Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thầm lặng giúp đời
Thứ hai: 14:13 ngày 19/11/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Hơn 10 năm nay, ở thị trấn Gò Dầu có một nhóm người rủ nhau cùng tham gia nấu cơm từ thiện cho những trường hợp người già, neo đơn, bệnh tật. Việc làm thầm lặng của họ sưởi ấm những trái tim đơn côi, tuyệt vọng vì gia cảnh nghèo, vì bệnh…

Ông Trần Văn Truyện, 79 tuổi, ngụ khu phố Thanh Bình, thị trấn Gò Dầu, huyện Gò Dầu bưng chiếc rổ ra trước mái hiên. Hai người đàn ông trong nhóm từ thiện của Tịnh xá Ngọc Thanh vui vẻ đặt vào rổ những bịch cơm, canh, thức ăn và hỏi thăm ông Truyện tình hình sức khỏe, rồi trở ra xe để kịp đi trao cơm cho những người nghèo, neo đơn khác.

Việc tặng cơm từ thiện như thế đã âm thầm diễn ra hơn 10 năm nay ở thị trấn Gò Dầu.

Chuẩn bị bữa cơm từ thiện cho người nghèo.

Ẩn mình dưới những rặng cây xanh, Tịnh xá Ngọc Thanh có phần nhỏ hẹp so với những dãy nhà san sát ở thị trấn Gò Dầu. Thế nhưng, hơn 10 năm qua, nơi đây trở thành địa chỉ tìm đến của những người có tấm lòng hảo tâm và nhiều người có hoàn cảnh khó khăn.

Hơn 10 năm, ngày nào vậy, cứ khoảng 5 giờ sáng, nhiều người dân ở thị trấn Gò Dầu lần lượt kéo đến nhà bếp của Tịnh xá để chuẩn bị bữa cơm cho người nghèo. Cơm ở đây dùng loại gạo ngon, hấp trong những chiếc xửng lớn. Cơm chín được đầu bếp xúc ra thau, xới lên cho bớt nóng. Sau đó, vài người khác múc một cơm vào túi với lượng vừa đủ để một người dùng trong ngày.

Thức ăn là đồ chay, như dưa leo, bắp cải xào, nước tương, muối sả, muối ớt chay. Đặc biệt là có món canh bổ lượng, trong đó gồm nấm mèo, hạt sen, củ cải, cà rốt, táo tàu. Các loại củ quả này được nấu chín và chia đều trong mỗi khẩu phần theo “toa” của đầu bếp. Trên một tờ giấy, mỗi khẩu phần được ghi rõ gồm 5 hạt sen, 3 trái táo tàu, 3 miếng củ cải, 3 miếng cà rốt v.v…Người phụ trách việc phân chia khẩu phần canh phải thực hiện đúng theo quy định này để đồng đều giữa các khẩu phần và đảm bảo dinh dưỡng.

Những phần thức ăn này được cho vào bọc và có đội ngũ dùng xe gắn máy chở đến từng hộ nghèo trao cho người dân.

Chúng tôi theo chân ông Nguyện (57 tuổi) và một người đàn ông khác đi giao cơm. Vòng vèo trong các thôn xóm, hẻm hóc, đến những gia đình nghèo, neo đơn, bệnh tật, cả hai người dừng lại, ân cần đem thức ăn trao tận tay cho người nhận.

Mặc dù rất vội, nhưng trước khi đi sang nhà khác, họ không quên dành chút thời gian hỏi thăm tình hình sức khỏe của những người dân. Ông Nguyện chia sẻ: “Những người được giúp đỡ đều rơi vào hoàn cảnh khó khăn, như bị bệnh nặng, già yếu sống một mình không ai chăm sóc, không còn đủ sức lo miếng ăn v.v…”.

Trong những người được nhận cơm từ thiện, có người bị bệnh bại liệt, nằm một chỗ nhiều năm liền; có mẹ già phải nuôi hai đứa con bị bệnh tâm thần; có người lớn tuổi, sống neo đơn 1 mình… 

Trường hợp của ông Trần Văn Truyện, 79 tuổi, ngụ khu phố Thanh Bình là một thí dụ. Vợ chồng ông Truyện không có con, nhiều năm qua ông bà nương tựa vào nhau. Hai năm gần đây, vợ ông qua đời, để ông một mình thui thủi quanh nhà, không ruộng vườn, không nghề nghiệp hay nguồn thu nhập nào khác.

Được chính quyền địa phương tặng căn nhà tình thương, có nơi ở đàng hoàng, nhưng chuyện ăn uống, ông Truyện không biết dựa vào đâu. Biết được hoàn cảnh của ông, nhóm người từ thiện ở Tịnh xã Ngọc Thanh đã đến giúp đỡ bằng cách mỗi ngày tặng cho ông một phần cơm, đủ để ông vững dạ suốt ngày.

Đến 9 giờ, hai xe thức ăn đã được trao hết, hai người đàn ông trở lại Tịnh xá, cùng với những người ở đây bày biện một số bàn ghế nhựa ra sân vườn và dọn cơm, thức ăn để chuẩn bị cho những người “khỏe mạnh” đến dùng bữa.

Mang cơm trao tận tay người già neo đơn.

Gần 10 giờ, những người này bắt đầu ghé vào Tịnh xá dùng cơm trưa. Gọi họ là những người “khỏe mạnh” để phân biệt với người có hoàn cảnh khó khăn phải giao cơm đến tận nhà, thực tế đó là những ông già, bà lão kiếm sống bằng nghề bán vé số dạo, những người lang thang cơ nhỡ, người đi ăn xin v.v…

Vừa dùng xong bữa cơm ở đây, bà Út, 58 tuổi, bán vé số dạo ở thị trấn Gò Dầu, bộc bạch: “Đã 3- 4 năm nay, mỗi khi có dịp đi bán vé số ngang khu vực này tôi đều ghé vào đây dùng cơm trưa. Nhờ có bữa cơm từ thiện ở đây mà những người nghèo như chúng tôi tiết kiệm được tiền ăn trưa”.

Cơm nước xong, bà Út rời Tịnh xá, tiếp tục mưu sinh. Người này vừa rời ghế, một vài người khác vào thế chỗ và những phần cơm ấm áp nghĩa tình tiếp tục được dọn ra.

Đến hơn 12 giờ, bữa cơm trưa ở Tịnh xá mới kết thúc. Những người trong nhóm từ thiện chia tay trở về nhà của mình. Ông Nguyện cho hay: “Tôi về làm việc nhà, nghỉ trưa một chút, tới 2 giờ chiều trở lại Tịnh xá chẻ củi, phơi củi. Một số người khác cũng tới đây để chuẩn bị cho bếp ăn hôm sau”.

Được biết, ngoài 300 suất cơm phục vụ hằng ngày, mỗi tuần còn có 3 ngày nhóm từ thiện nấu thêm 100 suất cơm tặng học sinh nghèo ở Trường THCS Nguyễn Huệ (huyện Bến Cầu). Chi phí cho những bữa cơm từ thiện này đều do các phật tử đóng góp.

Đại Dương- Hùng Dũng

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục