Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Than khó, nhưng vẫn cứ vi phạm
Chủ nhật: 08:02 ngày 29/10/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Không nộp phạt, cũng không khắc phục hậu quả theo yêu cầu của cơ quan chức năng, lại tiếp tục “nhập” phế liệu về gia công tái chế nhựa và xả thải ra môi trường, đó là thực tế đang diễn ra tại bãi rác của gia đình bà Phan Thị Lan (tổ 27, ấp Voi, xã An Thạnh, huyện Bến Cầu). Thế mà…

Nhựa băm nổi lên trên, keo dán và giấy rã tan trong nước rồi lắng chìm xuống đáy.

ĐÀNH CHỊU “BÓ TAY”

Như trước đây Báo Tây Ninh đã phản ánh, gia đình bà Phan Thị Lan đã mang cả trăm tấn rác công nghiệp về kinh doanh nhựa tái chế. Tuy nhiên, bà Lan cho biết công việc làm ăn chỉ có lỗ chứ không có lãi, từ đó “nguồn nguyên liệu” bị tồn đọng, gây nên cảnh ô nhiễm môi trường.

Khi bà con sống gần bãi rác lên tiếng phản đối, bà Lan xử lý bằng cách đốt dần. Thế nhưng, việc này càng làm cho tình hình thêm căng thẳng, bởi vì khói bụi từ việc thiêu huỷ rác tác động đến môi trường càng nhiều hơn.

Cơ quan chức năng vào cuộc, có khá nhiều biên bản nhắc nhở, hướng dẫn thực hiện bảo vệ môi trường, thậm chí không ít bản cam kết khắc phục hậu quả của chủ cơ sở cũng đã được lập. Vậy mà cho đến nay, bãi rác này vẫn chưa được xử lý triệt để.

Lý do cuối cùng gia đình bà Lan đưa ra là không có chi phí để giải quyết vấn đề, kèm theo nỗi niềm riêng cần thông cảm: “Chính gia đình tôi cũng bị người khác lừa bán cho những thứ rác từ nhựa phế liệu bỏ đi, đến khi phát hiện cũng đành bất lực trước bãi rác khổng lồ này”, bà Lan phân trần.

Chất thải được xả thẳng ra môi trường tự nhiên.

Dù bất cứ lý do gì đi nữa, người vi phạm vẫn phải chịu trách nhiệm giải quyết hậu quả. Vậy nên, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng vẫn cương quyết xử lý trường hợp của bà Lan theo đúng quy định.

Về mặt pháp lý, ông Trần Hoàng Em (con của bà Lan) được Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Bến Cầu cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh vào ngày 4.10.2016, với ngành nghề kinh doanh mua bán, xay xát nhựa phế liệu.

Ngày 6.9.2017, Phòng Tài nguyên và Môi trường có báo cáo Chủ tịch UBND huyện Bến Cầu, đề xuất hướng xử lý hộ kinh doanh Trần Hoàng Em trong công tác bảo vệ môi trường theo hai hướng.

Thứ nhất, phạt tiền đối với hành vi vi phạm theo Nghị định số 115/2016/NÐ-CP, buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu, di dời phế liệu đi nơi khác (theo đúng quy định) hoặc hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý.

Thứ hai, kiến nghị Chủ tịch UBND huyện Bến Cầu chỉ đạo Chủ tịch UBND xã An Thạnh xử lý những hành vi vi phạm và buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả như trên, đồng thời báo cáo kết quả về UBND huyện.

Ngày 25.10 vừa qua, ông Trần Văn Dương- Chủ tịch UBND xã An Thạnh cho biết, UBND huyện Bến Cầu đã có văn bản hướng dẫn UBND xã xử lý trường hợp ông Trần Hoàng Em theo Nghị định số 115/2016/NÐ-CP. Cụ thể, về hành vi không có bản kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận theo quy định: phạt 2,5 triệu đồng theo điểm d, khoản 1, Ðiều 11 của Nghị định.

Về hành vi tiếp nhận chất thải rắn công nghiệp thông thường nhưng không có biện pháp xử lý hoặc không chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy định: phạt 3,5 triệu đồng theo điểm a, khoản 9, Ðiều 20 của Nghị định. Ðồng thời phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả kèm theo.

“UBND xã An Thạnh đã ra 2 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trần Hoàng Em theo hướng dẫn của huyện, tổng số tiền phạt là 6 triệu đồng. Quyết định cũng đã được tống đạt cho đương sự cách nay hơn 2 tuần, thế nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy đóng tiền phạt. Khi chính quyền địa phương nhắc nhở, người vi phạm than là không có tiền đóng phạt”, ông Dương cho hay.

Cùng ngày 25.10, bà Lan không ngần ngại nói rõ: “Sự thật là gia đình tôi không có tiền đóng phạt, kể cả chi phí để khắc phục hậu quả. Cơ quan chức năng có xử lý thế nào, chúng tôi cũng đành chịu bó tay”. Hiện bãi rác của gia đình bà vẫn tồn tại như cũ, tuy có gom gọn lại chất thành đống.

ÐÃ SAI VẪN HOẠT ÐỘNG ?

Theo người dân phản ánh, người con thứ hai của bà Lan vẫn thường xuyên “nhập” phế liệu nhựa và vận hành máy xay, xả thải thẳng ra môi trường. Chiều 25.10, cán bộ phụ trách tài nguyên và môi trường xã An Thạnh trực tiếp vào khảo sát bãi rác cũng như khu xay xát nhựa.

Tuy máy xay nhựa đã ngưng hoạt động, nhưng những bao nhựa lớn được vớt ra từ hồ xử lý vẫn còn ướt, nước từ ống thải đang rỉ rả chảy ra hầm chứa gần đó, có dấu mới khơi thông dòng chảy thẳng xuống hầm.

Theo quan sát, chất thải là một hỗn hợp sền sệt như chất bột hoà chung với nước (màu hơi đen). Chất này sau khi ra khỏi ống dẫn đổ thẳng xuống hầm chứa tạo thành những mảng lớn vật chất mềm nhũn, nổi phồng trên mặt hầm.

Ngay lối vào khu xay xát, có nhiều bao tải cỡ lớn chứa “nguyên liệu” là những mảnh nhựa nhỏ được lấy từ bao bì nhãn mác một số mặt hàng công nghiệp. Ði sâu vào bên trong, chúng tôi thấy có một máy dùng để xay mảnh nhựa (thật ra là băm vì chưa nhuyễn lắm), đặt liền kề hai hồ chứa được xây tô khá rộng, một hồ để trống, hồ còn lại đang đầy ắp nước màu đen cùng lớp nhựa dày nổi trên mặt nước.

Bên ngoài hồ có 3 bao tải đang đựng mảnh nhựa ướt sũng, có thể vừa được vớt ra. Bên hông căn nhà mái tôn xập xệ là chỗ phơi nhựa.

Lại “nhập” hàng mới về để tiếp tục hoạt động và xả thải.

Người con trai thứ hai của bà Lan cho biết: “Vì cuộc sống quá khó khăn, nên thỉnh thoảng tôi có “nhập” hàng mới về để gia công băm nhuyễn, chủ yếu là bao bì của những ống kim tiêm y tế bị lỗi trong quá trình sản xuất, đem ngâm nước cho chất keo dán và giấy rã ra chìm lắng xuống đáy hồ, sau đó vớt lấy phần nhựa nổi lên trên mặt nước đem phơi khô, cuối cùng là cho vào bao cân ký bán cho khách hàng kinh doanh nhựa tái chế.

Riêng nguồn nguyên liệu cũ tồn đọng (bãi rác khổng lồ), tôi không hề đụng đến vì không có giá trị kinh doanh”.

Thật không khỏi giật mình khi được biết nguồn nguyên liệu chủ yếu được lấy từ bao bì của “kim tiêm y tế bị lỗi”. Có thể người đàn ông này biết được nguồn gốc mảnh nhựa thông qua nguồn tin trung gian, nhưng sẽ không thừa nếu chúng ta thử đặt ra nghi vấn: có quy trình sản xuất kim tiêm nào mà bị lỗi đến hàng tấn vỏ bao bì như vậy không, đó là chưa kể con bà Lan cho hay cứ thỉnh thoảng lại “nhập” hàng về (tức là nguồn hàng không hiếm- PV).

Thử hình dung, có bao nhiêu tấn kim tiêm bị lỗi mới lấy được 1 tấn vỏ bao bì để làm nhựa tái chế, điều này thật khó tin. Trường hợp nếu đúng nguồn nhựa trên được lột ra từ nhãn mác kim tiêm- thì nguồn nguyên liệu “ổn định” này lấy ở đâu ra, liệu có khả năng số phế liệu được lấy từ ống tiêm đã qua sử dụng hay không?

Con trai thứ hai của bà Lan kể: “Hiện tại, Trần Hoàng Em đã tìm công việc khác để làm, nhà chỉ còn mình tôi tận dụng cơ sở vật chất sẵn có để xay xát, rửa nhựa, phơi khô, kinh doanh tới đâu hay tới đó, chủ yếu lấy công làm lời”.

Bàn về chuyện người dân sống gần khu bãi rác và hầm chứa thải lo ngại ô nhiễm môi trường, con bà Lan thò tay vớt mớ hỗn hợp chất thải lên giải thích với cán bộ tài nguyên và môi trường xã- “Chỉ là bột giấy với nước thì có ảnh hưởng gì đâu”.

Khi được hỏi tại sao cỏ dại và lục bình tiếp xúc với chất thải lại có biểu hiện vàng úa, người nói chất thải không độc hại liền quay lưng bỏ đi, không trả lời.

Ông Trịnh Văn Ðồng, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bến Cầu nêu ý kiến: “Nếu con bà Lan vẫn tiếp tục hoạt động xay xát nhựa và xả thải ra môi trường khi chưa thực hiện đúng theo yêu cầu của ngành chức năng, Phòng sẽ lập biên bản đình chỉ ngay, tuỳ mức độ vi phạm mà có hướng xử lý theo đúng quy định, cương quyết không để tình trạng này tái diễn”.

Chủ tịch UBND xã An Thạnh nhấn mạnh, cơ sở mua bán và xay xát nhựa phế liệu phải nghiêm túc thực hiện quyết định xử phạt và khắc phục hậu quả.

Trường hợp nếu muốn tiếp tục hoạt động, phải tuân thủ thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chức năng về đăng ký phòng cháy chữa cháy, lập đề án bảo vệ môi trường đơn giản, kể cả nghĩa vụ về tài chính đối với doanh nghiệp.

Trong khi đó, một lần nữa bà Lan vẫn khẳng định là… “bó tay”.

Quốc Sơn

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục