Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh:
Thẩm tra các nội dung trình kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh
Thứ bảy: 01:12 ngày 04/12/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chiều 2.12, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh tổ chức họp thẩm tra các nội dung trình kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh khoá X, nhiệm kỳ 2021-2026. Tham dự có bà Nguyễn Đài Thy- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh.

Bà Nguyễn Đài Thy- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc họp.

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh đánh giá kỹ hơn một số vấn đề, cụ thể: kế hoạch ứng phó dịch bệnh Covid-19 gắn với hỗ trợ, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế ở địa phương có mặt còn hạn chế; chưa chuẩn bị đầy đủ, kịp thời các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh cho cấp cơ sở; việc triển khai các chính sách hỗ trợ chưa đồng bộ, tiến độ thực hiện còn chậm…

Ban đã thẩm tra các nội dung: tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2021 và dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022; dự thảo Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công năm 2022- nguồn ngân sách địa phương; dự thảo Nghị quyết giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025- nguồn vốn ngân sách địa phương; dự thảo Nghị quyết về thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn tỉnh năm 2022.

Theo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, để có giải pháp phù hợp và làm cơ sở xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022, Ban đề nghị UBND tỉnh đánh giá kỹ hơn một số vấn đề, cụ thể: kế hoạch ứng phó dịch bệnh Covid-19 gắn với hỗ trợ, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế ở địa phương có mặt còn hạn chế; chưa chuẩn bị đầy đủ, kịp thời các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh cho cấp cơ sở.

Việc triển khai các chính sách hỗ trợ chưa đồng bộ, tiến độ thực hiện còn chậm. Bên cạnh đó, cần báo cáo đánh giá đầy đủ hơn các nguồn lực từ ngân sách, các khoản đóng góp xã hội khác cho công tác phòng, chống dịch để làm cơ sở hoạch định các giải pháp phù hợp cho giai đoạn tới.

Cần đánh giá hiệu quả các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp đã ban hành; đánh giá rõ hơn khả năng giải ngân đầu tư công, trong đó có vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, tiến độ triển khai của các dự án trọng điểm trên địa bàn để tạo động lực, lan toả và kéo theo sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.

Báo cáo rõ hơn hoạt động hỗ trợ của các ngân hàng thương mại đối với doanh nghiệp, người dân, người lao động trong tiếp cận tín dụng ưu đãi và nguy cơ gia tăng nợ xấu; công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thuỷ lợi; vấn đề về quản lý xây dựng cần được xem xét, đánh giá đầy đủ và có giải pháp phù hợp đối với: chất lượng kiến trúc, quy hoạch xây dựng; công tác phát triển đô thị, phát triển nhà ở và thị trường bất động sản…

Ban cũng đề nghị UBND tỉnh báo cáo cụ thể tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt lao động, chuyên gia với số lượng lớn tại một số địa phương, khu công nghiệp; phương án giải quyết tình trạng lao động tự do rời khỏi địa phương; chính sách thu hút lực lượng này quay trở lại nơi làm việc; giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động trở về quê.

Bên cạnh đó là công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho hộ nghèo chưa hiệu quả. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho giáo dục trực tuyến, việc tiếp cận công nghệ thông tin của giáo viên, phụ huynh, học sinh chưa đồng bộ; việc triển khai, thực hiện còn chưa đồng đều giữa các cấp học và giữa các cơ sở giáo dục; chưa bảo đảm công bằng, bình đẳng trong khả năng tiếp cận của học sinh; chưa bảo đảm tương tác tích cực với trẻ, nhất là trẻ em bậc tiểu học…

Đối với dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022, về các chỉ tiêu chủ yếu, cần làm rõ cơ sở cho việc xác định một số chỉ tiêu tăng trưởng; tính khả thi của các chỉ tiêu này và sự phù hợp với kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025 như: tăng trưởng GRDP là 6,5%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng 15,5%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,5% - 0,7%. Về giải pháp chủ yếu, cần quan tâm làm rõ các vấn đề trên và bổ sung giải pháp căn cơ trong thời gian tới.

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh thống nhất với báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021 và dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2022; nhiệm vụ, giải pháp UBND tỉnh đề ra để thực hiện hoàn thành kế hoạch năm 2022.

Tuy nhiên, trong báo cáo thực hiện kế hoạch đầu tư công - nguồn ngân sách địa phương năm 2021, Ban đề nghị đánh giá chi tiết về tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản (nếu có); việc thực hiện các dự án chuyển tiếp; dự án hoàn thành trong năm 2021; quyết toán dự án hoàn thành trong năm 2021; số dự án đã hoàn thành nhưng chưa quyết toán theo quy định, nguyên nhân và giải pháp xử lý.

Nêu bật những kết quả đạt được trong thực hiện kế hoạch đầu tư công - nguồn ngân sách địa phương năm 2021, khó khăn, vướng mắc trong giải ngân kế hoạch đầu tư công, phân tích nguyên nhân giải ngân không đạt tiến độ và bài học kinh nghiệm trong triển khai thực hiện.

Về công tác lập, thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư đối với các dự án chuẩn bị đầu tư năm 2021, số lượng dự án dừng chuẩn bị đầu tư khá nhiều, 15/59 dự án, chiếm tỷ lệ 25,42% trong tổng dự án chuẩn bị đầu tư.

Ban đề nghị thuyết minh thêm nguyên nhân số lượng dự án dừng chuẩn bị đầu tư, trong đó làm rõ những nguyên nhân chủ quan để có giải pháp khắc phục. Về kế hoạch đầu tư công năm 2022- nguồn ngân sách địa phương, qua thẩm tra, Ban cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo Nghị quyết.

Đối với dự thảo Nghị quyết giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 - nguồn vốn ngân sách địa phương, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cơ bản thống nhất. Trong quá trình tổ chức thực hiện, Ban đề nghị UBND tỉnh thường xuyên rà soát, đánh giá tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư công để kịp thời điều chỉnh mức vốn phân bổ cho phù hợp, bảo đảm sử dụng vốn đầu tư có hiệu quả và tránh tình trạng mất cân đối trong bố trí vốn ngân sách.

Đối với dự thảo Nghị quyết về thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn tỉnh năm 2022, Ban thống nhất với nội dung trình. Trong quá trình thực hiện, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo tập trung nguồn vốn, bố trí đủ nguồn lực, sớm thẩm định và phê duyệt giá đền bù, hỗ trợ để đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và triển khai thực hiện các dự án, công trình này theo đúng tiến độ, bảo đảm trong kỳ kế hoạch sử dụng đất, không để kéo dài thời gian thực hiện dự án làm phát sinh thêm chi phí, gây lãng phí tài nguyên đất, giảm hiệu quả sử dụng đất và gây bức xúc cho người dân.

Định kỳ rà soát, xử lý đối với dự án chậm hoặc chưa thực hiện thu hồi đất quá thời hạn quy định tại khoản 3 Điều 49 của Luật Đất đai năm 2013 để điều chỉnh cho phù hợp, đúng quy định pháp luật.

Trúc Ly

 

Tin cùng chuyên mục