Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
1.1.2018. Ðấy là một ngày đẹp trời từ sớm. Ra cửa nhìn đã thấy trời xanh và le lói nắng vàng. Mây trời xếp lớp (người ta thường gọi là vẩy tê tê). Phố nào cũng tưng bừng cờ đỏ. Ðường phố lớn có thêm những tấm banner rừng rực đỏ, vàng. Không gian phố xá ấm lên, dù trời vẫn hun hút gió mùa đông se lạnh.
Nhớ! Bữa nay cũng là đúng rằm. Giá như không nhuận thì đã là rằm tháng chạp. Nhưng mới là tháng 11, đúng ngày đình Thái Bình ở phường 1 mở lễ hội Kỳ yên. Chạy vội xuống xem dân phố phường rước sắc.
Vừa qua khỏi cầu Quan thì đoàn rước sắc đã kia rồi. Họ mới từ đường Yết Kiêu ven rạch đi lên, rồi qua phố Gia Long cũ (nay là Cách Mạng Tháng 8) tiến về trụ sở UBND phường 1.
Mới 8 giờ sáng mà đoạn phố này đã đông chật người, xe. Ðoàn rước sắc nép về bên phải, giữa một dòng xe máy, ô tô ồn ào len lách. Bốn ông sư tử vẫn ngúc ngoắc cái đầu, tưng tưng nhảy múa. Quân lính áo hồng, nón đỏ, khí giới trong tay ngay ngắn hai hàng. Thêm một đoàn các cháu học sinh giả làm thôn nữ. Chắc đấy là hình ảnh một thời của thôn Thái Bình xưa. Nay, phần thị tứ nhất của thôn đã thuộc về phường 1. Ðoàn rước tiến vào trụ sở UBND, nơi lưu giữ sắc thần. Nơi đây đã có các cán bộ của Uỷ ban và Ðội Dân phòng, Công an đón đợi. Các cụ trong Ban Quý tế, áo thụng xanh, khăn đóng trân trọng đón hộp sắc thần, mở ra trước mặt bàn dân, rồi thận trọng cuốn lại đưa vào hộp sắc.
Thế rồi, đoàn rước lại xênh xang tàn lọng, nghi trượng đón hộp sắc lên xe kiệu đi tới ngôi đình. Ðến cổng đình, mới thấy một banner ghi rõ: Kỷ niệm 100 năm sắc phong thành hoàng bổn cảnh. Ðấy là vào ngày 18.3 âm lịch năm Khải Ðịnh thứ hai.
Cả hai thôn Hiệp Ninh, Thái Bình đều được nhận sắc phong thờ thành hoàng bổn cảnh. Cả hai ngôi đình ấy, ngày nay đã trở thành di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia. Ngân sách cũng đã chi một khoản lớn để trùng tu, tôn tạo đình khang trang. Ðể người dân tín ngưỡng tiếp tục nối dài một truyền thống văn hoá xa xưa của dân tộc.
Giã từ năm cũ bâng khuâng
Ðã nghe xuân mới lâng lâng lạ thường
Ðôi câu thơ trong “Bài ca mùa xuân năm 1961” ấy của nhà thơ Tố Hữu, với người Việt, hình như năm nào cũng đúng. Ai trong mùa xuân mới đang về mà chẳng ngoái về “năm cũ bâng khuâng”. Ai có nhà mới tân gia, ai dựng vợ gả chồng cho con cháu trong năm cũ, ai khởi nghiệp thành công, ai làm ăn trầy trật trong năm, ai cán bộ công chức quen với dòng đề ngày tháng năm trên đầu văn bản; từ nay phải nhớ ghi là 2018, không còn là 2017 như đã quen đề suốt một năm qua.
Không như ngày tết đầu năm âm lịch; ngày tết dương lịch, phố xá vẫn đông, quán tiệm vẫn mở hàng. Các chợ vẫn đông vui, buổi sáng phường 3, chiều qua phường 4. Dường như người Việt, nhất là ở những tỉnh xa xôi còn chưa quen với khái niệm tết đầu năm dương lịch. Vậy mà có nhà nghiên cứu đang khuyến cáo dân ta học Nhật Bản, chuyển béng hai ngày tết ấy thành một, đỡ phải lo toan một cái tết nguyên đán dân gian vừa tốn kém, vừa mất thời gian. Nghe thì biết vậy thôi, chứ chẳng ai tin việc ấy sẽ thành. Ðơn giản chỉ vì ta là ta, mà Nhật là Nhật. Có những điều không thể học.
Bản tin thời sự đầu năm của VTV có thông tin ở Mỹ đêm nay có “siêu trăng”. Nghĩa là đến 2 giờ đêm bên ấy có thể thấy vầng trăng to hơn ngày thường gấp 1,3 lần. Nhưng lại chẳng có thông tin về trăng nước ta dù đêm ấy đêm rằm. Chiều ra thăm vườn chim của bác Mộng ngoài khu phố 4, phường 3, thì 18 giờ đã thấy trăng lơ lửng trên đầu ngọn tháp của trụ sở Công ty Viettel trên đại lộ. Chịu! Không thể nhận ra rằng trăng có “siêu” không? Chỉ biết trăng rằm đêm tết tây ấy rất tròn và rất sáng. Về nhà ngắm tiếp thì đến 20 giờ trăng đã lên khoảng một phần tư khung trời trước mặt. Ðến quá nửa đêm thì trăng ở đỉnh trời.
Vậy là đã hết ngày đầu năm dương lịch cũng là ngày rằm tháng 11 âm lịch, ngày mở hội Kỳ yên của một ngôi làng xưa nay ở giữa lòng thành phố Tây Ninh. Và nữa, mải ngắm trăng mà quên cả chim cò. Giờ mới nhớ, sao đến lúc này vẫn còn nhiều chim cò ở lại đây đến thế, mặc cho nhiều cơn gió lạnh đã về? Như mọi năm thì một phần lớn chim di trú đã bay đi làm tổ, sinh con ở xa tắp phía trời Nam.
NGUYỄN