Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thai chậm tăng trưởng là tình trạng thai nhi có trọng lượng thấp
Chủ nhật: 08:47 ngày 18/03/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hỏi: Nữ 30 tuổi, mang thai 30 tuần, khám thai định kỳ kết quả đều bình thường, dấu hiệu bất thường duy nhất là bụng to không tương xứng với tuổi thai, bác sĩ khám và siêu âm nghi ngờ thai chậm tăng trưởng, đề nghị tôi tăng cường ăn uống, tái khám sau 2 tuần. Xin bác sĩ giải thích thêm về bệnh này.

Một bạn đọc

Đáp: Thai chậm tăng trưởng là tình trạng thai nhi có trọng lượng thấp và một hay nhiều kích thước thấp so với tuổi thai (dưới 10% bách phân vị của quần thể tham khảo), do thiếu dinh dưỡng trong một thời gian dài. Thai chậm tăng trưởng làm tăng nguy cơ thai chết trước hoặc sau sinh, tổn thương thần kinh, chậm phát triển thần kinh về sau…

Thai chậm tăng trưởng là vấn đề thường gặp, ảnh hưởng khoảng 5-7% số thai kỳ. Thai chậm tăng trưởng có thể do nhiều nguyên nhân như bệnh lý người mẹ (tăng huyết áp, suy dinh dưỡng, bệnh mạn tính…), bệnh lý bánh nhau (suy chức năng bánh nhau…), bất thường thai nhi (dị tật, bất thường nhiễm sắc thể…), và nguyên nhân bên ngoài (thuốc lá, rượu, nhiễm trùng…).

Bản thân phụ nữ mang thai nghi ngờ thai chậm tăng trưởng khi thấy bụng to không tương xứng với tuổi thai. Tuy nhiên, để chẩn đoán xác định, cần siêu âm ước lượng cân nặng và đo đạc các kích thước của thai nhi (vòng bụng, đường kính lưỡng đỉnh, chiều dài xương đùi, vòng đầu), ít nhất 2 lần cách nhau 4 tuần, trong đó nhiều nghiên cứu cho thấy vòng bụng thai nhi là số đo nhạy nhất, giúp phát hiện khoảng 75% số trường hợp thai chậm tăng trưởng.

Một khi chẩn đoán được thai chậm tăng trưởng, bác sĩ siêu âm cần khảo sát thêm về nguyên nhân (có suy chức năng bánh nhau không), tình trạng và tiên lượng sống còn của thai nhi để đề nghị chấm dứt thai kỳ kịp thời, tránh nguy cơ tử vong thai nhi và các hậu quả về sau, nhất là tổn thương thần kinh.

Trường hợp của bạn, chúng tôi không có thông tin về trọng lượng và các kích thước thai nhi trên siêu âm, nên không thể nhận định được gì. Bạn cần tái khám và siêu âm thai theo hẹn để có chẩn đoán chính xác và xử trí phù hợp. Ngoài việc tăng cường ăn uống, bạn nên nằm nghiêng bên trái (để tăng lượng máu nuôi thai), hạn chế làm việc nặng nhọc, tăng cường nghỉ ngơi, uống đủ nước (2 lít/ngày hoặc hơn tuỳ lượng nước ối), bỏ rượu, thuốc lá (nếu có).

Bạn cũng cần mang theo phiếu siêu âm thai 3 tháng đầu (tuổi thai 8-12 tuần) giúp bác sĩ xác định chính xác tuổi thai, đồng thời làm căn cứ chẩn đoán thai chậm tăng trưởng (nếu có trọng lượng và một hay nhiều kích thước thai nhi dưới 10% bách phân vị của quần thể tham khảo).

Các xử trí khác (corticoid thúc đẩy trưởng thành phổi, điều trị tiền sản giật…) tuỳ kết quả khám thực tế. Chúc bạn may mắn và thai kỳ kết thúc tốt đẹp.

Bác sĩ Huỳnh Văn Tú

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh