Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Bài tham gia cuộc thi viết phóng sự, ký sự:
Thâm nhập “hang ổ” tôn giáo trái phép Kỳ 1: “Phật mẫu” Kim Hà tái xuất giang hồ
Thứ hai: 03:55 ngày 15/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Qua một thời gian bỏ đi khỏi địa phương, khoảng 3 năm nay, “tiên nữ” này tái xuất giang hồ, tự nâng cấp mình lên thành “Ðức Phật mẫu” tại thế và hoạt động rầm rộ hơn.

Báo Tây Ninh số ra ngày 22.8.2011 có đăng bài “Thâm nhập nơi “tiên nữ giáng trần” truyền đạo mới”. Nội dung phản ánh ở ấp Khởi Trung, xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu có bà Nguyễn Kim Hà (SN 1969) tự xưng là “tiên nữ xuống trần”, trị bệnh chỉ bằng nước lã và nhen nhóm thành lập tôn giáo mới. Sau khi báo phát hành, chính quyền địa phương đã tổ chức công khai hoá hoạt động tôn giáo trái pháp luật của bà Kim Hà. Qua một thời gian bỏ đi khỏi địa phương, khoảng 3 năm nay, “tiên nữ” này tái xuất giang hồ, tự nâng cấp mình lên thành “Ðức Phật mẫu” tại thế và hoạt động rầm rộ hơn.

Bà Hà hoạt động tín ngưỡng tại gia đình.

Thời gian gần đây, chúng tôi nhiều lần trở lại “thăm” gia đình bà Kim Hà. Phải thừa nhận rằng, so với bảy năm trước, hiện giờ cơ ngơi của “Phật mẫu” này đã phát triển hơn gấp nhiều lần.

Trở lại và “lợi hại” hơn xưa

Trước đây, bà Hà chỉ bài trí vật dụng thờ cúng trong nhà, còn các nghi thức hành đạo mà bà tự xưng là “Ðạo Cao Ðài tứ kỳ phổ độ” chỉ diễn ra trước sân và quanh quẩn bên gốc cây bồ đề cạnh sân nhà. Hiện nay, bà đầu tư cất hẳn một “dinh thự” mới trên toàn bộ mặt sân trước.

Căn nhà làm cột, kèo bằng sắt, lợp tôn, tường xây gạch lửng, ốp đá trang trí khá vững chắc. Cổng nhà bằng sắt vững chãi. Trước cổng buông thả nhiều lá cờ đạo với ba sắc vàng - xanh - đỏ. Giữa mỗi lá cờ đều có biểu tượng thiên nhãn. Phía dưới biểu tượng này là hình chiếc bình bát vu trên hoa sen. Hai bên bình này là cây phất trần và một quyển sách, bìa màu đỏ.

Trên bờ tường rào là biểu tượng ba chiếc vòng tam thanh vô vi hình tròn cũng với ba màu vàng - xanh - đỏ, làm bằng xi măng đan vào nhau. Hai bên ba chiếc vòng là chiếc bình bát vu trên hoa sen cùng với cây phất trần, quyển sách làm bằng xi măng. Ở ô tường kế bên là quả càn khôn khá to, làm bằng xi măng.

Trên quả càn khôn có biểu tượng thiên nhãn rất to và cắm một ngôi sao vàng năm cánh. Ðáng chú ý nhất là phía trên căn nhà này có hai hàng chữ in màu vàng, trên nền đỏ với nội dung: “Kính mừng Ðức Phật mẫu vạn tuế” và “Không có gì quý hơn độc lập- tự do- hạnh phúc”. Giăng ngang đường là hàng chục dây cờ nheo, cờ ba sắc, xen kẽ cả cờ Ðảng (cờ búa liềm) và cờ Tổ quốc.

Bên trong gian nhà, hàng chục lá cờ lớn với ba sắc vàng - xanh - đỏ treo lủng lẳng và nhiều dây cờ nhỏ (giống cờ nheo) giăng ngang. Phản cảm nhất là trên tường nhà bà Hà treo hai bức ảnh khổ rộng (cỡ 40 x 60cm) sát bên nhau.

Một bức ảnh là chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ðại tướng Võ Nguyên Giáp. Kế bên là ảnh chân dung bà Kim Hà với trang phục toàn màu trắng nền là bầu trời xanh, tay phải bắt ấn, tay trái cầm bình cam lộ, trông giống như hình tượng Phật bà Quan Âm, kèm theo dòng chữ “Bồ tát Kim Hà”.

Phía trên hai bức ảnh có hàng chữ in màu vàng, trên nền màu đỏ, với nội dung “Mừng ngày đại lễ hôn phối”, hai bên dòng chữ là hình rồng, phụng uốn lượn. Không rõ chủ nhà treo hai bức ảnh này sát bên nhau và dòng chữ phía trên với ẩn ý gì, nhưng trông rất trái khoáy. Có người cho rằng, bà Hà cố tình treo hai bức ảnh như thế để tự đánh bóng thanh thế của mình.

Hình tự xưng “Bồ tát Kim Hà”.

Tự xưng “Ðức Phật mẫu” tại thế

Trong “dinh” mới này, ngoài các vật dụng như bàn thờ, hai dàn bát bửu (8 loại binh khí), chiếc chậu xi măng tròn to tướng sơn màu vàng được bài trí, ở giữa “chánh điện” bà Hà còn đặt tượng Linh sơn Thánh mẫu trên đền tháp nhỏ được xây bằng xi măng, xung quanh bài trí hoa, đèn, khói nhang nghi ngút, cùng các mâm trái cây, trên có hàng chữ: “Cung vị Ðức Mẹ Diêu trì Kim Mẫu”.

Ở phòng thờ nơi “chánh điện” có thờ bức tượng Ðức Phật mẫu Diêu trì Kim Mẫu. Bà Hà nói: “Mẹ này là mẹ trên núi, hiện xuống ngự lại nơi này để đón các con của mẹ về. Ðây là căn duyên, mà mẹ chính là căn tiên cốt Phật, là Ðức Phật mẫu, là Diêu trì Kim Mẫu”. Chỉ tay về hướng cây bồ đề khá to, thân treo đầy cờ xí ngoài sân, bà Hà tiếp: “Khi mẹ ngự xuống đây, mẹ đã hoá ra cây bồ đề này đã 9 năm rồi, các con về đây là để được hưởng đức của mẹ”.

“Tín đồ” trong “dinh” của bà Hà gồm nhiều thành phần, nhiều lứa tuổi. Từ trẻ em 4-5 tuổi cho đến người già khoảng 70 tuổi đều răm rắp nghe và làm theo lời bà. Theo quan sát của chúng tôi, các “tín đồ” đến đây đều ăn mặc chỉnh tề, nam mặc áo dài trắng, đầu đội mấn đen, nữ mặc áo bà ba, trắng có, đen có.

Mỗi khi nói chuyện với bà Hà, tất cả họ đều kính cẩn, lễ phép, miệng luôn “mô Phật”. Bà Hà trong trang phục áo bà ba trắng với chiếc khăn choàng cổ, thường nói với các “tín đồ”: “Tất cả mọi người đều là con của mẹ. Các con về đây là để được mẹ ban ơn, được mẹ khai sanh, đặt tên, đặt tuổi, chữa khỏi các bệnh tật, cho nhẫn ngọc để làm ăn phát tài, giàu sang phú quý và được thăng tiên. Mẹ là Diêu trì Kim Mẫu, mẹ vịn gốc đạo Cao Ðài, vì Ðức Hộ Pháp của đạo Cao Ðài thay thân cho mẹ, mở đạo ra thời kỳ cuối này là Tam kỳ phổ độ. Giờ này là Tam ơn tứ chuyển, mẹ chuyển về đây để những ai có căn tu nhiều kiếp, có công đức kiếp này mới được gặp mẹ, đặng mẹ ban thưởng cho xứng ngôi, xứng vị”.

Thông thường, mỗi ngày đều có khoảng 20 người đến cúng viếng tại dinh của bà Hà. Vào những ngày mùng 1, 8, 15, 18, 28 (âm lịch) hằng tháng, hoặc ngày lễ, các tín đồ kéo về rất đông.

Trung bình mỗi tháng bà Hà tổ chức cúng 5 lần, nhưng giờ cúng cũng rất bất thường, không theo định kỳ nào. Có khi sáng sớm, có khi trưa, chiều, tối và cũng có khi bà tổ chức cúng lúc nửa đêm. “Khi nào mẹ muốn cúng thì cúng thôi, mẹ không quy định giờ nào cả!”- một “tín đồ” của bà Hà nói.

Ðáng chú ý, trong dịp lễ giỗ tổ vua Hùng Vương (mùng 10 tháng 3 âm lịch) vừa qua, bà Kim Hà lợi dụng sự kiện này để tổ chức hoạt động khá rầm rộ. Bà cho giăng trên vườn cây cao su trước cửa nhà tấm băng-rôn to lớn, trên đó in hai dòng chữ với nội dung: “Các con đồng kính hội tụ mừng ngày giỗ tổ vua Hùng Vương. Ðức mẹ hiền Phật mẫu Kim Hà mô phật”.

Như một kiểu “quảng bá”, bà Hà tổ chức tiệc ăn mừng linh đình cho các “tín đồ” và hàng trăm người dân đến dự. Trong khi ăn, bà Hà đến từng bàn, hôn lên đầu, lên má từng người, như để “mẹ ban ơn phước lành cho các con”. Mỗi khi nâng ly, “tín đồ” của bà Hà kèm theo câu “Mô Phật. Nam mô Ðức Phật mẫu Kim Hà vạn vạn tuế!”.

Ðặc biệt, trong bữa tiệc, bà Hà mời hai nghệ sĩ cải lương Châu Thanh và Phượng Hằng (từ TP.Hồ Chí Minh) đến biểu diễn văn nghệ, nội dung bài hát ca ngợi người mẹ. Trong khi hai nghệ sĩ biểu diễn, bà Kim Hà mặc áo dài đen thêu hình long - phụng, đầu đội mấn đen thêu hoa văn, một tay cầm bó hoa, một tay cầm cờ đạo vẫy chào. Hình ảnh đó khiến nhiều người hiểu là những bài hát nhằm ca tụng bà Hà như một đức mẹ thiêng liêng, cao quý.

Bà Hà dẫn đầu các tín đồ đi diễu hành trong ngày giỗ tổ Hùng Vương (ảnh cắt từ video clip).

Sau bữa tiệc, bà Hà dẫn đầu đoàn diễu hành gần 50 “tín đồ” đi qua, đi lại trên đường và trong vườn cao su trước cửa nhà bà.

Trong đoàn, các “tín đồ” nữ đều đội mấn, mặc áo dài màu đỏ in hình bản đồ Việt Nam trên tà trước, phía sau là hình một ngôi sao vàng lớn cùng chín ngôi sao nhỏ nằm quanh, trải từ trên cổ kéo dài xuống tà áo (chẳng biết có ý nghĩa gì?). Còn đàn ông thì mặc đồng phục áo dài vàng, đội mấn màu vàng.

Tất cả các “tín đồ” này đều được đeo dây sắc lệnh, cài một hình tròn màu trắng có biểu tượng thiên nhãn, một tay cầm bó hoa, tay còn lại cầm lá cờ đạo, cờ Ðảng và cờ Tổ quốc, cùng đi thành hàng dài, vừa đi vừa huơ qua huơ lại.

Qua thực tế cho thấy, từ một nhóm hoạt động tôn giáo bất hợp pháp không đáng kể, đến nay “tổ chức” này đã bùng phát khá quy mô và rầm rộ. Ðiều này cho thấy, sự hoạt động trở lại của bà Kim Hà đang là điểm nóng đáng lo ngại...

Thảo Nguyên - Tâm Giang

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh