Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thảm kịch Covid-19 tại Indonesia: Nhân viên nghĩa trang phải làm việc suốt ngày đêm
Thứ bảy: 09:24 ngày 24/07/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Bất chấp những nỗ lực của chính phủ nhằm phong tỏa các hòn đảo lớn, số ca tử vong tại Indonesia vẫn không ngừng gia tăng.

Làn sóng Covid-19 thứ 3 đang quét qua Indonesia với tốc độ kinh hoàng. Biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao đang len lỏi vào từng ngóc ngách, cướp đi sinh mạng của nhiều y bác sỹ và trẻ em,  khiến hệ thống y tế của Indonesia có nguy cơ sụp đổ. Số ca mắc tăng kỷ lục chỉ trong một thời gian ngắn khiến quốc gia đông dân thứ 4 thế giới này trở thành tâm dịch mới ở châu Á, vượt qua cả Ấn Độ.

Ảnh: AFP

“Chúng tôi cảnh báo nhưng không ai lắng nghe”

Tính riêng trong ngày 22/7, Indonesia chính thức ghi nhận hơn 49.000 ca mắc mới và 1.449 ca tử vong – con số cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Bất chấp những nỗ lực của chính phủ nhằm phong tỏa các hòn đảo lớn, số ca tử vong vẫn không ngừng gia tăng. Nhân viên nghĩa trang phải làm việc suốt đêm ngày để chôn cất thi thể và nhiều cơ sở sản xuất quan tài phải tăng hết công suất để đáp ứng nhu cầu. Điều gì đã khiến Indonesia chìm trong thảm họa như vậy?

Các nhà dịch tễ học tại Indonesia đã nhiều lần chỉ trích một số quan chức chính phủ và người dân nước này không thực hiện theo lời khuyên từ các chuyên gia và các nhà khoa học.

Phát biểu với ABC, nhà dịch tễ học Indonesia Masdalina Pane cho biết: “Chúng tôi đã cảnh báo người dân và các quan chức rằng dịch bệnh có thể trở nên tồi tệ hơn nếu không có bất cứ sự can thiệp nào từ thời điểm trước đó. Nhưng không ai lắng nghe”.

Vào giữa tháng 7, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia, ông Luhut Binsar Pandjaitan – người chịu trách nhiệm điều hành phản ứng khẩn cấp của Java và Bali đã gửi lời xin lỗi đến người dân do việc chính sách giới hạn hoạt động cộng đồng khẩn cấp chưa đạt hiệu quả tối ưu.

Ngay cả khi virus tiếp tục lây lan mạnh mẽ, một số người dân vẫn tin rằng thực tế không phải như vậy. Phát biểu với ABC, bác sĩ y tế cộng đồng Indonesia Wekadigunawan cho biết, những thông tin sai lệch đã gây ảnh hưởng đáng kể đối với người dân Indonesia. “Thông tin sai sự thật khiến mọi người sợ hãi khi bị phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2. Ở nơi tôi sống, người dân vẫn chưa hiểu ý nghĩa của việc tự cách ly. Kiến thức về dịch bệnh vẫn còn rất thấp”.

Một nhà dịch tễ học nổi tiếng khác tại Đại học Indonesia thậm chí còn cảnh báo nghiêm trọng hơn về hậu quả của các tin giả được phát tán tràn lan trên mạng xã hội và sự miễn cưỡng của nhiều người khi phải tuân theo những quy định phòng chống dịch hoặc tiêm vaccine.

Theo các chuyên gia, ngoài những nguyên nhân trên, việc Indonesia thất bại trong đối phó với dịch bệnh một phần là do tỷ lệ xét nghiệm thấp, tình trạng thiếu máy thở, thiếu trang thiết bị bảo hộ cá nhân và giường bệnh trên toàn quốc.

Do dự phong tỏa

Trong khi nhiều quốc gia đóng cửa biên giới ở giai đoạn đầu của dịch Covid-19 vào năm 2020 thì Tổng thống Widodo đã chi gần 8 triệu USD để quảng bá du lịch trong nước, đồng thời tiếp tục mở cửa biên giới.

Ông Widodo đã cố gắng thực thi lệnh cấm đi lại vào năm 2020 trong kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo để ngăn chặn cuộc di chuyển ồ ạt của các tín đồ muốn trở về quê hương. Song ông đã ngừng thực hiện lệnh cấm và hai tuần sau đó, số ca mắc tăng hơn 60%.

Dự đoán mức tăng tương tự trong năm nay, nhà chức trách đã áp đặt một lệnh cấm khác, nhưng số ca mắc vẫn tăng 50% do nhiều người tìm cách né tránh các lệnh hạn chế. Ngày 1/7, Indonesia công bố  các biện pháp khẩn cấp mới để ngăn chặn sự gia tăng số ca mắc đang lên đến mức báo động. Nhưng thay vì phong tỏa toàn quốc, Indonesia đã chọn cách phong tỏa từng vùng, đặc biệt là ở đảo Java - nơi đông dân nhất đất nước và đảo Bali –địa điểm du lịch nổi tiếng.

Không ưu tiên truy vết

Biến thể Delta đã gây quá tải các bệnh viện trên khắp khu vực Đông Nam Á. Indonesia cũng không ngoại lệ. Khi số ca mắc tăng cao, giá bình oxy cũng tăng lên, từ mức trung bình 66 USD lên đến 185 USD/bình.

Indonesa đã đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng để hạn chế lây lan của virus, nhưng chỉ có 16,4 triệu người trong số 181,5 triệu người được tiêm đầy đủ 2 mũi kể từ tháng 1/2021. Chuyên gia Masdalina Pane – thành viên nhóm truy vết tiếp xúc và liên lạc của chính phủ cho biết, nếu chỉ thực hiện mỗi tiêm chủng thì điều này không đủ ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Bà lưu ý, việc truy vết người tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19  - một biện pháp cơ bản được nhiều nước áp dụng để kiểm soát dịch bệnh đã “không còn là ưu tiên của chính phủ”.

“Chúng tôi đã kiểm soát thành công số ca lây nhiễm từ giữa tháng 11/2020 đến cuối tháng 3/2021 tại 13 tỉnh thành thông qua chiến dịch truy vết. Nếu bạn hỏi tôi rằng sẽ mất bao lâu để số ca mắc mới theo ngày bắt đầu giảm, tôi không thể nói được điều đó có thể xảy ra sớm hay không cho đến khi có sự quản lý hiệu quả”, Masdalina Pane cho biết.

Theo số liệu của chính phủ Indonesia, tính đến thời điểm hiện tại, nước này đã ghi nhận hơn 3 triệu ca mắc và hơn 79.000 ca tử vong. Nhưng các chuyên gia dự đoán con số này thậm chí còn lớn hơn nhiều so với dữ liệu chính thức./.

Nguồn VOV.VN (biên dịch)
Theo ABC

Tin cùng chuyên mục