng quê ở Vĩnh Long, hầu như tháng nào chị cũng về quê đôi ba lần nên năm nào cứ đến ngày 27 – 28 âm lịch gia đình chị về quê ngoại biếu quà Tết rồi quay trở lại TP.HCM để đi du lịch. Trước khi đi chơi chị cũng sắm Tết đủ cho bố mẹ chồng.
Chị Hằng kể, Tết đầu tiên cả nhà chị xách vali đi Thái Lan là năm Canh Dần (2010). Lúc đầu chị cũng thấy hơi áy náy khi cả gia đình chị đi chơi. Tuy nhiên, sau chuyến chơi Tết đầu tiên ấy chị thấy nên thả lỏng mình, dành thời gian để bù cho 1 năm vất vả.
Đặc biệt, chồng chị Hằng được nghỉ ngơi thật sự khi anh chỉ tham quan, ăn và khởi động lại sức khoẻ của mình sau những ngày tháng tiếp khách, làm việc, nhất là tháng Tết bù đầu với chi tiêu.
Năm ngoái, gia đình chị tận hưởng 1 tuần nghỉ Tết tại Dubai. Về phía gia đình nhà chồng, dường như họ cũng quen với những chuyến đi du lịch vào ngày Tết của gia đình chị Hằng nên cũng không có ý kiến nhiều.
Trường hợp của chị Bùi Thị Thuỷ, trú tại Mễ Trì, Hà Nội nhớ mãi chuyến du lịch có một không hai. Chị Thuỷ kể, bắt chước nhiều người, Tết năm ngoái vợ chồng chị cũng dự tính đi du lịch thay vì về quê ăn Tết như mọi năm.
Chị Thuỷ chủ động đặt tour đi du lịch từ tháng 10 âm lịch. Đúng chiều mùng Một Tết chị Thuỷ và gia đình lên máy bay đi du lịch Vũng Tàu. Khi vào đến Vũng Tàu thì khách sạn, bãi biển, nhà nghỉ đều cháy phòng không có chỗ mà chơi, tìm quán ăn cũng khó. Dù chị Thuỷ đã đặt phòng từ trước nhưng khi vào đến nơi chủ khách sạn cũng chỉ dành cho chị một phòng bé xíu với giá 1,2 triệu đồng/phòng.
Vì mỗi gia đình chị nên chị Thuỷ thấy buồn và lạc lõng trong biển người vô tận. Chồng chị Thuỷ vì chiều vợ con nên mới đồng ý chuyến du lịch nhưng đến Vũng Tàu được 2 ngày các con chị chỉ đòi về quê ăn Tết với ông bà. Sau chuyến đi đó, chị Thuỷ chắc không bao giờ nghĩ bỏ Tết quê mà đi chơi nữa.
Năm ngoái, vợ chồng chị Hoàng Thị Hương, Văn Quán, Hà Đông cũng đi Hồng Kong du lịch. Chị Hương kể Tết ở đây cũng có cái vui, nhưng nỗi nhớ nhà lại tăng hơn so với các chuyến du lịch hè. Đặc biệt, ngày Tết đi chơi chị lại thấy thương bố mẹ mình ở nhà nên sau chuyến đi này chị sẽ không đi chơi vào dịp Tết nữa.
Về quê hướng về cội nguồn
Theo Đại đức Thích Trí Thịnh – Trụ chì chùa Kim Sơn Lạc Hồng, Hoà Bình, quan niệm Tết ăn hay Tết chơi vẫn đang gây tranh cãi cho nhiều người đặc biệt giới trẻ hiện nay.
Đại đức Thích Trí Thịnh cho rằng dù thời nào thì Tết vẫn là đoàn viên, sum họp gia đình và cũng là dịp để mọi người báo hiếu cha mẹ.
Trong xã hội ngày nay, Đại đức Thích Trí Thịnh cho rằng không ít người có suy nghĩ chỉ cần lo cho bố mẹ vật chất đầy đủ đã là có hiếu.
“Ai cũng có công việc, ai cũng phải bươn chải với cuộc sống mưu sinh, nhưng, phận làm con, xin đừng chỉ mải mê với việc kiếm tiền, những cuộc vui mà sao nhãng việc quan tâm chăm sóc bố mẹ” – Đại đức Thịnh chia sẻ.
Theo Đại đức Thích Trí Thịnh, nhiều người nghĩ rằng chúng ta có thể báo hiếu cho cha mẹ, ông bà bằng vật chất là đủ song kỳ thực, vật chất chỉ là một phần và cái quan trọng hơn cả là sự quan tâm chăm sóc, tình cảm gần gũi với những người đã có ơn sinh thành dưỡng dục.
Ngày Tết còn gì hạnh phúc hơn khi được ở gần cha mẹ mình, nhất là vào giây phút chờ đón giao thừa cả gia đình quây quần vẫn là khoảnh khắc hiếm có.
Đôi khi, họ chỉ cần những lời hỏi thăm ân cần, tử tế, những câu chuyện, sẻ chia rất đỗi bình thường của chúng ta.
Không chỉ có ý nghĩa riêng với chính những người con xa quê, Đại đức Thích Trí Thịnh chia sẻ trong khoảnh khắc giao thừa, trong những ngày Tết, đưa con về quây quần bên ông bà thì các con của chúng ta sẽ biết trân trọng những giá trị truyền thống, hiểu rõ hơn về giá trị sum họp gia đình.
Và khi trẻ em biết yêu nguồn cội, được nuôi dưỡng trong tình thương gia đình, đặc biệt là có mối gắn kết mật thiết với ông bà sẽ có được nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện trong tương lai.
Nguồn infonet